Những ngày đầu tháng 11 vừa qua, thông tin Cty CP Kinh Đô bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo với giá 370 triệu USD cho Cty Mondelez International gây xôn xao dư luận. Không ít người tỏ ra ngậm ngùi, tiếc nuối cho thương hiệu này và nhớ về những cái tên từng in dấu trong tâm trí người tiêu dùng trong nước nay đã bị bán cho các DN nước ngoài như: Kem đánh răng P/s, Dạ Lan, Bia Huda, Diana Việt Nam, Tribeco, Phở 24, Highlands Coffee…
Ảnh minh họa
Cty CP Kinh Đô bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo với giá 370 triệu USD cho Cty Mondelez International
Khi chia sẻ về quyết định bán Phở 24 – niềm tự hào của Việt Nam trên bản đồ thương hiệu thế giới, ông Lý Quí Trung, cha đẻ của thương hiệu này chia sẻ “Tôi xem Phở 24 như một phần của mình, như đứa con mình đẻ ra. Nhưng tôi cũng ý thức ngay từ đầu rằng, mình không thể giữ nó mãi mãi mà muốn nó trưởng thành, lớn mạnh trong vòng tay xã hội”.
Để thương hiệu bay xa
Và để thương hiệu này trưởng thành và lớn mạnh, cha đẻ của nó đã chấp nhận bán đứa con của mình để đổi lấy 20 triệu USD. Bởi ít ai biết rằng, trước đó Phở 24 đã phải đối mặt với rất nhiều hệ lụy của việc phát triển quá nóng, bộ máy quản trị của Cty đột nhiên phải “nở phình” với một khối lượng công việc khổng lồ. Hàng loạt hệ lụy bắt đầu xảy đến, hệ thống các cửa hàng có dấu hiệu mất kiểm soát. Và thật không may đúng vào thời điểm đó khủng hoảng kinh tế diễn ra, thị trường vừa khó khăn, vừa cạnh tranh khốc liệt, khách hàng có khuynh hướng “thắt lưng buộc bụng”. Trong khi đó, tiền thuê nhà và các chi phí khác vẫn cứ tiếp tục tăng đều trong lạm phát. Tình cảnh này đã khiến Phở 24 đóng cửa một loạt các tiệm phở không còn đủ sức tồn tại để vượt qua kỳ khủng hoảng kinh tế. Bên cạnh đó là hàng loạt các giải pháp cải tổ, tái cấu trúc khác cũng được tiến hành nhưng dường như không “ăn thua” với tình hình quá khó khăn và việc thiếu vốn trầm trọng. Lúc này, nguy cơ rời khỏi thị trường đang ngay trước mắt đối với Phở 24. Và đó là lý do vì sao Phở 24 được bán với giá 20 triệu USD với hy vọng nó sẽ được tiếp tục trưởng thành và lớn mạnh trong vòng tay của xã hội như “cha đẻ” của nó mong muốn.
Quyết định khó khăn
Trên thực tế, có lẽ câu chuyện tương tự như Phở 24 không phải ít. Như câu chuyện của một DN mà chương trình Chìa Khóa Thành Công – CEO lên sóng trên VTV1 ngày 16/11 vừa qua với chủ đề “Bài toán cạnh tranh – Sự lựa chọn khó khăn” là một ví dụ.
Chuyện xảy ra tại DN đang sở hữu một cửa hàng ăn nhanh theo phong cách ẩm thực truyền thống đang rất được giới trẻ ưu chuộng. Trong thời gian vừa qua, doanh số và lợi nhuận của cửa hàng liên tục tăng, uy tín thương hiệu ngày càng được khẳng định. Bỗng nhiên, có một đối tác đến từ Hàn Quốc đặt vấn đề mua lại toàn bộ mô hình cửa hàng cùng thương hiệu với giá 130 tỷ đồng. Ngay lập tức, các cổ đông của DN cho rằng đây là một cái giá quá hời cần phải bán ngay. Tuy nhiên, CEO của DN lại phản đối vì cho rằng tiềm năng của cửa hàng trong tương lai là rất lớn, DN sẽ có cơ hội mở thành chuỗi trong và ngoài nước. Vì vậy, số tiền thu về trong tương lai sẽ lớn gấp nhiều lần so với 130 tỷ đồng hiện tại nên không đồng ý với việc bán.
Thế nhưng, các cổ đông lại cho rằng “Hiện trên thị trường đã xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh có mô hình tương tự như của công ty và họ đang thể hiện tiềm lực và khả năng cạnh tranh rất lớn. Trong tương lai, có thể Cty sẽ không cạnh tranh được với họ. Vì vậy, bán là phương án giảm thiếu rủi ro nhất cho cổ đông”. Trong chương trình, CEO và các cổ đông đã đưa ra rất nhiều lập luận, lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình và dường như không bên nào chịu nhượng bộ. Cuộc đối thoại của CEO và các cổ đông đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả ngay khi chương trình lên sóng. Trên trang fanpage của chương trình https://www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme đã có rất nhiều ý kiến trái chiều từ các khán giả.
Theo dddn
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông