Để vực dậy thị trường tài chính phát triển bền vững sau khủng hoảng, thì tái cấu trúc thị trường là vấn đề cấp thiết. Bài viết đặt trọng tâm vào việc giải quyết những điểm hạn chế, bất cập và thách thức của thị trường tài chính Việt Nam.
Những thách thức và bất cập chủ yếu
Trong bối cảnh khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã đạt được những thành công rất khả quan trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng, ổn định an sinh xã hội. Cùng với hàng loạt quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ được triển khai mạnh mẽ đã mang lại nhiều thành công lớn. Tuy nhiên, thị trường tài chính (TTTC) hiện tại và trong vài năm tới sẽ còn rất nhiều thách thức và bất cập cần đuợc giải quyết.
1. Sức ép lạm phát và mặt bằng lãi suất quá cao gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.
Thách thức lớn nhất trong năm 2011 đã được xác định là lạm phát. Chỉ số lạm phát những tháng cuối năm đã được kiểm soát nhưng tỷ lệ lạm phát trung bình cả năm 2011 vẫn ở mức 18%.
Lãi suất cao và khó khăn về vốn cộng thêm các khó khăn khác đã đẩy nhiều DN đến tình trạng thua lỗ nặng nề và có nguy cơ phá sản. Theo số liệu thống kê, năm 2011 cả nước hiện có trên 50.000 DN tuyên bố phá sản, tăng trên 22% so với năm 2010; khoảng 50.000 DN khác nằm trong diện có thể khai tử bất THỨCkể lúc nào nếu không có chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ. Phần lớn trong số đó là các DNNVV thuộc hầu hết các ngành, lĩnh vực. Nhiều DN cố gắng tìm nguồn vốn và đầu ra cho sản phẩm để hoạt động “cầm cự”, nhưng chi phí vay vốn tăng cao bất thường so với năm trước dẫn tới tình trạng giảm sút lợi nhuận hoặc lỗ nặng. Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm của nhiều công ty niêm yết trên hai Sở giao dịch chứng khoán HSX và HNX cũng cho thấy bức tranh lợi nhuận nhiều màu xám. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó vẫn có những công ty hoạt động tốt và có hiệu quả khá cao trong điều kiện đầy thách thức. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2011 đạt 6% đúng với các mục tiêu của Chính phủ đề ra.
2. Thanh khoản của hệ thống tài chính – ngân hàng chứa đựng nhiều rủi ro, ro nợ xấu gia tăng đáng báo động.
Nợ xấu gia tăng và nguy cơ tiềm ẩn ngày càng lớn đối với nhiều món nợ khó đòi. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, hiện nay “Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao, gần như không có cách nào giảm được và nếu chúng ta không kiên quyết tái cấu trúc, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả nền kinh tế”. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng vào thời điểm tháng 8/2011 là 3,1%, tăng so với mức 2,61% vào cuối năm 2010, dự báo đến cuối năm 2011 có khả năng lên tới 5%. Đối với nhóm NHTMNN, nợ xấu tăng 66,18%, nhóm các NHTMCP có nợ xấu tăng 44,29%, nhóm ngân hàng liên doanh, 100% vốn nước ngoài có nợ xấu tăng 59,23% so với cuối năm 2010. Đó là chưa tính đến một lượng lớn vốn của tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu DN nhưng chưa được đánh giá và trích lập dự phòng đầy đủ đang tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo tiêu chuẩn kế toán Việt Nam (VAS) và theo phương pháp tính toán của Việt Nam, NHNN cho rằng, tỷ lệ nợ xấu 3,1% vẫn ở mức an toàn và kiểm soát được, nhưng nếu so sánh theo chuẩn quốc tế (IAS) thì tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam lên tới 13% tổng dư nợ và đó là một mức độ đáng báo động.
3. Tỷ giá ngoại hối biến động mạnh và khó dự đoán, giá vàng có dấu hiệu bị đầu cơ.
Trong 2 quý đầu năm 2011, thị trường ngoại hối biến động mạnh và gây tác động “cộng hưởng” đối với tâm lý lạm phát. Dù NHNN cam kết giữ ổn định tỷ giá đến hết năm 2011, nhưng giới phân tích cho rằng: biến động tỷ giá trong quý IV sẽ không hề đơn giản. Biểu đồ 2 của ADB so sánh biến động tỷ giá của 10 đồng ngoại tệ với USD cho thấy VND bị mất giá nhiều nhất trong số 10 đồng tiền ở Đông Á.
4. Có quá nhiều công ty chứng khoán so với quy mô của thị trường.
Sau một thời gian tăng trưởng nóng (2008-2011), thị trường chứng khoán (TTCK) đã đi vào giai đoạn suy thoái và hiện nay vẫn đang trong tình trạng rất ảm đạm. Chỉ số lòng tin trên thị trường có lẽ đang ở mức thấp kỷ lục trong suốt lịch sử 11 năm phát triển của TTCK Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng xét dưới giác độ hệ thống thì cần phải tái cơ cấu các công ty chứng khoán (CTCK) và các chủ thể tham gia thị trường.
Tính đến hết quý III/2011, đã có tới gần 70 trong số 105 CTCK lỗ, so với con số 20 CTCK thua lỗ trong năm 2010. Một khảo sát mang tính thử nghiệm để áp dụng chuẩn an toàn tài chính mới cho thấy, tính đến đầu tháng 10/2011, 12 CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng dưới 180%. Trong số đó, có 5 CTCK có tỷ lệ này ở dưới mức dưới 120% – mức có thể bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt… Ngay cả SSI – một trong những CTCK lớn nhất và có uy tín cũng đã lỗ lũy kế gần 13 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2011.
Với 105 CTCK trong một thị trường hạn hẹp như hiện nay thì việc tồn tại và có lợi nhuận là một thách thức quá sức chịu đựng. Nếu so sánh với quy mô của các thị trường trong khu vực thì Việt Nam chỉ nên tồn tại 30 đến 40 công ty, điều đó có nghĩa là cần có sự thanh lọc mạnh mẽ thông qua mua bán, sáp nhập (M&A) hoặc phá sản các CTCK yếu kém.
5. Khu vực DNNN, các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước hoạt động kém hiệu quả.
Một số tập đoàn kinh tế thua lỗ và có vấn đề về tài chính. Tập đoàn Vinashin là một ví dụ minh họa rõ ràng, cảnh báo sự cần thiết phải nhanh chóng tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước và các tổng công ty quốc doanh.
6. Chi tiêu công còn nhiều lãng phí, hiệu quả đầu tư công còn thấp.
Nhiều công trình đầu tư chậm phát huy hiệu quả kinh tế – xã hội, thậm chí lãng phí lớn nguồn lực của Nhà nước và của nhân dân.
Mục tiêu định hướng để tái cơ cấu hệ thống tài chính
Việc xác định chính xác các mục tiêu định lượng là hết sức phức tạp và cần có nghiên cứu thực sự đầy đủ. Tuy nhiên, các mục tiêu định tính cũng có ý nghĩa rất quan trọng.
Mục tiêu bao trùm cần hướng tới là: Hệ thống tài chính và TTTC cần phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả; tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế bền vững, đảm bảo các cân đối tích cực trong nền kinh tế, ổn định và cải thiện an sinh xã hội, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế.
Thứ nhất: Cần xây dựng được hệ thống NHTM vững mạnh, ổn định, hoạt động lành mạnh, đạt trình độ phát triển tiên tiến và mức độ rủi ro thấp.
Thứ hai: Mặt bằng lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay được kiểm soát và điều chỉnh hợp lý và ổn định; Cần phục hồi lại đường cong lãi suất theo đúng quy luật kinh tế.
Thứ ba: Tỷ giá ngoại hối, đặc biệt là tỷ giá giữa VND và USD được kiểm soát trong biên độ giới hạn hợp lý, tôn trọng quy luật thị trường nhưng có sự can thiệp kịp thời khi cần thiết.
Thứ tư: Thị trường vốn, đặc biệt là TTCK cần phát triển cân đối, ổn định, minh bạch và vững chắc, góp phần tạo nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế.`
Thứ năm: Thị trường vàng cần được tổ chức tốt và được kiểm soát hợp lý, tạo sự liên thông với thị trường vàng quốc tế. Cần hình thành tư duy mới, tư duy thị trường trong việc tổ chức lại và kiểm soát thị trường vàng, giảm dần các biện pháp can thiệp thuần túy hành chính vào thị trường này.`
Một số giải pháp tái cơ cấu thị trường tài chính
1. Kiểm soát lãi suất cần được tiếp tục duy trì, thi hành một cách nhất quán, có hệ thống. Tuy nhiên, biện pháp kiểm soát trần lãi suất chỉ là giải pháp hành chính trong thời gian trước mắt, mang tính chất ngắn hạn, tạm thời, công cụ hành chính này sẽ được dỡ bỏ khi nền kinh tế trong nước và quốc tế ổn định trở lại và hoạt động bình thường.
2. Cần chú trọng các giải pháp tâm lý, thông tin và truyền thông nhằm hạn chế tác động thái quá của “lạm phát kỳ vọng”. Ở nước ta, do đặc điểm xã hội và tập quán nên các tác động “tâm lý” hay “bầy đàn” thể hiện rõ nét. Chính phủ cần thực hiện chương trình cụ thể về truyền thông, định hướng tâm lý, chống lạm phát thông qua báo chí, đài phát thanh và truyền hình. Truyền thông tốt còn góp phần củng cố lòng tin trên thị trường và trong xã hội, tạo ra sự đồng thuận trong việc thực hiện các giải pháp của Chính phủ.
3. Cần có chính sách và biện pháp đồng bộ để tạo dựng niềm tin đối với TTCK. TTCK cần được sớm bổ sung nhiều quy định pháp luật và chế độ kiểm soát thực sự tin cậy. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính cần có những công cụ có hiệu lực hơn và hành động kịp thời hơn để theo kịp những diễn biến rất mau lẹ trên TTCK. Cơ chế giao dịch T+3 đã quá lạc hậu cần phải được thay đổi, nên áp dụng T+1 hoặc T+0, hoặc những cải tiến về thanh toán bù trừ để tăng thanh khoản cho thị trường, tăng tính linh hoạt và tính hấp dẫn của nó.
Cần tiếp tục hoàn thiện các quy định chi tiết hơn, tạo thuận lợi về nghiệp vụ cho các thương vụ M&A đối với các CTCK để cuối cùng chỉ còn lại khoảng 30-40 CTCK có thể hoạt động bền vững trên thị trường. Điều đó sẽ góp phần hình thành một TTCK lành mạnh, ổn định với các công ty thành viên có hiệu quả hoạt động cao, có đủ năng lực tài chính, năng lực quản trị và năng lực cạnh tranh trên thị trường.
4. Cần sớm thực hiện giải pháp tổng thể đối với thị trường vàng. Các biện pháp hành chính cực đoan (như cấm mua bán) cần sớm được thay thế bằng những biện pháp mang tính thị trường, tôn trọng các quy luật kinh tế. Cần sớm hình thành sàn giao dịch vàng chính thống, được quản lý chuyên nghiệp, hoạt động lành mạnh góp phần vào sự cân bằng giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế. Để thị trường vàng và sàn giao dịch vàng hoạt động lành mạnh, ổn định, an toàn thì cần xây dựng Nghị định và Quy chế về giao dịch vàng; nên khuyến khích NHTM và người dân giải phóng lượng vàng tích trữ, đưa vào lưu thông tạo nguồn vốn thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Bên cạnh đó, NHNN cũng cần tính toán chủ động lượng vàng dự trữ cần thiết phù hợp, cùng với dự trữ ngoại hối để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
5. Đối với hệ thống NHTM, cần có chính sách khuyến khích các hoạt động M&A để hình thành những ngân hàng lớn mạnh hơn, thanh lọc bớt các ngân hàng quá nhỏ bé và yếu về năng lực cạnh tranh. Hầu hết các NHTM đều cần tiếp tục lộ trình tăng vốn điều lệ để có thể đạt quy mô trung bình trong khu vực. Mục tiêu trước mắt có thể thực hiện đối với các NHTMCP là đạt mức vốn điều lệ tối thiểu từ 4000 đến 5000 tỷ đồng vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, không nên quá nóng vội để đẩy mạnh tăng vốn điều lệ bằng mọi giá, vì điều đó có thể gây ra nhiều hiệu ứng tiêu cực đối với TTCK và gây ra sức ép quá sức chịu đựng của mỗi ngân hàng.
6. Cần tăng cường quản trị rủi ro trong các NHTM và trong các CTCK, công ty tài chính, coi đây là một trong những nhân tố quan trọng bậc nhất đối với các định chế tài chính. Quản trị rủi ro trong các NHTM cần hướng trọng tâm trước mắt vào các khoản nợ xấu, nợ có nguy cơ cao. Phải theo dõi sát diễn biến các món nợ có dấu hiệu xấu để có các biện pháp phù hợp và ngăn ngừa sự lan rộng của nợ xấu trong từng ngân hàng.
7. Đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, giảm bớt mức độ phụ thuộc quá lớn vào USD. Trong giao dịch và thanh toán quốc tế nên khuyến khích các ngân hàng và DN hướng sang việc đa dạng hóa ngoại hối và chủ động hạn chế rủi ro tỷ giá. Với khả năng tài chính hiện nay của Việt Nam thì việc này không phải dễ, tuy nhiên, NHNN cần có chiến lược và lộ trình để tái cơ cấu danh mục dự trữ ngoại hối quốc gia, bao gồm cả dự trữ vàng.
(Theo tapchitaichinh.vn)