Việc các công ty lớn liên tục tung ra những chiến dịch “săn lùng”, thu phục những sinh viên giỏi nhắm đến các vị trí lãnh đạo, quản lý… ngày càng có xu hướng phổ biến. Còn các công ty trong nước thì chỉ dừng ở những bản fax tuyển dụng gửi đến, thậm chí không cần hồi âm.
Ảnh minh họa
Có một hiện tượng tưởng đặc biệt nhưng đang trở thành bình thường, đó là việc nhiều tập đoàn, công ty nước ngoài đang ráo riết săn lùng những sinh viên giỏi, huấn luyện trở thành những nhà quản lý, lãnh đạo đa năng. Với chương trình mang tên M.I.S.E (Chương trình đào tạo toàn cầu), tập đoàn Maersk hiện đang tuyển chọn khoảng 5 ứng viên sáng giá nhất trong số 300-400 sinh viên ngoại thương để thực hiện tiêu chí “training manager” (đào tạo nhà quản lý).
Các sinh viên trúng tuyển sẽ được đưa sang Đan Mạch đào tạo; được trang bị các kiến thức về luật, kinh tế, vận tải, tài chính và các kiến thức chuyên ngành trong tập đoàn Maersk; luân chuyển qua nhiều vị trí để học hỏi kinh nghiệm, chuẩn bị cho công việc quản lý lâu dài.
Trong lĩnh vực này, Unilever đã trở nên nổi tiếng với chương trình “Quản trị viên tập sự” dành cho các sinh viên trên toàn quốc, đặc biệt là sinh viên các trường ngoại thương, kinh tế, bách khoa. Mỗi năm, Unilever chọn ra khoảng 20-25 sinh viên xuất sắc trong hơn 1.000 người dự tuyển để huấn luyện. Trước mỗi kỳ tuyển chọn, công ty này tổ chức các Career Day (ngày hội nghề nghiệp) để giới thiệu và định hướng cho sinh viên về những ngành nghề, công việc họ sẽ đảm nhận trong Unilever.
Chị Nguyễn Thị Tường Vân, Trưởng phòng nhân sự, phụ trách tuyển dụng sinh viên năm cuối tại Unilever khẳng định chương trình “Quản trị viên tập sự” là nhắm thẳng đến việc đào tạo những nhà quản trị tương lai – “nguồn tài nguyên quý giá” của Unilever. Trên thực tế, đã có rất nhiều sinh viên trở thành nhà quản lý năng động, giỏi giang sau khi được huấn luyện.
Hiện nay, tại P&G, Unilever… có không ít lãnh đạo phòng ban, các giám đốc, quản lý rất trẻ đang làm việc trong và ngoài nước vốn được “săn” ở các trường đại học.
Võ Duy Viên, sinh viên năm thứ 4 lớp Tài chính doanh nghiệp, Trường Đại học Kinh tế TP HCM vừa được tuyển “nóng” từ trong giảng đường, đang là một trong 5 chuyên trách đặc biệt trực tiếp giám sát, xử lý tình huống cho dự án “Nâng cấp hệ thống kế toán của các nhà phân phối” của P&G.
Mặc dù đang trong quá trình thử việc (từ tháng 3), Viên đang được hưởng mức lương trung bình 3 triệu đồng/tháng, chưa kể quà tặng hằng tháng là các phiếu mua hàng. Mọi chi phí phát sinh trong khi Viên làm việc đều được P&G thanh toán như: tiền điện thoại, ăn uống, ở khách sạn (khoảng 4 triệu đồng/tháng); vé máy bay (khoảng trên 3 triệu đồng/tháng). Chính vì được ưu đãi như thế nên Viên chấp nhận đi xa dài ngày, luân chuyển qua nhiều tỉnh thành trên toàn quốc để thực hiện dự án trên.
Một điều dễ nhận thấy là hầu như tất cả các công ty có những chiến lược thu phục chất xám sinh viên một cách bài bản, quy mô, có đầu tư lâu dài từ trong các trường đại học đều là các doanh nghiệp nước ngoài, các liên doanh, tập đoàn đa quốc gia. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước vẫn đang kêu gào là khát nhân lực và sẵn sàng đầu tư hàng chục triệu để có được một quản trị viên giỏi.
Theo phản ánh của Ban quản lý một số trường đại học, thời gian qua một số công ty trong nước có nhu cầu tuyển dụng thường chỉ fax một tờ giấy A4, sau đó… để mặc nhà trường dán lên chỗ nào thì dán, thậm chí có đơn vị còn… quên luôn tờ thông báo của mình. Trong khi đó, các công ty nước ngoài còn chú trọng cả hình thức quảng bá thông qua các poster, tờ bướm bắt mắt và trực tiếp đến giới thiệu tận từng khoa, từng lớp.
Thậm chí, ban giám đốc của họ không ngần ngại “thân chinh” đến đàm phán, lắng nghe và hỗ trợ nhu cầu của các trường; hướng dẫn, chia sẻ các kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng… với các sinh viên. Đặc biệt, có những nơi (như P&G, Unilever) còn thiết lập hẳn ban chuyên trách trường học gồm các nhân viên, cán bộ là cựu sinh viên các trường đại học để duy trì và tận dụng mối quan hệ với các trường.
Anh Nguyễn Lê Nam, Cán bộ Phòng Đào tạo Trường Đại học Ngoại thương cơ sở II tại TP HCM nêu một ví dụ: Trong 7 sinh viên ngoại thương tốt nghiệp đạt loại giỏi (trên tổng số 400 sinh viên vừa tốt nghiệp trong tháng 4) đã có ít nhất… 6 sinh viên được các tập đoàn, công ty nước ngoài “săn” và “chấm” vào làm việc ở các vị trí chủ chốt.
Thạc sỹ Cao Văn Tiến, Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế TP HCM bày tỏ: “Chúng tôi rất mừng vì có thêm được đầu ra cho sinh viên thực tập và làm việc, nhất là các sinh viên giỏi luôn có “đất dụng võ. Thế nhưng, chúng tôi cũng vô cùng trăn trở khi thấy quá hiếm hoi những công ty trong nước chịu nắm bắt, chủ động đầu tư, săn lùng chất xám sinh viên”. Anh Tiến cho biết Đoàn trường đang ấp ủ chương trình giới thiệu khả năng cung ứng nguồn lao động dồi dào từ trong trường đến các tỉnh, thành khác, song anh cũng băn khoăn là “chưa biết bắt đầu từ đâu và không biết các tỉnh, thành có cùng suy tư đó không”.
Vào đầu tháng 5, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á bắt đầu thực hiện dự án “Phát triển Đông Á và cơ hội du học miễn phí” cho khoảng 30 sinh viên xuất sắc trong các trường đại học. Đây là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ sự “cựa quậy” của các công ty trong nước. Tuy nhiên, cán cân thu hút tài năng, chất xám sinh viên ngay từ trong các giảng đường vẫn còn lệch hẳn về một bên – một sự nghiêng lệch đáng tiếc.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông