Kiến thức Đãi ngộ Cách trả lương đang có nhiều nhược điểm

Cách trả lương đang có nhiều nhược điểm

15
Vấn đề đổi mới chính sách tiền lương, tiền công đang là một những thách thức lớn đối với Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia kinh tế, trong tiến trình hội nhập, Việt Nam phải thực hiện hai điều chỉnh. Thứ nhất, là điều chỉnh pháp luật và chính sách để thực hiện cam kết quốc tế. Thứ hai, điều chỉnh để đáp lại những tác động của hội nhập. Để thực hiện cam kết quốc tế khi gia nhập WTO nền kinh tế phải được vận hành theo nguyên tắc thị trường và không phân biệt đối xử, trong đó, chính sách tiền lương phải điều chỉnh cho phù hợp với nguyên tắc này. Vì tiền lương là một trong những yếu tố chính để xem xét việc xác định tính chất thị trường của nền kinh tế.
Diễn đàn kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của các chuyên gia kinh tế và các tổ chức quốc tế xung quanh vấn đề trên.
Sẽ áp dụng thống nhất mức lương tối thiểu
(TS. Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Tiền lương tiền công)
“Việt Nam trải qua 4 lần cải cách tiền lương và đã thực hiện tiền tệ hoá tiền lương, xoá bỏ bao cấp, chuyển từ lương trả bằng hiện vật sang trả lương bằng tiền. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những mặt tồn tại như: mức lương tối thiểu còn thấp, tiền tệ hoá tiền lương chưa triệt để.
Trong khu vực Nhà nước, tiền lương phân phối còn bình quân, chưa thực sự gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tiền lương chưa thể hiện đúng giá trị trên thị trường lao động, chưa có nguồn thu nhập chính của người lao động chưa tạo điều kiện để phát triển nguồn nhân lực nhất là nhân lực có chất lượng.
Còn thiếu sự thống nhất, bị chia cắt giữa các ngành, vùng, khu vực chưa tạo điều kiện bình đẳng để phát triển thị trường lao động. Còn phân biệt tiền lương tối thiểu giữa các loại hình doanh nghiệp. Trong doanh nghiệp Nhà nước tiền lương chưa theo thị trường, bởi vì tiền lương chưa thực sự hình thành trên cơ sở thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Thang bảng lương vẫn do Nhà nước quy định.
Việc hoàn chỉnh chính sách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh theo thị trường đồng thời tiền lương phải bảo đảm công khai, minh bạch và dựa trên cơ sở thoả thuận, là mục tiêu nằm trong lộ trình cải cách tiền lương mà chúng ta đang thực hiện.
Định hướng cải cách trong thời gian tới sẽ quy định một mức lương tối thiểu chung áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng khung pháp lý để hình thành và điều chỉnh mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu ngành thông qua thoả ước lao động ngành. Nghiên cứu, công bố mức lương tối thiểu giờ, ngày đối với một số ngành nghề.
Về thang lương, bảng lương, Nhà nước quy định một số nguyên tắc chung, trên cơ sở đó doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Nhà nước xây dựng, áp dụng phù hợp với đặc điểm tổ chức sản xuất, tổ chức lao động của từng doanh nghiệp và đăng ký với cơ quan lao động địa phương.
Về quản lý tiền lương, thu nhập, Nhà nước quy định mức lương tối thiểu chung, trên cơ sở đó, công đoàn và đại diện người sử dụng lao động thoả thuận hình thành mức lương tối thiểu ngành.
Hàng năm Nhà nước sẽ khảo sát, điều tra và công bố mức lương của một số ngành nghề thực tế trên thị trường để các doanh nghiệp và người lao động tham khảo khi thoả thuận tiền lương trong hợp đồng. Các doanh nghiệp sẽ được quyền tự chủ trong việc trả lương, tiền thưởng cho người lao động theo năng suất lao động, hiệu quả công tác.”
Cách trả lương trong doanh nghiệp đang bộc lộ nhiều nhược điểm
(PGS.TS. Nguyễn Đình Tài, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW)
Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách kinh tế, trong đó việc cải cách tiền lương, tiền công, cùng với việc cải cách, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước và ban hành các chính sách pháp luật, tạo mặt bằng chung giữa các thành phần kinh tế đang là những thách thức trong quá trình cải cách này.
Tính chung cả nước, thu nhập bình quân của một người lao động làm công ăn lương năm 2004 là 845.000 VNĐ, tăng 9% so với năm 2003; khu vực thành thị là 899.000 VNĐ, gấp 1,3 lần so với khu vực nông thôn.
Như vậy, trong năm 2004, tình trạng lao động, việc làm và thu nhập của Việt Nam đã có một số chuyển biến tích cực. Kết quả này chủ yếu nhờ mức tăng trưởng kinh tế cao và sự phát triển mạnh mẽ của khu vực tư nhân, nhờ việc đẩy nhanh hội nhập kinh tế quốc tế và những nỗ lực cải cách của Chính phủ.
Tuy nhiên, cách trả lương trong doanh nghiệp đang bộc lộ nhiều nhược điểm. Bộ luật lao động quy định làm thêm giờ vào ngày nghỉ phải trả tiền lương gấp đôi; làm vào ngày lễ, tết trả gấp 3. Vấn đề đặt ra ở đây là: nhiều doanh nghiệp kinh doanh theo thời vụ, kế hoạch theo đơn đặt hàng, nên có lúc phải nghỉ đợi việc, có lúc phải làm liên tục cả đêm, nếu thực hiện theo quy định trên thì không có tiền trả vì giá bán hàng không thay đổi.
Bộ luật còn quy định, người lao động ngừng việc nếu lỗi do chủ doanh nghiệp, thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, lỗi của người lao động, người lao động chịu. Nhưng trong khi đó, nhiều doanh nghiệp gia công, chế biến theo mùa vụ, xuất khẩu… không nhận được đơn đặt hàng, người lao động phải nghỉ việc, vậy quy lỗi về lương cho bên nào đây?
Theo Nghị định 105/NĐ-CP và Thông tư 04/2004/TT-BLĐTB-XH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thì doanh nghiệp chỉ được tuyển lao động nước ngoài không quá 3% so với lao động hiện có của doanh nghiệp và không quá 50 người. Các đối tượng sử dụng lao động khác nếu muốn sử dụng lao động nước ngoài phải được sự chấp thuận của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW.
Như vậy, Nghị định 105/NĐ-CP làm hạn chế việc sử dụng lao động là người nước ngoài có tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ mà các doanh nghiệp hoạt động theo các luật hiện hành có nhu cầu tuyển dụng.
Hiện nay mức lương, thù lao được tính vào chi phí kinh doanh đang bị “khống chế”, cứng nhắc trong chế độ tiền lương, dẫn đến chưa thực sự có tính thúc đẩy sản xuất của người lao động. Lương, thù lao được quy định bởi quy mô hơn là hiệu quả kinh doanh; quy chế thưởng không rõ ràng. Bên cạnh đó là sự thiếu thông tin về tiền lương theo thị trường dẫn đến việc trả lương không phù hợp.
Theo tôi được biết, dự thảo Luật doanh nghiệp đã linh hoạt và an toàn hơn đối với việc trả lương, thù lao và thưởng cho cán bộ quản lý. Lương, thưởng trở thành đòn bẩy quản lý, gắn chặt với kết quả và hiệu quả. Nhà nước không thất thu thuế thông qua đánh thuế thu nhập cá nhân. Công ty không bị “gò bó”, hạn chế trong việc trả thù lao, lương và thưởng. Đồng thời khuyến khích, thúc đẩy nâng cao tính minh bạch trong quản lý công ty. Quan trọng hơn nữa là thể hiện tính minh bạch và rõ ràng hơn trong quản lý.
Đơn cử như Điều 59 của Dự luật doanh nghiệp đã quy định công ty có quyền trả thù lao, tiền lương và tiền thưởng thành viên và được tính vào chi phí kinh doanh theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật có liên quan…
Trong khi đó, dự thảo Luật đầu tư cũng có sự cởi mở trong việc thuê lao động nước ngoài làm công việc quản lý. Tôi nghĩ, với những quy định thông thoáng của hai đạo luật nếu được thông qua, sẽ mở ra một “không gian” mới và những nguồn động lực mới cho người lao động và doanh nghiệp”.
Không gắn lương tối thiểu với hệ thống an sinh xã hội
(Jonathan Pincus, Chuyên viên kinh tế cao cấp UNDP)
“Việt Nam đang trong quá trình gia nhập WTO, do vậy phải chạy đua với thời gian. Điều này đồng nghĩa với việc đòi hỏi phải mở cửa thị trường dịch vụ. Trong đó các quy định về đối xử bình đẳng được thể hiện rõ qua các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs) và hiệp định chung về thương mại dịch vụ hay còn gọi là đối xử quốc gia (GATT).
Tuy nhiên, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam là một khó khăn trên con đường vào WTO của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đồng thời phải thoả mãn những hiệp định song phương đã ký.
Tôi đơn cử như Hiệp định đầu tư song phương giữa Vương quốc Anh với Việt Nam được ký tháng 8/2002. Trong vòng 4 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, Chính phủ Việt Nam sẽ dần dần thủ tiêu chính sách giá và lệ phí phân biệt đối xử cho tất cả các hàng hoá và dịch vụ, không có bất cứ ngoại lệ nào, bao gồm cả điện và vận tải hàng không. Như vậy, Việt Nam phải làm như thế nào để luật trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế.
Để có thể trở thành nền kinh tế thị trường, Việt Nam cần phải thoả mãn những tiêu chí: tiền tệ có khả năng chuyển đổi; mức độ sở hữu và kiểm soát của Chính phủ đối với các tư liệu sản xuất, giá cả và các quyết định sản lượng của công ty; mức độ lương của người lao động được quyết định bởi thoả thuận tự do giữa người lao động và giới quản lý; mức độ cho phép đầu tư trực tiếp nước ngoài và những yếu tố khác như: Luật cạnh tranh, thị trường chứng khoán, Luật chống bán phá giá.
Hiện mức lương Mỹ áp dụng cho các nước có nền kinh tế phi thị trường trong các trường hợp chống bán phá giá trong đó có Việt Nam phải được tính là 66 UScent/1 giờ. Như vậy sẽ cao hơn rất nhiều so với mức lương tối thiểu của Việt Nam. Như vậy, tiền lương được bao cấp sẽ không phản ánh được nền kinh tế thị trường.
Theo tôi được biết, Việt Nam đã và đang có những chính sách cải tiến tiền lương để hội nhập quốc tế. Mức lương tối thiểu chung đã được từ 290.000 đồng lên 350.000 đồng. Còn đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là 626.000 đồng, 556.000 đồng hoặc 487.000 đồng. Nhưng có một điều tôi thấy là lương tối thiểu liên quan đến lương hưu và các chi trả an sinh xã hội.
Như vậy, trong tương lai để có thể hội nhập WTO, Việt Nam cần xoá sự liên kết giữa lương tối thiểu với hệ thống an sinh xã hội và các mức lương cho khu vực Nhà nước. Thực thi tốt hơn những quy định hiện hành như: điều kiện làm việc, làm ngoài giờ, các quy định về an sinh xã hội. Đặc biệt là đối xử bình đẳng giữa lao động nam và nữ theo Bộ luật lao động”.
6 nguyên tắc xác định tiền lương trong nền kinh tế thị trường
(Tim De Meyer, Chuyên gia về Tiêu chuẩn lao động quốc tế)
Trong lộ trình để gia nhập tổ chức WTO, vấn đề tiền lương là một trong những vấn đề mà Việt Nam phải cải cách. Để xác định tiền lương trong nền kinh tế thị trường, Việt Nam phải thoả mãn được 6 nguyên tắc.
Thứ nhất, lương sẽ được người lao động và sử dụng lao động đàm phán tự nguyện, tập thể nếu người lao động muốn. Còn về phía Chính phủ phải tôn trọng tự do thị trường. Nghĩa là không can thiệp vào kết quả đàm phán lương liên quan đến doanh nghiệp. Chính phủ chỉ có thể xác định lương cho cán bộ Nhà nước làm việc trong khu vực hành chính sự nghiệp; giám sát về vấn đề tiền lương vì mục đích kinh tế vĩ mô, chỉ cảnh báo và can thiệp khi có khủng hoảng nặng nề.
Thứ hai, Chính phủ phải đảm bảo rằng, tiền lương một khi đã được thoả thuận thì phải thanh toán hợp lý cho người lao động. Và việc thanh toán không bị hiểu sai hoặc bóp méo theo cách mà người sử dụng lao động ràng buộc với người lao động và không cho phép khấu trừ một phần lương của người lao động để lấy đó làm đảm bảo cho việc làm của họ.
Thứ ba, Chính phủ phải giám sát khoảng cách về lương và cải thiện tình hình bằng các biện pháp khuyến trợ. Theo tôi được biết, ở Việt Nam khoảng cách về lương của lao động nữ với lao động nam trung bình là 14% còn ở hợp tác xã là 32%. Phụ nữ làm việc không kém năng suất hơn nam giới và không đáng bị trả lương thấp hơn.
Thứ tư, Chính phủ cần triển khai một hệ thống lương tối thiểu nhằm bảo vệ người bị trả lương thấp nhất để giúp họ đảm bảo mức sống đàng hoàng; giảm sự phân biệt đối xử trong thanh toán tiền lương.
Thứ năm, trong khi đấu thầu các công trình xây dựng hoặc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ, Chính phủ không được khuyến khích các nhà thầu cạnh tranh ở dưới mức tiêu chuẩn (lương thấp hơn thực tế, an toàn vệ sinh lao động ở mức thấp…).
Thứ sáu, khi kinh tế thị trường phát triển, những ngành công nghiệp năng suất cao hơn sẽ không ngừng thay thế các công ty và ngành công nghiệp có sức cạnh tranh kém hơn. Do đó, Chính phủ cần phải đảm bảo rằng, khi một chủ sử dụng lao động không có khả năng thanh toán, (ví dụ như bị phá sản) thì khiếu nại về lương chưa thanh toán của người lao động sẽ được coi là chứng từ đòi nợ có giá trị nhất mà người sử dụng lao động phải bồi hoàn cho người lao động từ nguồn tài sản còn lại.
Bên cạnh những nguyên tắc phải xác định và thanh toán tiền lương trong nền kinh tế thị trường thì Chính phủ cũng phải thoả mãn những quy định tại Công ước về bảo đảm tiền lương, 1949 và Công ước về lương tối thiểu (1970)”.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không