Có được nhân viên giỏi luôn là mong mỏi của doanh nghiệp (DN) nhưng làm thế nào để quản lý các “công dân ưu tú” này là cả một vấn đề, đặc biệt là với những cá nhân vượt trội hơn cả sếp.
Nhân lực là tài sản lớn của DN, nếu sở hữu được một tập thể những con người giỏi thì DN đó sẽ có chiến lược kinh doanh hiệu quả, có đường lối phát triển đúng đắn và dễ dàng vượt qua khó khăn.
Đã có lo ngại cho rằng nếu tuyển người quá giỏi, giỏi hơn cả lãnh đạo cũng sẽ xảy ra những chuyện không hay. Một là nhân viên có thể đặt ra các yêu cầu, đòi hỏi giám đốc nghe mình. Hai là khi đã hiểu hết về DN và có thêm kinh nghiệm, họ sẽ mang bí quyết ra đi.
Chia sẻ trên mạng xã hội Anphebe.com, bà Thanh Nguyễn – CEO của mạng lao động trực tuyến này cho biết, trước đây bà cũng từng đặt ra câu hỏi: Nếu tuyển một người giỏi hơn mình liệu họ có nắm được điểm yếu của mình và dễ dàng qua mặt mình? Nhất là nhân viên giỏi thường tỏ ra tự tin, hiếu thắng và ít chịu nghe góp ý. Đó là chưa kể người giỏi sẽ quan ngại năng lực của quản lý hoặc sẽ chán nản khi ít được học hỏi từ cấp trên. Nhưng bà đã thay đổi suy nghĩ này và hiểu ra muốn quản lý người giỏi trước hết phải thay đổi suy nghĩ của chính mình.
Sếp không phải là người cái gì cũng biết và giỏi giang để cứu nguy mỗi khi nhân viên cần. Bởi không một ai có thể là chuyên gia giỏi trong tất cả các lĩnh vực, nhưng một quản lý giỏi có thể thu hút nhiều người giỏi hơn làm việc cho mình nếu giúp được người giỏi “tỏa sáng”. Nhà quản lý hiệu quả trong một tập thể nhiều nhân viên giỏi sẽ là sợi dây liên kết để nhiều “ngựa chứng” cùng hợp tác làm việc, tạo nên đội ngũ đầy sức mạnh.
Quản lý người giỏi hơn mình là cả một nghệ thuật. Người quản lý không nhất thiết phải giỏi về chuyên môn mà quan trọng nhất là kỹ năng giao tiếp, đối nhân xử thế, giải quyết vấn đề một cách thuyết phục. Người lãnh đạo cần chủ động thể hiện sự học hỏi từ nhân viên, tăng cường giao tiếp với nhân viên, đưa ra câu hỏi để phát hiện điều gì đang khiến nhân viên lo lắng, vướng mắc.
Bên cạnh đó, người lãnh đạo phải biết cách giúp người khác phát triển. Ngay trong trường hợp khó khăn vẫn luôn thể hiện sự tự tin nhất định. Linda Hill – giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard cho rằng: “Việc của người lãnh đạo là quản lý những người giỏi hơn mình, có nhiều kinh nghiệm và giàu chuyên môn”.
Với những nhân viên giỏi, để tránh nguy cơ bị họ qua mặt hoặc khiến họ chán khi không còn gì để học hỏi nữa, hãy giao cho họ những việc khó để họ “vượt qua chính mình”. Một nhà quản trị giỏi không chỉ phải biết khẳng định chỗ đứng của mình trước đám đông mà còn phải biết đặt cái “chúng ta” lên cái “tôi” để tìm kiếm, phát hiện và sử dụng những con người tài năng.
Những nhà lãnh đạo thành công luôn tạo cơ hội để những người khác đưa ra ý tưởng của họ. Steve Jobs – nhà sáng lập của Apple khi khởi nghiệp cũng từng cho rằng cách làm của mình là tốt nhất nhưng sau đó ông đã lắng nghe các cộng sự. Apple thành công cho đến ngày nay một phần nhờ sự thay đổi tư duy của người đứng đầu này.
Điều những nhân viên giỏi cần là một người thủ lĩnh giỏi về tâm và tầm chứ không phải là một đồng nghiệp thạo việc như họ. “Hãy bắt đầu với việc gia tăng sự tín nhiệm và giá trị của bạn với nhân viên bằng những định hướng chung giàu cảm hứng. Sự chân thành, gần gũi và tin cậy lẫn nhau sẽ là bước khởi đầu cho thành công tương lai.
Và cũng đừng ngần ngại giao cho người giỏi những công việc đầy thử thách để họ được khám phá, học hỏi từ những điều mới. Chính lãnh đạo cũng phải cởi mở để tạo môi trường học hỏi lẫn nhau thì mới có thể tiến đến mục tiêu chung”, bà Thanh Nguyễn tư vấn.
Nhà lãnh đạo là người đứng đầu DN, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của DN. Khi thực hiện tốt vai trò của mình, nhà lãnh đạo sẽ thúc đẩy DN phát triển, ngược lại sẽ kìm hãm sự phát triển của DN. Vì vậy, hãy tuyển dụng những “cái đầu” giỏi hơn mình, công ty sẽ có những lợi ích đáng kể. Và thay vì sợ những người giỏi hơn sẽ lấn lướt mình, hãy trở thành nhà quản lý giỏi để thu hút nhân tài cho DN.
Theo DNSG