Từ ước muốn ban đầu là con cái có được điều kiện, môi trường học tập tốt, bà Lê Phương Lan, đã quyết định đầu tư xây dựng hệ thống mầm non Dream House cùng với Trường phổ thông liên cấp Olympia. Đây là nơi mà bà cùng các thành viên sáng lập mong muốn học sinh thân yêu có thể trở thành những doanh nhân, nhà quản lý thành đạt trong tương lai.
Ảnh minh họa
Xuất phát từ tình yêu thương bao la của người mẹ, khi con gái thứ hai chuẩn bị đi nhà trẻ, bà Lê Phương Lan đã quyết định đầu tư xây dựng hệ thống mầm non Dream House- Ngôi nhà Mơ ước cùng sự đóng góp của 4 cổ đông sáng lập với mong muốn tạo cho con mình một môi trường chăm sóc và giáo dục toàn diện. Vào năm 2012, bà quyết định dừng điều hành Công ty cổ phần thời trang Kowil Việt Nam, dành toàn bộ thời gian cho Olympia. Đến nay, khoản đầu tư đã lên tới khoảng 150 tỷ đồng.
Đầu tư… doanh nhân
“Là một doanh nhân tôi hiểu rõ “bài toán kinh tế” trong “thương vụ” này nhưng đầu tư vào giáo dục và đặc biệt là đầu tư cho con cái thì đó là một khoản đầu tư đặc biệt vì đó tài sản lớn nhất của mỗi gia đình. Có lẽ vì vậy mà tôi nhận được sự đồng tình, đồng hành chia sẻ của rất nhiều người”, bà Lan tâm sự. Với suy nghĩ đó khi các con lớn lên, bà Lan tiếp tục đầu tư xây dựng Trường phổ thông liên cấp Olympia mà như cách nói của bà thì còn lớn đến đâu “mở trường, mở lớp đến đó”.
– Hiện tại Olympia, trên 75% học sinh là con của các gia đình doanh nhân, các nhà quản lý và các công chức cấp cao và phần lớn các bậc cha mẹ đều kỳ vọng vào việc con cái họ sẽ nối nghiệp trở thành những doanh nhân thành đạt sau này, vậy bà đặt mục tiêu đây là một trong những cái nôi đào tạo các thế hệ doanh nhân và các nhà lãnh đạo tương lai?
Khi đầu tư thành lập trường, tôi không nghĩ là trường chỉ dành cho con em của các gia đình doanh nhân hay lãnh đạo. Tuy nhiên, có thể vì cùng là người lãnh đạo, điều hành doanh nghiêp, cũng đối mặt với các vấn đề phức tạp trong chăm sóc, dạy dỗ, định hướng nghề nghiệp cho con cái dù rất bận rộn, thiếu thời gian nên những mong muốn của tôi cũng rất gần với mong muốn, nhu cầu của các doanh nhân. Cũng phải nói thêm, chuẩn bị cho đội ngũ kế cận đang là chuyện đại sự của nhiều gia đình. Khá nhiều doanh nhân thế hệ đầu tiên đã bước vào giai đoạn tìm người kế cận, chuẩn bị các bước chuyển giao. Tuy nhiên, chưa có nhiều cuộc chuyển giao thành công. Thậm chí, nhiều trường hợp, gia đình bất hòa vì con cái không nghe theo định hướng của cha mẹ…
Có lẽ chặng đường đi đến thành công của lớp doanh nhân đầu tiên khá vất vả, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm bản thân và sự tranh thủ thời cơ, nên đa phần họ muốn con cái tiếp nhận và phát triển tiếp sự nghiệp của gia đình ở cấp độ cao hơn. Thực tế này đang chi phối khá lớn cuộc sống của những người kế cận.
– Điều đó có tạo ra áp lực đối với bà và Ban lãnh đạo nhà trường?
Có không ít học sinh trong các gia đình doanh nhân có xu hướng ỷ lại, không có động lực vươn lên vì sự đầy đủ của gia đình. Nhưng cũng có nhiều em thấy tự ti vì cái bóng quá lớn của người cha, người mẹ. Vì vậy, việc học và dạy làm doanh nhân được xác định là không chỉ dành cho thế hệ con cháu mà cần có sự chia sẻ về quan điểm, tư duy của những thế hệ đi trước. Chúng tôi cho rằng thế hệ doanh nhân kế cận phải được chuẩn bị và hậu thuẫn để đi nhanh hơn, thành đạt hơn nhưng phải trên đôi chân, trên năng lực của chính họ chứ không phải thừa hưởng sẵn có.
Đây là lý do Olympia quyết định đưa khá nhiều môn học, kỹ năng liên quan đến kinh doanh và thương hiệu vào chương trình đào tạo bắt buộc. Tại đây, học sinh được học các bộ môn hiểu biết truyền thống. xây dựng thương hiệu cá nhân, môn học về chính phủ, công dân, kinh tế vĩ mô, thực hành các bài tập thành lập doanh nghiệp, marketing, xây dựng dự án đến điều hành doanh nghiệp, kỹ năng đàm phán, thuyết trình hay nói trước đám đông, dự án hay kêu gọi tài trợ…
Bên cạnh đó, chúng tôi thuyết phục các vị chủ tịch HĐQT, giám đốc – phụ huynh của trường cho phép các em thực hành tại chính các doanh nghiệp đang hoạt động. Không có cách dạy doanh nhân hiệu quả bằng chính hoạt động tại doanh nghiệp. Chúng tôi cũng bất ngờ khi các em có những đề án kinh doanh thực sự thuyết phục.
Bắt đầu từ sự khác biệt
– Theo bà, đâu là sự khác biệt trong mô hình giáo dục của Trường phổ thông liên cấp Olympia?
Sau 4 năm thành lập và phát triển, đội ngũ Giáo viên và Học sinh Trường phổ thông liên cấp Olympia luôn tự hào là trường đi đầu về chương trình và chất lượng trong khối các trường có yếu tố nước ngoài tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Bất cứ quá trình phát triển nào cũng cần lấy con người làm trung tâm, nền giáo dục cũng vậy, công tác giáo dục có vai trò rất quan trọng trong quá trình sử dụng con người. Định hướng giáo dục của Olympia thúc đẩy sự phát triển của bản thân học sinh. Giáo dục để tạo ra con người toàn diện nhằm vun đắp giá trị về Lòng trung thực, Tôn trọng, Danh dự, Đồng cảm, Cống hiến và luôn hướng tới sự Hoàn thiện.
Định hướng giáo dục của Olympia là để tạo ra con người toàn diện nhằm vun đắp giá trị về lòng trung thực, tôn trọng, danh dự, đồng cảm, cống hiến và luôn hướng tới sự hoàn thiện.
Với triết lý giáo dục “Trí thông minh đa dạng – Multiple Intelligences” của Giáo sư Howard Garder (Đại học Harvard) và khung tiêu chuẩn thế kỷ 21 (P21) được áp dụng cho cả ba cấp học, tất cả các học sinh của Olympia luôn được tạo cơ hội phát huy năng lực bản thân và trang bị những giá trị tốt nhất để bước vào tương lai.
Chương trình đào tạo của Olympia là sự kết hợp giữa tinh hoa của giáo dục Á đông và phương pháp giảng dạy của Hoa Kỳ với định hướng phát triển toàn diện cho từng học sinh. Vốn tri thức cơ bản tại trường phổ thông và kỹ năng tư duy mở, cộng với khả năng ngôn ngữ của trường quốc tế sẽ là sức mạnh giúp các con có định hướng rõ ràng với nghề nghiệp tương lai. Trắc nghiệm về các loại hình thông minh MIDAS tạo nền tảng cho Lộ trình và Tư vấn Phát triển Cá nhân của mỗi học sinh, nhằm định hướng và bồi dưỡng các con phát huy đúng thế mạnh và sở trường của mình.
Phương pháp giảng dạy của Olympia luôn chú trọng đào tạo kỹ năng tư duy ngoài định hướng giảng dạy và học tập tích cực. Học sinh được đào tạo kỹ năng tư duy để phục vụ cho việc học tập và giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Ngoài ra, các con còn được trang bị các kỹ năng để trở thành một người thành đạt như kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng diễn thuyết, kỹ năng tranh biện. Đây chính là những hành trang để các con tự tin và vững vàng dù trong bất kỳ môi trường học tập hay công việc nào trong tương lai. Và một trong những quan điểm nổi bật nhất trong triết lý giáo dục của chúng tôi chính là: Phá vỡ khuôn khổ (Think outside of the box), luôn luôn tìm kiếm và ứng dụng những ý tưởng tốt nhất. Đây chính là định hướng trong việc phát triển tư duy mở mà các phụ huynh sẽ thấy tại trường Olympia.
– Xin cảm ơn và chúc bà cũng thế hệ doanh nhân tương lai đạt được nhiều thành công!
Theo dddn
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông