Theo Thông tư số 15/2014 của Bộ Công an, từ ngày 1/6/2014, các xe máy điện phải đăng ký lưu hành với đầy đủ các loại giấy tờ, nếu không sẽ bị phạt tiền. Quy định này đã gây lo lắng cho cả người kinh doanh và người dân đã sở hữu hoặc đang có ý định mua xe.
Ảnh minh họa
Hoang mang vì… cái bàn đạp
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại xe máy điện và xe đạp điện với nhiều mẫu mã, kiểu dáng khác nhau. Tại phố Tôn Đức Thắng, chị Nguyễn Thị Hà cho biết, đang tìm mua cho con gái một chiếc xe đạp điện, nhưng bản thân rất lo ngại. Chỉ một chiếc xe có cấu tạo như xe đạp điện, có bàn đạp nhưng đồng hồ đo tốc độ lại lên tới 50km/h. Nhưng một chiếc khác cồng kềnh hơn, không có bàn đạp nhưng chủ cửa hàng chắc chắn tốc độ không quá 25km/h. “Vậy những chiếc xe có bàn đạp nhưng tốc độ trên 25km/h thì gọi là xe gì và có phải đăng ký không? Và làm thế nào để khẳng định những chiếc xe có bàn đạp kia chắc chắn không phải xe máy điện” – chị Hà băn khoăn.
Ông Trần Đức Khải – chủ một cửa hàng kinh doanh xe máy điện, xe đạp điện trên phố Bà Triệu – khẳng định: Đồng hồ đo công tơ mét ghi tối đa là 50km/h nhưng không thể chạy quá 25km/h vì đã có bộ điều chỉnh khống chế tốc độ và đã được thử, dán tem kiểm tra chất lượng đạt tiêu chuẩn. Nếu khách hàng muốn đi nhanh hơn vẫn có thể điều chỉnh.
Việc căn cứ vào cái bàn đạp để quyết định có đăng ký hay không xem ra không hợp lý lắm. Phải chăng đã đến lúc cần có một bộ quy chuẩn cho riêng xe máy điện.
Có một thực tế là, lâu nay mọi người cứ nghĩ rằng một cái xe chạy bằng động cơ điện có bàn đạp là xe đạp điện. Còn xe máy điện là không có bàn đạp.
Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội – cho biết, đến thời điểm này, ngoài quy chuẩn kỹ thuật về xe đạp điện của Bộ Giao thông vận tải thì chưa có quy chuẩn cho xe máy điện. “Phía công an nói áp dụng quy chuẩn xe máy điện như mô tô, xe gắn máy (QCVN 14: 2011/BGTVT) thì chưa hợp lý lắm” – ông Liên phân tích.
Nghiên cứu các văn bản luật từ trước tới nay cho thấy, việc quy định tên gọi, loại xe, tốc độ vẫn chưa thống nhất và còn nhiều điều phải bàn. Đơn cử như xe máy điện (theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP) là xe được vận hành bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Tuy nhiên trong Nghị định 34/2010/NĐCP lại quy định, xe máy điện là xe cơ giới có hai bánh di chuyển bằng động cơ điện, có vận tốc thiết kế lớn nhất lớn hơn 50 km/h.
Còn theo quy chuẩn 68:2013/BGTVT và Nghị định 171, xe đạp điện (còn gọi là xe đạp máy) là xe thô sơ được vận hành bằng động cơ một chiều hoặc bằng chân (có bàn đạp), công suất động cơ không quá 250W, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25km/h, trọng lượng không quá 40kg. Nhưng ở Nghị định 34 thì xe đạp điện lại quy định có vận tốc thiết kế lớn nhất nhỏ hơn hoặc bằng 30 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được.
Trong khi đó tại khoản 6 Nghị định 34 có thêm quy định “Các loại xe tương tự xe gắn máy là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất nhỏ hơn hoặc bằng 50 km/h.”
Như vậy, có thể thấy các văn bản luật chưa có sự đồng nhất trong việc giải thích từ ngữ và quy định về xe máy điện, xe đạp điện. Nếu chiểu theo khoản 6, các loại xe có bàn đạp nhưng tốc độ lớn hơn 25km, nhỏ hơn hoặc bằng 50km vẫn phải đăng ký.
Theo baocongthuong.com.vn
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông