Kiến thức Tài chính kế toán Phân định rõ khái niệm vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Phân định rõ khái niệm vốn nhà nước tại doanh nghiệp

1120
Hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất khái niệm về vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Và việc đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào DN cũng mới chỉ được một số Luật liên quan điều chỉnh. Điều này cho thấy cần thiết phải có một quy định cụ thể, rõ ràng trong Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh đang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Quy định rõ khái niệm vốn nhà nước sẽ giúp quản lý chặt chẽ và hiệu quả nguồn vốn này. Ảnh Internet.

“Cần phân định rõ để quản khối tài sản khổng lồ này!”
Phát biểu tại Hội trường trong phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật này, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, vốn nhà nước có 2 loại: Một là vốn được cấp từ ngân sách hoặc những khoản phải nộp vào ngân sách, nhưng được giữ lại hoặc những khoản từ quyền sử dụng đất, quyền sử dụng tài nguyên; hai là vốn tín dụng bao gồm tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và tín dụng cho nhà nước bảo lãnh.
Tuy nhiên, theo đại biểu, tại dự thảo Luật quy định về phần vốn tín dụng còn ít và qua trao đổi với nhiều người đều mong muốn trong vốn nhà nước này thì tỷ lệ và hàm lượng vốn tín dụng phải tăng lên và vốn cấp phải giảm đi. Bởi vì theo đại biểu, trách nhiệm đối với vốn vay với những hợp đồng, với lãi suất cụ thể chắc sẽ khác với vốn giao, vốn cấp chỉ tuân theo một nguyên tắc chung chung là đảm bảo bảo toàn và tăng giá trị vốn, cũng chưa tính đến yếu tố trượt giá hay yếu tố nào khác. Do đó, đại biểu đề xuất dự thảo Luật phải quy định rõ để trong vốn nhà nước tỷ lệ, hàm lượng vốn tín dụng phải tăng nhiều hơn.
Về trách nhiệm của một số chủ thể trong quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, nhất là khi để xảy ra hiện tượng thất thoát, lãng phí, hoặc tham nhũng, tiêu cực, tránh tình trạng khi những việc đó xảy ra “toàn thấy lãnh đạo doanh nghiệp chịu trách nhiệm, còn các cơ quan quản lý nhà nước thì trách nhiệm ít, thậm chí vô can”.
Theo đại biểu Dương Quang Sơn (Bắc Kạn), vốn đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp tăng từ 136.000 tỷ đồng trước năm 2006 lên đến trên 921.000 tỷ đồng năm 2012. Theo đại biểu, một khối lượng tài sản khổng lồ của nhà nước chỉ được quản lý bằng văn bản dưới luật (vì Luật Doanh nghiệp nhà nước hết hiệu lực vào 1-7-2010) là không phù hợp và cần thiết phải sớm ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Quy định quản lý nhà nước về đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo đại biểu còn chung chung, chưa cụ thể.
Đại biểu Dương Quang Sơn cho rằng, việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp không phải là nhà nước trực tiếp quản lý mà giao cho doanh nghiệp. Nhà nước thông qua doanh nghiệp để quản lý vốn của mình, do vậy nhà nước, cần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp căn cứ vào đó sử dụng vốn một cách đúng đắn và có hiệu quả cao.
Theo quy định của dự thảo Luật, vốn nhà nước tại doanh nghiệp là vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và vốn được hình thành từ các khoản phải nộp ngân sách nhà nước được trích để lại; nguồn quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp; quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; vốn nhà nước được tiếp nhận từ nơi khác chuyển đến; giá trị quyền sử dụng đất, quyền sử dụng tài nguyên quốc gia được Nhà nước giao cho doanh nghiệp; các nguồn vốn khác được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, bao gồm vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh và vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.
Một vốn- 4 quy định
Điểm lại các quy định có liên quan trong các Luật, Nghị quyết của Quốc hội về vốn nhà nước mới thấy rằng có quá nhiều Luật điều chỉnh.
Tại Khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2005 quy định: “Vốn nhà nước là vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn đầu tư khác của Nhà nước”.
Tại Luật Đấu thầu năm 2013 quy định: “Vốn nhà nước bao gồm vốn ngân sách Nhà nước; công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương; vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh; vốn vay được bảo đảm bằng tài sản của Nhà nước; vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước; giá trị quyền sử dụng đất”.
Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng có quy định: “Vốn nhà nước bao gồm vốn ngân sách nhà nước,vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh và vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước và các vốn khác do Nhà nước quản lý”.
Văn bản thứ tư có điều chỉnh đối với vốn nhà nước đó là tại Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội quy định: “Vốn nhà nước bao gồm vốn ngân sách nhà nước; vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước và vốn khác do Nhà nước quản lý”.
Đó là chưa kể đến các quy định, hướng dẫn của Chính phủ về quản lý tài chính đối với DNNN.
Mặc dù nhiều quy định chồng chéo, nhưng do thiếu sự nhất quán và đồng bộ nên hiện dẫn đến cách hiểu sai về vốn nhà nước đầu tư trong từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp hiện được hiểu gồm cả vốn của doanh nghiệp cấp 1 đầu tư vào doanh nghiệp khác nên các công ty con, công ty liên kết của các tập đoàn, tổng công ty cũng chịu sự điều chỉnh của pháp luật về vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp khác. Từ đó dẫn đến phạm vi quản lý của chủ sở hữu Nhà nước rộng, không rõ ràng và không phù hợp nên xác định không đúng chủ sở hữu vốn…
Nhằm khắc phục những bất cập trên, dự thảo Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh đã quy định cụ thể khái niệm vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp để các cơ quan quản lý và doanh nghiệp có cơ sở xác định vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và vốn do doanh nghiệp huy động.
Việc xác định tách bạch, rõ ràng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhằm xử lý các vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý vốn, tài sản của doanh nghiệp khi doanh nghiệp sử dụng vốn, tài sản để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; đồng thời cũng xác định rõ quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu và HĐTV hoặc Chủ tịch công ty.
DNNN cũng đã tạo việc làm cho khoảng 1.255 nghìn người lao động, có mức thu nhập tương đối ổn định so với thực trạng của kinh tế Việt Nam trong những năm qua.

Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được bảo toàn và phát triển, tăng từ 136.000 tỷ đồng trước năm 2006 lên 921.000 tỷ đồng năm 2012, tập trung chủ yếu ở các tập đoàn, tổng công ty.

Phần lớn DNNN hoạt động có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình của DNNN những năm 1999-2000 khoảng 14%/năm, tăng lên 20,5% năm 2005, giai đoạn 2007-2012 tuy gặp khó khăn, nhưng vẫn đạt trung bình khoảng 16%/năm. Số doanh nghiệp thua lỗ và hòa vốn giảm mạnh, từ 60% xuống còn 20% năm 2012. Nộp ngân sách tăng bình quân 10-30%. Sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã đạt được trên 6.000 doanh nghiệp. Tái cơ cấu DNNN bước đầu đã có một số kết quả tích cực.

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không