Kiến thức Tài chính kế toán DNNN không được đầu tư vào lĩnh vực “nhạy cảm” quá 10%...

DNNN không được đầu tư vào lĩnh vực “nhạy cảm” quá 10% vốn chủ sở hữu

180
Đây là một trong những điểm mới được Bộ Tài chính đưa tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định về quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào sáng ngày 23/9/2011, tại Nha Trang, Khánh Hòa.

Tham dự hội thảo có gần 200 đại biểu đại diện cho các sở Tài chính, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khu vực phía Nam và Nam Trung Bộ.

Tại hội thảo, các ý kiến tập trung làm rõ các vấn đề về: Vốn nhà nước tại doanh nghiệp; quy định về thẩm quyền huy và đầu tư của doanh nghiệp, hội đồng thành viên; phân phối thu nhập…

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định cho biết, Dự thảo quy định doanh nghiệp nhà nước chỉ được đầu tư, góp vốn vào ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán mỗi lĩnh vực một doanh nghiệp. Mức vốn đầu tư vào từng lĩnh vực này không vượt quá 10% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn, nhưng tổng mức vốn đầu tư vào các lĩnh vực này không vượt quá 10% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Dự thảo cũng nêu rõ, nếu trong cùng tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ có các công ty con cùng đầu tư vào các lĩnh vực nêu trên thì tổng mức vốn góp của công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ không vượt quá mức 15% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn. Trường hợp đặc biệt có nhu cầu đầu tư vượt quá quy định này doanh nghiệp phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ngoài ra, doanh nghiệp có mức vốn đầu tư ra ngoài vượt quá mức quy định trong dự thảo Nghị định này hoặc đã đầu tư góp vốn vào quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán thì trong thời gian 01 năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực phải có phương án cơ cấu lại mức đầu tư theo nguyên tắc bảo toàn vốn đã đầu tư. Trường hợp nếu thực hiện phương án cơ cấu lại mức đầu tư theo quy định mà không bảo toàn được vốn đầu tư, doanh nghiệp được tiếp tục duy trì mức đầu tư và thực hiện trích lập dự phòng tổn thất về đầu tư, đồng thời báo cáo chủ sở hữu để theo dõi, giám sát.

Theo quy định cũ (Nghị định 09/2009/NĐ-CP), công ty nhà nước được phép đầu tư “trái ngành” tối đa 30% tổng nguồn vốn đầu tư. Riêng đầu tư góp vốn vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, mức vốn đầu tư công ty nhà nước không được vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn. Nhưng mức vốn góp của công ty mẹ và công ty con trong tổng công ty, tập đoàn không vượt quá mức 30% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn.

Phát biểu chủ trì hội thảo, ông Đặng Quyết Tiến- Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng: “Dù tỷ lệ đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro cao của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng năm đều không vượt mức quy định. Tuy nhiên, việc siết chặt đầu tư này nhằm để các doanh nghiệp nhà nước tập trung vốn đầu tư vào những ngành nghề kinh doanh chính”.

Ngoài ra, Dự thảo cũng nêu rõ: Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty có quyền quyết định đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tối đa không quá 50% vốn chủ sở hữu. Trường hợp, nguồn vốn đầu tư vượt quá số này phải báo cáo chủ sở hữu xem xét quyết định.

(theo www.mof.gov.vn)

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không