Theo đó, điểm a và b khoản 1 Điều 6 Thông tư 153 được sửa đổi theo hướng mở rộng các đối tượng được tạo hóa đơn tự in.
Cụ thể, từ ngày 25/3/2011, một trong những đối tượng được tạo hóa đơn tự in là doanh nghiệp có mức vốn điều lệ từ 1 tỷ đồng trở lên tính theo số vốn đã thực góp đến thời điểm thông báo phát hành hóa đơn (theo Thông tư 153 trước đó thì doanh nghiệp phải có vốn điều lệ 5 tỷ đồng trở lên mới được in hóa đơn).
Cũng theo Thông tư số 13, tổ chức kinh doanh được tự in hóa đơn để sử dụng cho việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ khi đã được cấp mã số thuế; có doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ; có hệ thống thiết bị đảm bảo cho việc in và lập hóa đơn; là đơn vị kế toán theo quy định của Luật Kế toán và có phần mềm bán hàng hóa, dịch vụ gắn liền với phần mềm kế toán, đảm bảo dữ liệu của hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ được tự động chuyển vào phần mềm (cơ sở dữ liệu) kế toán tại thời điểm lập hóa đơn.
Tổ chức kinh doanh phải đảm bảo không bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế hoặc đã bị xử phạt và đã chấp hành xử phạt vi phạm pháp luật về thuế mà tổng số tiền phạt vi phạm dưới 50 triệu đồng (quy định trước đây là 20 triệu đồng) trong vòng 1 năm liên tục từ ngày thông báo phát hành hóa đơn tự in lần đầu trở về trước.
Được biết, 31/3/2011 là “hạn chót” các doanh nghiệp trong diện phải tự in/đặt in hóa đơn phải có hóa đơn sử dụng.
Theo thống kê mới đây của Bộ Tài chính, cả nước hiện có 15/63 tỉnh, thành phố còn doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện tự in hóa đơn, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM. Trong số 6.000 doanh nghiệp chưa tự in hóa đơn, TP.HCM chiếm gần 4.000, Hà Nội dưới 2.000 doanh nghiệp, còn lại là các địa phương khác.
(Theo Tài chính điện tử)