Kiến thức Đãi ngộ Đàm phán lương bổng với nhà tuyển dụng

Đàm phán lương bổng với nhà tuyển dụng

8
Đàm phán là một nghệ thuật, và đàm phán lương bổng lại càng là một nghệ thuật cấp cao. Tuy nhiên đây cũng là vấn đề mà mọi người hay né tránh nhất khi chuẩn bị cho buổi phỏng vấn.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Hỏi sao bạn có tâm trí để nghĩ đến việc kì kèo lương bổng với nhà tuyển dụng, trong khi cùng lúc đang có hàng chục, thậm chí hàng trăm ứng viên đang lom lom nhắm cùng một chiếc ghế mà bạn muốn ngồi. “Hiện tại tôi chỉ lo làm thế nào để bước vào công ty, vào đó được rồi sẽ tính tới chuyện yêu cầu tăng lương sau”. Theo ý kiến của tôi, bạn đừng bao giờ mắc phải sai lầm đó. Hãy hình dung bạn bước vào một phố ăn uống, nơi đó có quán bún bò ưa thích của mình, bạn thích vì quán bán rẻ lại ngon. Một ngày đẹp trời bạn bước vào quán kêu một tô bún, và khi tính tiền, bà chủ hét giá gấp rưỡi mọi khi, bạn thắc mắc hỏi tại sao thì nhận được câu trả lời;”Thì tôi nấu ngon nên có quyền lấy mắc”. Chuyện gì sẽ xảy ra? Bạn còn muốn ăn ở quán đó không, khi những quán bún ngon và rẻ không chỉ có mình bà ta. Trường hợp lương bổng của bạn cũng tương tự, đó là cái giá mà bạn đặt ra cho sức lao động của mình. Ngay từ đầu nếu bạn ra một cái giá hợp lý cho cả hai, sẽ dễ hơn rất nhiều khi bạn bỏ rẻ và sau đó lấy mắc. Người mua không bao giờ thích bị tăng giá đột ngột, và ông chủ của bạn cũng vậy. Nếu ông ta đã quen với việc trả bạn 3 triệu 1 tháng để làm việc 12 tiếng 1 ngày thì khoảng thù lao 5 triệu bạn vừa yêu cầu sẽ như nhát dao cắt ruột ông ta. Và tất nhiên, 50% khả năng là bạn sẽ bị thay thế bằng một người khác chấp nhận cái giá gần với ban đầu bạn đưa ra, đó có thể là một nhân viên kém năng lực hơn bạn, nhưng dù gì đối với ông chủ, chấp nhận chuyện đó cũng dễ hơn cảm giác bị mua hớ. Đây không đơn thuần là vấn đề tiền bạc, ông chủ đang nghĩ bạn ngạo mạn, tự cao, và ông ta không thích cảm giác bị qua mặt thế này.
Thế nên ngay từ đầu hãy chuẩn bị chu đáo cho cuộc đàm phán quan trọng này, vì con số kết quả ra bao nhiêu thì bạn phải chấp nhận nó một thời gian không ngắn trước khi có bước đi kế tiếp. Hãy luôn ghi nhớ những điều sau khi chuẩn bị tham gia phỏng vấn.
1/ Bạn đang cung cấp một dịch vụ dài hạn, không phải mua đứt bán đoạn: nếu trong kinh doanh hàng hóa thông thường, sai lầm về giá có thể trặc lưỡi cho qua, vì cùng lắm bạn chỉ lỡ bán rẻ một món gì đó cho khách hàng cầm về, rồi mất công nhập hàng lại. Tuy nhiên, nếu bạn bán rẻ sức lao động của mình một lần, khi hợp đồng được kí kết, bạn sẽ phải nai lưng làm việc với đồng lương còm cỏi đó, viễn cảnh này không hề tươi sáng chút nào.
2/ Hiểu rõ những gì bạn có và nhu cầu của nhà tuyển dụng: bạn phải biết rõ bản thân có thể mang lại cho công ty những gì thì mới có thể biết được giá trị bản thân đối với ông chủ tương lai nhiều ít ra sao, giống như một người bán hàng phải hiểu rõ tác dụng và lợi ích món hàng anh ta đang cầm trên tay.
3/ Tham khảo giá thị trường: hãy tìm hiểu từ bạn bè, người quen, những người đã làm vị trí tương tự bạn, ở một công ty tương tự, tốt nhất là công ty đối thủ, tất cả những con số bạn đưa ra đều mang nặng tính chủ quan nếu bạn không tham khảo qua giá trị công việc trên thị trường lao động. Một chai tương ớt bán giá 100.000đ sẽ chẳng ma nào mua, còn một chiếc Air Blade mới cáu bán 20 triệu thì quả là tai họa. Giá trị của bạn trong mắt ông chủ và chính bạn có thể cách nhau rất xa, thế nên đừng chủ quan đưa ra một con số nào đó mà chưa qua tham khảo thông tin.
Cuối cùng, hãy ghi nhớ rằng tìm được việc làm là quan trọng, nhưng nhận được thù lao xứng đáng cũng quan trọng không kém. Hãy suy xét kĩ trước khi bước vào đàm phán với ông chủ, bởi vì nếu thua trong cuộc đàm phán này, có thể bạn sẽ stress trong thời gian làm việc sắp tới khi ngày nào cũng thức dậy với ý nghĩ ai oán:”Mình cày hùng hục như trâu mà chả có lấy được một ngụm cỏ non.”
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không