Qua thực tiễn hoạt động cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế trong hoạt động XNK. Ý kiến từ các đơn vị ngành Hải quan cho rằng, có nhiều điểm trong Luật Quản lý thuế (hiệu lực thi hành từ 1/7/2007) cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
Áp dụng biện pháp cưỡng chế
Chương 11 Luật Quản lý thuế quy định 7 biện pháp cưỡng chế và phải thực hiện tuần tự từng biện pháp. Trên thực tế, việc cưỡng chế nợ thuế đạt hiệu quả không cao, do việc áp dụng tuần tự sẽ mất nhiều thời gian và mất cơ hội áp dụng xử lý kịp thời những biện pháp cưỡng chế phù hợp nhất với tình huống. Ví dụ tại thời điểm doanh nghiệp còn tài sản, nhưng do phải thực hiện biện pháp đầu tiên là xác minh số dư tài khoản tại nhiều ngân hàng; khi xác định được số dư với giá trị không đáng kể thì doanh nghiệp đã có đủ thời gian tẩu tán tài sản.
Nên bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 93 về biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế như sau: “1a. Cơ quan quản lý thuế căn cứ tình hình thực tế và mức độ vi phạm của người nộp thuế để áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp, đảm bảo tính hiệu quả, hiệu lực của việc cưỡng chế.”
Thẩm quyền xử phạt vi phạm pháp luật thuế
Sửa đổi, bổ sung Điều 101 về cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu. Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi người nộp thuế có tiền thuế nợ quá hạn phải thông báo chậm nhất 5 ngày làm việc trước khi áp dụng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu.
Sửa đổi, bổ sung Điều 102 về cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi mã số thuế, đình chỉ sử dụng hóa đơn; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề theo hướng.
Khoản 2 Điều 109 quy định thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, …. xử phạt vi phạm phát luật về thuế, nhưng chỉ giới hạn với các trường hợp vi phạm quy định tại Điều 103 Luật Quản lý thuế (vi phạm về thủ tục, chậm nộp, khai sai, trốn thuế, gian lận…). Trong khi đó Điều 114 (Xử lý vi phạm đối với ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác, người bảo lãnh nộp tiền thuế), Điều 115 (Xử lý vi phạm pháp luật về thuế đối với tổ chức, cá nhân có liên quan) cũng có quy định về xử lý vi phạm về thủ tục, chậm nộp, khai sai, trốn thuế, gian lận…, nhưng không quy định việc trao thẩm quyền cho cơ quan nào xử lý.
Như vậy, nên bổ sung khoản 2, Điều 109, cụ thể:
“ Đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 103, điều 114, 115 của Luật này thì thủ trưởng cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về thuế, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm pháp luật về thuế.”.
Xử lý chậm nộp thuế
Ý kiến từ ngành Hải quan cũng cho rằng, cần bổ sung khoản 1a, khoản 5, sửa đổi khoản 2 Điều 106 về xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế như sau:
Trường hợp 1, người nộp thuế có hành vi chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và bị xử phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Đối với các doanh nghiệp được kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khoảng thời gian được gia hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN, nếu có số thuế TNDN theo quyết toán vượt quá 120% so với số thuế TNDN đã tạm nộp theo kê khai của 4 quý thì sẽ bị xử phạt chậm nộp theo quy định hiện hành đối với số thuế TNDN vượt quá 120% số thuế phải nộp theo quyết toán thuế (số ngày tính phạt chậm nộp tính từ ngày bắt đầu được gia hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế đến ngày nộp thuế).
Trường hợp 2, người nộp thuế khai sai dẫn đến làm thiếu số tiền phải nộp nếu tự giác khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện thì bị xử phạt chậm nộp thuế theo quy định tại Điều này, nhưng không bị xử phạt vi phạm thủ tục hành chính thuế, thiếu thuế, trốn thuế.
Đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thì trong thời hạn 365 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhưng trước khi cơ quan hải quan kiểm tra, thanh tra mà đối tượng nộp thuế tự phát hiện ra những sai sót ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp và chủ động nộp số tiền thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước thì bị xử phạt chậm nộp thuế theo quy định tại điều này, nhưng không bị xử phạt vi phạm thủ tục hành chính thuế, thiếu thuế, trốn thuế./.
Theo mof.gov.vn