Tuần vừa qua, CEO Mark Bertolini của Aetna nói trong một cuộc phỏng vấn rằng công ty của ông trả lương cho nhân viên để ngủ. “Nếu họ có thể chứng minh rằng mình ngủ hơn 7 giờ trong liền 20 đêm, chúng tôi sẽ trả 25 USD/đêm, có thể lên tới 500 USD 1 năm”, ông giải thích về một trong những cách Aetna sử dụng để giúp nhân viên theo dõi sức khỏe.
The Huffington Post thì không trả tiền cho nhân viên để ngủ- họ chỉ khuyến khích nhân viên ngủ khi làm việc. Họ có những không gian để ngủ ngay tại văn phòng. Đây không phải công ty duy nhất. Các công ty khác như Google, Zappos and Ben & Jerry’s cũng đang bắt kịp xu hướng “napping”. Hiện giờ tất cả đã xây dựng phòng ngủ trong văn phòng của mình.
Trong thời buổi tỷ lệ thất nghiệp thấp và thiếu nhân công lành nghề, các công ty lớn đang đưa ra nhiều đặc quyền “điên rồ” để lôi kéo millennial đến với mình. LinkedIn cho phép các kỳ nghỉ không giới hạn.
Etsy’s đưa ra chính sách nghỉ việc vẫn hưởng lương cho cả các ông bố hay bà mẹ mới lên chức. Spotify chi các khoản hỗ trợ thụ thai cho vợ chồng hiếm muộn. Price Waterhouse Coopers (PwC) giúp đỡ nhân viên của mình trả các khoản nợ vay đi học.
Twilio tặng nhân viên một chiếc Kindle và trợ cấp tiền mua sách hàng tháng. Twitter có dịch vụ châm cứu tại chỗ và các lớp học ngẫu hứng. Nhân viên của Asana được huấn luyện về cuộc sống miễn phí. Zillow chi trả chi phí vận chuyển qua đêm cho những bà mẹ đang cho con bú… Rất nhiều các đặc quyền khác.
Các doanh nghiệp nhỏ thì không thể làm được những việc như thế. Họ không đủ nguồn lực để cho nhân viên có kỳ nghỉ không giới hạn. Họ cũng chẳng thể trang trải được chi phí vận chuyển sữa mẹ cho nhân viên của mình. Chắc chắn có lẽ công ty của họ sẽ giống như địa ngục vì không trả lương cho nhân viên để có một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa.
Với những lợi ích tuyệt vời mà các công ty lớn mang lại, tại sao nhiều người vẫn muốn làm việc cho những doanh nghiệp nhỏ? Không phải là tất cả mọi người đều chi làm việc tại những công ty lớn, nơi có mức lương cao hơn, đãi ngộ tốt hơn, được miễn phí vận chuyển sữa mẹ hay có những giấc ngủ ngắn tại văn phòng.
Liệu có phải công ty lớn chọn lọc khó hơn, bạn sẽ khó có việc hơn. Một phần nào đó thì điều này đúng. Nhưng nên nhớ các công ty này cũng có nhu cầu lớn về những người có kinh nghiệm. Bởi vậy, nếu bạn giỏi thì bạn vẫn có cơ hội.
Câu hỏi đặt ra không phải ở vấn đề đặc quyền. Đó là do bạn thuộc kiểu người nào.
Những người làm việc tại các công ty lớn, họ là những người tốt, thông minh. Họ làm tốt công việc, đa phần thì họ yêu thích công ty của mình. Nhưng khi gặp và so sánh họ với những người làm việc tại các công ty nhỏ hơn, có thể thấy họ đang bị thiếu một thứ quan trọng: quyền kiểm soát.
Nhân viên tại công ty lớn: Dù cho bạn có ở vị trí cao thế nào, thì cuộc sống cũng không nằm trong tầm tay bạn. Đây không phải là công ty của bạn. Đó chỉ là một công việc thôi. Có thể bạn có một ít cổ phiếu, là tài sản lớn của bạn, nhưng với người khác thì không có nhiều ý nghĩa. Ngay cả CEO cũng nhận yêu cầu từ Hội đồng quản trị và phải chịu trách nhiệm trước các cổ đông.
Đóng góp của bạn có thể quan trọng đấy nhưng bạn hoàn toàn có thể bị thay thế. Mọi người đều vậy. Công ty có thể xuất hiện rất lâu trước khi bạn chào đời và tồn tại mãi sau khi bạn “trở về với cát bụi”. Bạn muốn một công việc đảm bảo. Chẳng có gì hứa hẹn được cả. Mọi việc sẽ vẫn tốt nếu bạn luôn sẵn sàng làm mọi việc theo yêu cầu, thực hiện những dự án đem lại lợi ích cho các cổ đông.
Các công ty nhỏ hơn giữ chân được nhân viên vì họ mang đến thứ mà các công ty lớn không thể: quyền kiểm soát. Khi bạn làm việc cho một công ty chỉ có 10, 20 hay 50 người, bạn có thể tạo ra tác động lớn.
Lúc này, bạn là người vô cùng quan trọng với chủ doanh nghiệp, dù là ở công việc, đóng góp hay cả quyết định của bạn. Sếp của bạn chắc chắn đang có nhu cầu tư vấn, giúp đỡ vì không ai có thể làm tất cả mọi việc. Bạn có thể phải làm việc đến tận khuya, nhưng trở về nhà và thấy rằng mình là một phần thiết yếu của công ty chứ không chỉ là nhân viên trong một bộ phận.
Nếu bạn làm tốt tất cả mọi việc, bạn sẽ có sự tôn trọng từ người sở hữu công ty. Điều này khiến bạn dễ kiểm soát cuộc sống của mình hơn. Bạn sẽ có những linh hoạt mình cần và cả những thách thức cần xử lý. Bạn sẽ có người giúp mình khi bạn cần sự giúp đỡ.
Bạn thậm chí còn có cơ hội được chia sẻ lợi nhuận. Điều này thực sự mới mẻ. Tuy vậy với nhiều người, quyền kiểm soát mới là điều thực sự có giá trị.
Theo Trí Thức Trẻ/Entrepreneur