Dưới đây là những cách đơn giản giúp bạn có giải quyết được bài toán của mình – tăng lương:
Liệt kê các thành quả đạt được
Mong muốn mua một căn nhà mới hoặc trả hết nợ nần không phải là một lý do hợp lý đưa ra để đàm phán tăng lương. Lí do thích hợp đưa ra chỉ có thể là những thành quả trong công việc của bạn đem về lợi nhuận cho công ty. Chẳng hạn bạn đã thiết kế ra được một website có lưu lượng truy cập tăng hơn trước rất nhiều, từ đó doanh số bán hàng của công ty tăng lên.
Hoặc bạn đã trực tiếp chỉ đạo một nhóm làm việc ký được hợp đồng có trị giá hàng tỷ đồng cho công ty. Hãy thu thập những tài liệu minh chứng điều này và trình bày nó một cách có khoa học, có tổ chức. Điều này rất quan trọng, nó giúp cho người quản lý có thể nhìn nhận giá trị thật sự của bạn. Tăng lương cho bạn với họ là một việc làm tất yếu.
Nghiên cứu mức thu nhập của những người xung quanh
Nghiên cứu mức thu nhập của những người có năng lực tương đương với bạn tại công ty cũng như mức lương ở những công ty khác có cùng ngành nghề, bằng cấp như bạn. Hãy trình bày yêu cầu tăng lương kèm theo các kết quả khảo sát của bạn. Lý do yêu cầu tăng lương của bạn sẽ rất thuyết phục sếp hiểu rằng bạn đang ý thức rất rõ giá trị của mình, và bạn sẵn sàng ra đi trong một thị trường lao động mở.
Trình báo cáo định kỳ
Mặc dù đánh giá rất cao năng lực của bạn nhưng sếp vì quá nhiều việc mà không đánh giá hết được những dự án bạn đang tham gia và hiệu quả công việc bạn đạt được. Để tránh tình trạng những thành quả của bạn không bị bỏ qua, hãy xây dựng những báo cáo hàng tuần, hàng tháng, hoặc báo cáo kết thúc dự án tổng kết những công việc bạn đang tham gia, đã hoàn thành và hiệu suất của nó. Những con số biết nói sẽ giúp sếp nhận thức được rõ ràng những thành quả công việc của bạn. Đó là cơ sở để anh ta tăng thu nhập cho bạn một cách hợp lý.
Lựa chọn thời gian hợp lý
Không phải lúc nào bạn cũng có thể đề cập đến chuyện tăng lương. Thời gian thích hợp nhất là sau khi kết thúc một dự án, một kế hoạch, hay kết thúc một năm. Chẳng hạn bạn có thể đề cập vấn đề này với sếp sau khi bạn hoàn thành xuất sắc một công trình, một dự án, hay lúc cơ quan chuẩn bị bắt tay vào một dự án mới. Dĩ nhiên bạn cũng nên tránh khoảng thời gian sếp đang bù đầu với một núi công việc cần giải quyết…Khi không quá bận rộn, tâm lý của sếp cũng thoải mái hơn và dễ tính hơn trong việc chấp nhận những đề xuất của bạn.
Chuẩn bị “phương án B”
Nếu việc tăng lương không nằm trong khả năng quyết định của sếp trực tiếp của bạn, hãy lên phương án thỏa thuận những “điều khoản” khác như: xin nghỉ nhiều hơn, một lịch trình linh hoạt hơn, tiền thưởng dựa trên hiệu suất lớn hơn. Nếu những yêu cầu này lại bị từ chối, hãy hỏi sếp của bạn làm thế nào tốt nhất trong vị trí của mình để được tăng thu nhập trong tương lai và hãy nhớ thiết lập một cuộc hẹn thảo luận về vấn đề này ngay sau khi đạt được những tiến bộ.
Theo Quantri.vn