Kiến thức Đào tạo Chớ dại cãi nhau với sếp

Chớ dại cãi nhau với sếp

180
Đã từng có lời khuyên rằng bạn không nên “cộng” tên sếp vào danh sách Friends list trên Facebook. Không chỉ bởi bạn sẽ dễ dàng lỡ miệng phàn nàn một điều gì đó về công việc trong lúc đang stress, và sếp có thể đọc điều đó, mà còn bởi vì thực tế là… mấy ai thực sự có thể coi sếp như một người bạn? Đối với giới công sở, mối quan hệ giữa nhân viên với sếp luôn là mối quan hệ nhạy cảm nhất. Được sếp quý cũng khổ, mà bị sếp ghét thì… làm việc sao nổi.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Cãi nhau với…sếp
Tạo mối quan hệ tốt quyết định tới gần 50% thành công trong công việc, đặc biệt khi đó lại chính là người sếp trực tiếp của bạn. Mối quan hệ vốn đã chẳng mấy dễ dàng này lại càng trở nên khó khăn hơn nếu bạn lỡ sảy miệng to tiếng.
Bình tĩnh trước mọi tình huống
Sông Lam – Trợ lý Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu dược phẩm Vlamedica luôn phải đau đầu với áp lực “trên đe dưới búa”. Mang trọng trách là một người “quản gia”, Lam vừa phải chiều lòng mọi nhân viên trong công ty, vừa phải thay mặt sếp lớn quản lý hoạt động của các nhân viên dưới quyền. Tình trạng được lòng người này, mất lòng người khác vẫn thường xuyên khiến Lam phải đau đầu.
Gần đây nhất, trong một lần tổ chức nghỉ hè cho cả công ty, Lam đã bị sếp phê bình nặng nề về vấn đề chọn khách sạn – cũng do những phản hồi thất thiệt từ một vài nhân viên dưới quyền “có tiếng nói”. Mệt mỏi và tức giận với những chỉ trích vô lý, Lam đã có một trận tranh luận to tiếng với sếp dẫn tới kết quả cô phải ra đi trong tiếc nuối.
Sông Lam đã mất việc theo một cách tối kị – bị đuổi việc trong cảm giác bị đối xử bất công, tự đánh mất công việc của mình chỉ vì một lý do rất nhỏ. Nguyên tắc đầu tiên trong khi tranh luận với sếp là bạn phải thật bình tĩnh. Vẫn biết giữ được bình tĩnh trong khi tranh luận là một vấn đề hết sức khó khăn nhưng hãy tâm niệm trong đầu rằng một câu nói nóng giận gây bất lợi mười lần cho công việc sau này.
Chia sẻ của Tìm Việc Nhanh là tuyệt đối không nổi nóng, không cãi nhau tay đôi với sếp. 
Luôn trong tâm lý chuẩn bị
Mỗi khi bạn làm sai ý sếp hoặc cảm thấy việc mình làm có nguy cơ không vừa lòng sếp, bạn đều đã ý thức được điều đó và có thể chuẩn bị tâm lý cho một cuộc tranh luận “hòa bình”. Lam cũng vậy, cô đã nghe bóng gió những lời phàn nàn về lần tổ chức nghỉ hè ấy nhưng lại không đón nhận nó trong một tâm lý tranh luận hòa bình, cô đã chọn cách đối đầu. Chắc chắn khi bạn nghe câu phê bình “Cô là một người không có năng lực” trong trạng thái đã ý thức trước, tâm lý sẽ không tức giận bằng đối diện với câu đó với một cái đầu nóng.
Chuẩn bị tâm lý và chuẩn bị câu trả lời là hai chìa khóa thành công cho mọi cuộc tranh luận.
Bước thứ hai trong công việc chuẩn bị, bạn hãy nghĩ cách trình bày những bằng chứng/lý do một cách mạch lạc và thuyết phục nhất. Điều tối kị trong khi tranh luận với sếp là chen ngang kiểu “người ăn chả, người ăn nem”. Hãy kiên nhẫn lắng nghe và ghi nhớ mọi lời phê bình của sếp, sắp xếp nó thành hệ thống đồng thời chuẩn bị hồi đáp cho từng lời phê bình một.
Sông Lam cũng có thể có một kết thúc yên bình hơn nếu không chỉ dùng những lời phản bác như kiểu “thật là vô lý” hay “qúa bất công” một cách đơn độc mà kèm vào đó những lời giải thích như “Tôi thấy ông chưa thật sự công bằng vì tôi đã tổng hợp ý kiến của mọi người trước khi đặt khách sạn…” Chuẩn bị tâm lý và chuẩn bị câu trả lời là hai chìa khóa thành công cho mọi cuộc tranh luận.
Tạo mối quan hệ tốt
Tuy nhiên, cách giải quyết tranh luận tốt nhất là không để xảy ra tranh luận. Duy trì được một mối quan hệ hòa bình với sếp sẽ giúp bạn rất nhiều không chỉ vì công việc được thông qua nhanh chóng mà còn bởi tâm lý thoải mái giúp năng suất lao động cao hơn.
Không nhất thiết lúc nào bạn cũng phải đề phòng sếp và đặt rõ ranh giới trong mối quan hệ sếp – nhân viên. Nếu sếp bạn là một người thoải mái, hãy tận dụng cơ hội để làm thân và biến mối quan hệ “gai góc” ấy trở thành tình bạn. Như vậy cũng không đồng nghĩa với việc bạn qúa cởi mở và coi sếp như một người hàng xóm hay chuyện.
Không chỉ có nhân viên, lãnh đạo cũng cần những lời động viên tinh thần đúng lúc, đúng chỗ.
Bạn không thể lúc nào cũng kéo sếp vào một góc mà than vãn, không chỉ riêng công việc mà đối với cả những việc cá nhân. Bản thân bạn hãy đặt mình vào tình huống suốt ngày nghe than vãn từ một người đồng nghiệp, bạn sẽ đánh giá con người đó ra sao? Cũng tương tự như vậy, việc than vãn với sếp là việc cấm kị vì nó ngăn không cho sếp nhận ra năng lực của bạn mà khiến họ có ác cảm về một nhân viên kém cỏi.
Nghệ thuật giao tiếp cũng là một trong những bí quyết thành công trong công việc, hãy quan sát trước khi bắt đầu một cuộc trò chuyện. Tránh hỏi qúa nhiều trong một ngày lu bù công việc hay khi tâm trạng sếp không vui vì hợp đồng với đối tác đang bế tắc. Những lúc như vậy, hãy phát huy sức mạnh của sự im lặng và chứng minh cho sếp biết bạn là một nhân viên hoàn toàn độc lập.
Trái lại, trong những ngày vui vẻ khi kí được hợp đồng mới, bạn hoàn toàn có thể nói một vài lời biểu dương và thể hiện sự khâm phục với những gì sếp đã làm được bởi không chỉ có nhân viên, lãnh đạo cũng cần những lời động viên tinh thần đúng lúc, đúng chỗ.
Thể hiện bằng năng lực
Công sở là nơi bạn tới để làm việc vì vậy hiệu quả công việc mới chính là giải pháp hữu hiệu nhất cho một mối quan hệ tốt với sếp. Hãy cố gắng hết mình để trước khi có bất kì một nhận xét phiến diện nào về bạn, sếp sẽ phải tự vấn bản thân liệu đã đáng hay chưa?
Cuối cùng gương mặt tươi tắn sẽ giữ bạn tránh xa khỏi các cuộc cãi vã. Hãy luôn tỏ ra hăng hái trong mọi công việc cho dù bạn có chán nản. Sẽ không có sếp nào nổi giận với một nhân viên luôn niềm nở và hào hứng với một nụ cười thường trực trên môi.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không