Giữ chân nhân tài

8
“Một công ty muốn phát triển được nhanh thì phải giỏi trong việc tìm ra nhân tài, đặc biệt là những nhân tài thông minh”, câu nói này của tỷ phú Bill Gates đã cho thấy tầm quan trọng của việc tìm kiếm người tài đối với DN. Nhưng nói thì dễ…
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Nếu bắt người lao động làm việc bằng cam kết thì năng suất sẽ ngay lập tức đi xuống. 
DN phải cần người lao động làm việc bằng sự tự nguyện
Ngày nay, “nhảy việc” không còn là một hiện tượng xa lạ trong đời sống kinh doanh của các DN nữa. DN lớn hay DN nhỏ đều phải đối diện với tình trạng nhân sự nhảy việc. Nguyên nhân thứ nhất có thể nhảy việc do tính cách của người lao động “đứng núi này trông núi nọ”. Tiếp đến là có thể gặp vấn đề về chuyên môn hoặc khó hòa nhập với đồng nghiệp, với môi trường làm việc. Đặc biệt, nguyên nhân liên quan đến chế độ đãi ngộ, lương thưởng và lộ trình thăng tiến là nguyên nhân chính yếu.
Tự nguyện hay cam kết
Trong chương trình Chìa Khóa Thành Công – CEO chủ đề “Nhảy việc” phát trên VTV1 Chủ nhật vừa rồi, vị CEO của chương trình đã đưa ra một giải pháp để tuyển dụng những nhân tài hay nhảy việc là bắt họ phải cầm sổ đỏ của gia đình cho Cty. (Về vấn đề này, DĐDN đã có bài viết “Nhảy việc – vấn đề “nhức nhối” của DN” trên số báo 35+36 ra ngày 30/4/2014). Đồng thời, yêu cầu họ ký cam kết trong vòng bao lâu không được nhảy việc thì sẽ nhận họ vào làm việc và đáp ứng các yêu cầu lương thưởng họ đưa ra. Còn nếu như họ nhảy việc trước thời hạn vì phải trả lại cho Cty những khoản lương thưởng đó.
Giải pháp này của vị CEO đã gặp phải sự phản đối của chuyên gia trong chương trình là Tiến sĩ Lê Thẩm Dương – Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM. Ông Dương cho rằng: “Nếu bắt người lao động làm việc bằng cam kết thì năng suất sẽ ngay lập tức đi xuống. DN phải cần người lao động làm việc bằng sự tự nguyện”. Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Nguyễn Thị Vân Anh – Giám đốc điều hành Cty Tuyển dụng Navigos Search cho rằng “Việc bắt ký cam kết không chắc chắn sẽ làm cho nhân sự hay nhảy việc sẽ gắn bó. Điều quan trọng là DN phải tìm hiểu xem lý do người lao động hay nhảy việc là gì? Do vô thức hay do tính cách”. Trước các ý kiến trái chiều này, CEO của chương trình vẫn cho rằng “Việc kí cam kết đó để chứng tỏ rằng hai bên có ràng buộc với nhau, có cam kết và ràng buộc với nhau…”
Cuộc tranh luận của CEO và các chuyên gia trong chương trình dường như được đẩy lên cao trào khi Tiến sĩ Lê Thẩm Dương đặt câu hỏi “Nếu người lao động có những phẩm chất đó Cty đối thủ sẽ sẵn sàng trả lương cao để lôi kéo chỉ sau khi anh ta vào Cty của CEO 3 hay 6 tháng. Vậy CEO sẽ phải làm thế nào?” Câu hỏi này của Tiến sĩ Lê Thẩm Dương nhận được rất nhiều sự đồng tình của các khán giả trang facebook của chương trình. Có nhiều ý kiến cho rằng: có tài thì phải có tâm mới có thể gắn bó lâu dài với DN được. Theo như một độc giả của chương trình chia sẻ: “Tài, Trí mấy cũng cần có chữ Tâm, anh tài, anh giỏi mà vào làm việc rồi cứ chăm chăm muốn nhảy tiếp thì cũng khổ, khó bền…”. Và rất nhiều ý kiến, quan điểm của các khán giả chương trình đã đưa lên cho thấy đây thực sự là một vấn đề nóng và thu hút được sự quan tâm của cộng đồng.
Giữ bằng chế độ lương thưởng
Kết thúc chương trình hai chuyên gia đã đưa ra kết luận của mình để tư vấn cho các DN khi rơi vào tình huống này. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương giải quyết vấn đề theo 4 bước cụ thể: Bước 1: Khi tuyển dụng phải tìm được người có chất phù hợp với Cty và đánh giá được động cơ của họ. Bước 2: Khi đã tuyển dụng thì phải biết cách giữ chân họ lại bằng chính sách lương thưởng hợp lý. Bước 3: Lập ra các quy trình, chính sách để khuyến khích nhân viên làm việc hiệu quả. Bước 4: Khi làm tất cả những vấn đề đó mà vẫn có những nhân sự hay nhảy việc thì cần loại ngay. Về phần mình Bà Vân Anh nhấn mạnh: DN cũng không nên giữ người bằng giấy tờ mà nên giữ họ bằng những cách khác như: cho họ thấy lộ trình phát triển công danh, sự nghiệp của họ, công nhận và phát huy năng lực của họ. Đồng thời có chế độ lương thưởng hợp lý và thấy được sự khuyến khích”.

Theo dddn

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không