Lâu nay “chất xám” của vùng ĐBSCL vẫn thường chảy về TPHCM do thu nhập hấp dẫn. Nhưng từ hai năm nay, chuyện một nhân viên có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng đã không còn là chuyện hiếm ở vùng này.
Ảnh minh họa
10 thậm chí 20 triệu đồng/tháng
Anh Diệp Hoài Minh, Giám đốc Công ty TNHH Cẩm Vinh (Cần Thơ), khẳng định như vậy về mức thu nhập cho vị trí giám đốc thương hiệu mà anh đang tuyển dụng. Đây là công ty chuyên về tổ chức sự kiện, giúp các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu… Theo anh Minh, điều kiện tuyển dụng khá thông thoáng: ngoài bằng tốt nghiệp đại học, ứng cử viên chỉ cần biết tiếng Anh, vi tính – không đặt nặng bằng cấp.
Mới đây, anh X – đang giữ chức kế toán trưởng tại một doanh nghiệp ở Tiền Giang với mức lương ba triệu đồng/tháng, xin đầu quân về một công ty tại Cần Thơ với đề nghị khiêm tốn: 2,8 triệu đồng/tháng. Mục đích chính của anh là được công tác gần nhà. Tuy nhiên, qua phỏng vấn, kiểm tra năng lực… anh được nhận vào làm với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.
Tuy mặt bằng thu nhập bình quân của giới trí thức đang làm việc tại các doanh nghiệp ở ĐBSCL khó có thể so sánh với TPHCM, nhưng so với vài năm trước, mức thu nhập tăng lên rất nhiều. Khoảng 80% người lao động có bằng cấp, khi đến liên hệ trung tâm, thẳng thừng đề nghị mức lương khởi điểm ba triệu đồng/tháng.
Hiện nay, một số cá nhân đang làm việc ở các công ty, dự án… nước ngoài, thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng là chuyện thường.
Khởi động những cuộc “săn”… chất xám
Năm 2004, nhiều chuyên viên ngân hàng ở ĐBSCL “rúng động” khi hay tin ngân hàng A chấp nhận trả 50.000 đô-la Mỹ để “mua” một đồng nghiệp từ ngân hàng B. Ngay sau đó, anh này được giao làm công tác quản lý tại chi nhánh của ngân hàng A, ở thành phố Cần Thơ.
Anh Chu Văn An, Phó tổng giám đốc Công ty Minh Phú, thừa nhận: “Thị trường lao động đang cạnh tranh khốc liệt. Thỉnh thoảng lại có vài kỹ sư giỏi của chúng tôi xin “ra đi” vì nhận được lời mời với mức lương cao hơn”.
Lượng chất xám đổ về TPHCM… trong những năm qua khiến số người có năng lực sót lại trở nên có giá. Tất nhiên, trong cuộc cạnh tranh thu hút chất xám, phần thắng hầu hết sẽ nghiêng về các doanh nghiệp lớn, biết dùng chính sách tiền lương làm đòn bẩy.
Một doanh nghiệp quốc doanh lớn ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, trước đây đã hân hoan đón mừng hai thạc sĩ mà họ cất công đào tạo với kinh phí hàng chục triệu đồng. Nhưng chưa đầy một năm sau, cả hai đều đã ra đi vì không cưỡng lại được mức thu nhập hấp dẫn mà vài công ty nước ngoài đưa ra. Giám đốc doanh nghiệp này thừa nhận: “Một số ràng buộc về cơ chế khiến chúng tôi không thể giữ chân họ”.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông