Thời gian vừa qua, rất nhiều DN lớn IPO tìm nhà đầu tư chiến lược như “mò kim đáy bể” nhưng từ đầu năm đến nay PAN (Cty Cổ phần Xuyên Thái Bình Dương) vẫn hút được 6 nhà đầu tư chiến lược để huy động vốn cho kế hoạch kinh doanh. Vì sao?
Ảnh minh họa
PAN vừa công bố kết quả kinh doanh, theo đó, doanh thu quý 1/2014 của PAN đạt 174 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng. Theo giải trình của PAN, sự tăng trưởng này chủ yếu do đóng góp từ hoạt động thủy sản. Với khởi sắc về doanh thu đã kéo theo lợi nhuận sau thuế của PAN đạt 20,5 tỷ đồng, tăng gấp đôi quí 1/2013.
Rất nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi vì sao mới “chân ướt chân ráo” đặt chân vào lĩnh vực nông nghiệp mà PAN có lãi nhanh như vậy? Trong khi đó, năm 2013, cùng với kế hoạch huy động vốn “khủng”, PAN bị lỗ.
Rất khó để đưa ra câu trả lời thích hợp về mức độ sinh lời cụ thể trong mỗi lĩnh vực đầu tư. Nhưng rõ ràng, cơ hội trong ngành nông nghiệp là rất lớn khi vấn đề an toàn và an ninh lương thực được đặt ra. Những DN có khả năng tích hợp chuỗi giá trị trong nông nghiệp, đảm bảo thực phẩm an toàn, có khả năng truy xuất nguồn gốc, tập trung vào chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh chắc chắn sẽ đem lại lợi nhuận cho cổ đông và giá trị tích cực cho xã hội.
Đầu tư vào các DN lỗ
Để tiến sâu vào thị trường nông nghiệp và thủy sản, PAN chọn cách thức mua 24% vốn tại Cty Cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (Mã CK: LAF) – một DN đang lỗ lũy kế cả trăm tỷ đồng. Theo lý giải của Ban Lãnh đạo PAN, dù lỗ nhưng chúng tôi nhìn thấy tương lai của DN này. Chúng tôi nhận thấy mặt hàng điều – sản phẩm chủ yếu của đơn vị này phù hợp với chiến lược của mình, đồng thời có thể bổ sung cho Cty những thế mạnh trong vấn đề tài chính, quản trị và mối quan hệ với các tổ chức quốc tế nhằm giúp hoạt động tốt hơn.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính, không chỉ riêng Cty Chế biến Hàng xuất khẩu Long An hay một DN nào đó tương tự, việc đầu tiên của PAN là tìm hiểu rất kỹ nguyên nhân gây ra lỗ lũy kế dựa trên phân tích cẩn thận mọi mặt của Cty, đánh giá khả năng giải quyết những nguyên nhân đó. Nguyên tắc chi trả dựa trên giá trị DN là một trong những cách thức kiểm soát rủi ro cơ bản mà hiện nay PAN đang thực hiện. Việc vực dậy một DN kinh doanh lỗ là câu chuyện không hề đơn giản. Nhưng với kinh nghiệm và tiềm lực cho việc tái phát triển những DN như vậy sẽ mang lại cơ hội lớn cho Cty và các cổ đông, vị chuyên gia này nhận định.
6 tháng thu hút 6 nhà đầu tư chiến lược
Năm 2014, PAN trình ĐHCĐ kế hoạch doanh thu 1.530 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 130 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cho cổ đông Cty mẹ đạt 50 tỷ đồng. Ban điều hành dự kiến được thưởng 10% phần vượt từ 60 tỷ đồng trở lên (không tính lợi nhuận phát sinh từ lợi thế thương mại).
Theo ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT PAN cho hay, kế hoạch này sẽ không làm hài lòng cổ đông. Nhưng đây cũng là cơ hội cho các cổ đông cùng trải nghiệm những khó khăn thách thức PAN đang trong giai đoạn tìm kiếm đối tác chiến lược để thực hiện các thương vụ M&A.
Kế hoạch huy động vốn năm 2014 của PAN là 1.300 tỷ đồng nhằm nâng cao năng lực tài chính của Cty, thực hiện chiến lược đầu tư, mua lại, hợp nhất các Cty trong ngành thủy sản, nông nghiệp, ngành chế biến thực phẩm tiêu dùng.
Đối với phương án phát hành cổ phiếu: PAN dự kiến chào bán tối đa 43,33 triệu cổ phần cho dưới 100 nhà đầu tư với giá không thấp hơn 30.000 đồng/cp. Cổ phiếu phát hành thêm bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
Đối với phương án trái phiếu chuyển đổi: PAN dự kiến phát hành tối đa 1,3 triệu trái phiếu mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu nhằm huy động tối đa 1.300 tỷ đồng. Trái phiếu được phát hành theo hình thức riêng lẻ, kỳ hạn 3 – 5 năm và lãi suất tối thiểu 3%/năm. Giá chuyển đổi không thấp hơn 30.000 đồng/cp.
Kế hoạch huy động vốn năm 2014 của PAN là 1.300 tỷ đồng nhằm nâng cao năng lực tài chính của Cty.
Thông qua việc hoàn tất chào bán hơn 20 ngàn cổ phiếu riêng lẻ cho 15 đối tác chiến lược với giá 32 ngàn đồng/CP PAN đã thu về hơn 645 tỷ đồng (số cổ phiếu phát hành trong đợt chào bán này chịu hạn chế chuyển nhượng ít nhất 1 năm).
Với chiến lược lấy M&A làm bàn đạp, trong 6 tháng đầu năm PAN đã hút được 6 nhà đầu tư chiến lược mới bao gồm: GIC Private Limite (Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore); cổ đông thứ hai là The Asian Entrepreneur Legacy (TAEL); cổ đông thứ 3 là Marco Breu; Cổ đông thứ 4 là Fiachra Mac Cana; ông Trần Vũ Hoài mua 169.000 CP; ông Đặng Kiết Tường mua 100.000 CP (0,25% vốn).
Không lâu sau đó, một tổ chức đầu tư nước ngoài là Tael Two Partners Ltd đã bất ngờ trở thành cổ đông lớn của PAN khi chi ra khoảng 331 tỷ đồng để mua vào 8.073.000 CP PAN, chiếm tỷ lệ 20% vốn.
Không dừng lại ở đó thời gian tới, PAN sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược đầu tư mua lại và hợp nhất các Cty trong ngành thủy sản, nông nghiệp, và chế biến thực phẩm tiêu dùng. Đây cũng là chiến lược lâu dài của PAN với tham vọng chiếm ngôi vị số 1 thị trường này…
Theo dddn
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông