Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi trình Quốc hội đang được người lao động (NLĐ) đặc biệt quan tâm, trong đó có một số điểm đáng chú ý như mở rộng đối tượng tham gia BHXH, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, điều chỉnh công thức tính lương hưu, mức đóng, mức hưởng…
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH) khẳng định: “Việc sửa đổi một số điều khoản trong Luật BHXH nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng cho các đối tượng tham gia, quyền về an sinh xã hội của người dân, bổ sung một số chế độ cho phù hợp… hướng tới mục tiêu quyền lợi người lao động (NLĐ) ngày một tốt hơn”.
* Theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi trình Quốc hội, việc đề xuất tăng tuổi hưu là một lý do để ứng phó với nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH. Bà có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này?
– Tôi cho rằng, trước tiên cần phải khẳng định việc sửa đổi chế độ hưu trí trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này, bên cạnh mục tiêu đảm bảo nguyên tắc đóng-hưởng và khả năng cân đối quỹ, việc sửa đổi còn hướng tới mục tiêu đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong thụ hưởng chế độ giữa các đối tượng tham gia BHXH thuộc các thành phần kinh tế và giảm dần sự chênh lệch về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ. Việc quy định tăng điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu là một trong những giải pháp để đảm bảo cân đối quỹ, đảm bảo an sinh xã hội trong tương lai. Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Luật xuất phát từ những lý do như: Thứ nhất, quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với các chính sách hiện hành thì quĩ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 thu không đủ chi, để đảm bảo khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quĩ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu. Thứ hai, theo số liệu thống kê của Tổng cục Dân số, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 73, tăng 33 tuổi so với năm 1961. Tuy nhiên tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam được qui định từ năm 1961 đến nay vẫn không đổi.
Về mặt kỹ thuật trong chế độ hưu trí thì thời gian hưởng lương không tính theo tuổi thọ bình quân dân số, mà tính theo kỳ vọng sống của những người sau tuổi về hưu. Số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 cho thấy số năm trung bình còn sống được của nam sau tuổi 60 là 18,1 năm và của nữ sau tuổi 55 là 24,5 năm. Thứ ba, tuổi nghỉ hưu thực tế thấp dẫn tới thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn (số năm đóng BHXH bình quân đối với nam là 28 năm và nữ là 23 năm) và thời gian hưởng lương hưu dài. Mặc dù Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng nhưng đồng thời cũng bước sang giai đoạn già hóa dân số. Theo tôi, việc đặt vấn đề có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi, bắt đầu từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của NLĐ là cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của NLĐ còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Riêng đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên thì tuổi nghỉ hưu vẫn thực hiện như quy định hiện hành.
Như vậy, với lộ trình trên thì phải sau 15 năm, từ 2031 trở đi đối với khu vực hành chính sự nghiệp, từ 2035 trở đi đối với khu vực doanh nghiệp (DN) mới bắt đầu có lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60. Việc thực hiện tăng tuổi đời để hưởng lương hưu theo lộ trình như vậy sẽ giảm thiểu tác động đối với thị trường lao động và cơ hội việc làm của người lao động trẻ.
Cũng phải khẳng định rằng, việc tăng tuổi lao động để hưởng lương hưu chỉ là một trong những giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo cân đối quỹ BHXH. Ngoài ra còn có các giải pháp khác như: Thay đổi công thức tính lương hưu; điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH; tăng cường hiệu quả công tác quản lý về BHXH…
* Xin bà cho biết về đề xuất điều chỉnh công thức tính lương hưu hàng tháng trong Dự thảo Luật?
– Tỉ suất tích lũy và tỉ lệ hưởng lương hưu của Việt Nam được đánh giá là cao so với thế giới và cao so với tỉ lệ đóng góp. Để đảm bảo cân đối giữa đóng và hưởng, góp phần đảm bảo khả năng cân đối quĩ hưu trí và tử tuất, tại Điều 55 dự thảo Luật sửa đổi tỉ lệ hưởng lương hưu theo hướng: Giữ nguyên tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% nhưng thay đổi cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu. Cụ thể, từ năm 2016, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2016 là 16 năm, năm 2017 là 17 năm và từ năm 2020 trở đi là 20 năm.
* Những lao động thuộc khu vực Nhà nước lo lắng về cách tính tiền lương bình quân để làm căn cứ tính lương hưu sẽ khiến lương của họ bị giảm đi. Bà có thể cho biết ý kiến về vấn đề này?
– Theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi, NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/7/2015 trở đi (thời điểm dự kiến Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực thi hành) thì khi nghỉ hưu, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu là bình quân tiền lương tháng của toàn bộ thời gian đóng BHXH. Điều này sẽ đảm bảo sự bình đẳng trong việc tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH giữa NLĐ thuộc khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, đồng thời đảm bảo hơn nguyên tắc đóng – hưởng. Đối với những NLĐ thuộc khu vực nhà nước đang tham gia BHXH trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì vẫn thực hiện tính mức bình quân theo số năm cuối như qui định của Luật BHXH hiện hành. Như vậy, với qui định trên thì người sớm nhất thuộc khu vực nhà nước có thể tính bình quân toàn bộ quá trình phải là người nghỉ hưu từ tháng 8/2035 trở đi (vì điều kiện về thời gian đóng BHXH ít nhất phải có đủ 20 năm).
* Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách BHXH tự nguyện hiện hành đang tồn tại nhiều bất cập, thiếu sức hấp dẫn đối với NLĐ. Vậy, trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật có những điểm mới nào nhằm khắc phục những bất cập và tăng tính hấp dẫn cho chính sách BHXH, thưa bà?
– Để giải quyết những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện, tăng tính hấp dẫn của chế độ, khuyến khích và mở rộng diện bao phủ theo tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, chính sách BHXH tự nguyện trong dự thảo Luật lần này được sửa đổi, bổ sung theo hướng rất hợp lý. Theo đó, mở rộng đối tượng theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia nhằm tạo điều kiện cho mọi người lao động có khả năng và nhu cầu đều được tham gia để có lương khi về già; hạ mức thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện (hiện hành đang qui định không thấp hơn mức lương tối thiểu chung, hiện nay là mức lương cơ sở) theo hướng giao Chính phủ qui định cụ thể tùy thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội của từng thời kỳ, nhằm phù hợp với khả năng tài chính của đại bộ phận lao động nông thôn và khu vực phi chính thức. Bên cạnh đó là bổ sung phương thức đóng BHXH tự nguyện, một năm một lần và một lần cho nhiều năm để tạo sự linh hoạt hơn đối với người tham gia. Có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện đối với một số trường hợp đặc biệt nhằm khuyến khích người dân tham gia.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông