Nói về quy định gây tranh cãi “cấm ngủ trưa tại văn phòng”, Chủ tịch FPT IS cho rằng, “ngủ trưa chỉ thuần túy là một thói quen và tôi không tin rằng ngủ trưa để tái tạo sức lao động”.
Theo lãnh đạo FPT IS, việc “bắc ghế, chăng màn” ngủ trưa ở văn phòng làm xấu hình ảnh công ty trong mắt khách hàng, đối tác (Ảnh: FPT).
Ngày 10/6, Tổng giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) – ông Phạm Minh Tuấn đã chính thức ký quyết định về việc ban hành nội quy văn phòng tại khu vực Hà Nội, trong đó có quy định “cấm cán bộ nhân viên công ty nằm ngủ trong khu vực làm việc”.
Từng xuất hiện trên trang thông tin nội bộ của FPT, Chủ tịch FPT IS Đỗ Cao Bảo từng tuyên bố, lý do duy nhất cho quy định này là “vì sự nghiệp toàn cầu hóa”.
Dẫn phản hồi từ các khách hàng Mỹ, Hà Lan, ông Bảo cho biết, đối tác bị “sốc” khi thấy nhân viên Việt Nam ngủ trưa trong phòng văn phòng làm việc và ở Mỹ, châu Âu tuyệt đối không có chuyện ngủ trong văn phòng. “Họ lo ngại rằng nếu sau này chúng ta cử cán bộ sang hãng họ làm việc mà mang văn hóa ngủ trưa sang thì vừa làm xấu hình ảnh Việt Nam, hình ảnh FPT mà có thể nhân viên đó còn bị trả về Việt Nam, nặng hơn nữa là bị cắt hợp đồng” – ông Bảo nói.
Vị lãnh đạo này cũng cho hay, trong công cuộc toàn cầu hóa về ICT, Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Trung Quốc và như thế, ngoài yếu tố chuyên môn còn có yếu tố văn hóa. Do vậy, muốn lấy được hợp đồng của các đối tác, muốn vượt lên so với Ấn Độ và Trung Quốc thì nhân viên Việt Nam nên bỏ thói quen ngủ trưa.
Trước thời điểm quy định này được đưa vào áp dụng chính thức, trang nội bộ của FPT phản ánh, nhiều nhân viên FPT IS đánh giá, việc “không ngủ trưa là phản khoa học”. Bởi, 10-15 phút ngủ trưa sẽ giúp người lao động tỉnh táo hơn trong phiên làm việc buổi chiều. Thậm chí một số người còn dẫn Luật ra cho rằng, luật lao động không quy định việc người lao động không được ngủ trưa. Một số nhân viên đề xuất, công ty nên xây dựng khu vực ngủ trưa riêng cho nhân viên.
Tuy vậy, lãnh đạo FPT IS khẳng định, “không có gì là vô lý ở đây” khi phương châm kinh doanh của công ty định hướng bởi khách hàng. Chiến lược kinh doanh của FPT IS là đến năm 2018, doanh số Toàn cầu hóa đạt 200 triệu USD, có nghĩa là đến năm 2018 sẽ có một FPT IS Global tương đương FPT IS Việt Nam. Khi khách hàng không ngủ ở văn phòng thì hiển nhiên nhân viên FPT IS cũng không thể giữ mãi thói quen xấu của mình (đối với thị trường châu Âu, Mỹ).
Cũng theo lập luận của ông Bảo, “ngủ trưa chỉ thuần túy là một thói quen và tôi không tin rằng ngủ trưa để tái tạo sức lao động”.
Bằng chứng theo ông Bảo chính là việc có một nửa số nhân viên FPT IS không ngủ trưa, trên 80% lãnh đạo FPT IS và các đơn vị thành viên thuộc FPT IS không ngủ trưa.
“Lãnh đạo cao nhất tập đoàn như anh Trương Gia Bình cũng không ngủ trưa và tôi chưa thấy những người ngủ trưa ở FPT có năng suất lao động cao hơn những người không ngủ trưa. Tương tự như vậy ở các nước châu Âu, Mỹ, họ tuyệt đối không ngủ trưa ở văn phòng mà năng suất lao động của họ cao hơn chúng ta nhiều lần. Nếu bạn tin rằng ngủ trưa để tái tạo sức lao động thì bạn hãy chứng minh cho tôi thấy những người ngủ trưa có năng suất lao động cao hơn những người không ngủ trưa” – ông Bảo lật lại vấn đề.
Thông tin từ trang nội bộ của FPT cũng cho biết, theo quy định mới (có hiệu lực từ đầu tháng 6), với những đối tượng lao động thực sự cần nghỉ ngơi buổi trưa như nhân viên nữ có thai, những người cảm cúm nhẹ, văn phòng FPT IS đã chuẩn bị một số phòng họp, có điều hòa để những người này có chỗ nghỉ trưa mà không làm xấu hình ảnh công ty.
Bên cạnh đó, FPT IS cũng tiến hành xây dựng các khu chức năng để CBNV có thể nghỉ ngơi, thư giãn, giao lưu với các đồng nghiệp trong giờ nghỉ. Dự kiến đầu tháng 6 có thể đi vào hoạt động.
Văn phòng FPT IS đặt tại tầng 20, 21 và 22 của tòa nhà Keangnam với tổng diện tích 8.200 m2. Đây cũng là mặt bằng văn phòng lớn nhất Việt Nam với mỗi tầng rộng 4.500 m2, trong đó diện tích sử dụng của mỗi tầng là 3.200 m2. Khoảng 1.600 CBNV FPT IS đang làm việc tại đây.
Theo dân trí
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông