Kiến thức Đãi ngộ Giữ chân nhân viên bằng lương thưởng vẫn là cách hữu hiệu...

Giữ chân nhân viên bằng lương thưởng vẫn là cách hữu hiệu nhất

22
Lương, thưởng luôn là công cụ hữu hiệu để thu hút và giữ chân nhân tài. Gần đây, nhiều nhân sự có thành tích kinh doanh đã được doanh nghiệp thưởng nhà, ô tô, cổ phiếu… Phải chăng, chỉ có sự đãi ngộ về vật chất mới thực sự là “chìa khóa vạn năng”?

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Từ ô tô đến cổ phiếu

Cuối tháng 4/2016, giới kinh doanh xôn xao trước thông tin Công ty TNHH FES Việt Nam – đơn vị sở hữu nhãn hàng MacCoffee – Cà phê Phố (thuộc Tập đoàn Food Empire) thưởng đến 10 chiếc ô tô cho các giám đốc kinh doanh. Đây là trường hợp “xưa nay hiếm” vì quà thưởng có giá trị lớn như vậy thường DN chỉ dành 1 – 2 suất để tưởng thưởng cho những nhân viên xuất sắc nhất, vậy mà FES Việt Nam đã thưởng đến 10 suất như vậy cùng lúc.

Không chỉ vậy, công ty này còn tổ chức một buổi lễ tôn vinh nhân viên hoành tráng với sự tham gia của hầu hết các đối tác, khách hàng, nhân viên và cả giới truyền thông. Chương trình không chỉ tạo ấn tượng đẹp với nhân viên FES Việt Nam mà cả với những đối tác có liên quan đến DN này.

Trước đó, vào tháng 1/2016, CT Group cũng đã tặng đến 3 chiếc ô tô Honda cho 3 cá nhân xuất sắc của Tập đoàn và thưởng tiền mặt từ 100 – 200 triệu đồng cho 15 nhân viên khác. Đây là khoản thưởng cuối năm, mỗi tháng và quý trong năm, nhân viên còn được thưởng các tour du lịch trong và ngoài nước, được tặng những chuyến nghỉ dưỡng cho cả gia đình…

Năm năm trước (2011), khi thị trường bất động sản sôi động, CT Group đã từng tạo ấn tượng tốt với người lao động khi cùng lúc tặng 3 ngôi nhà cho những nhân viên có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Tập đoàn.

Không tặng nhân viên những hiện vật giá trị như FES Việt Nam, CT Group nhưng Công ty CP Thế Giới Di Động dùng cổ phiếu để giữ chân nhân tài. Cụ thể, trong tháng 1/2016, Thế Giới Di Động đã dành đến gần 7 triệu cổ phiếu (trị giá hơn 500 tỷ đồng) để thưởng cho hơn 800 nhân viên là những người gắn bó với công ty và đã có những sáng kiến, đóng góp giúp Thế Giới Di Động giữ vững vị trí chuỗi bán lẻ các thiết bị di động số 1 Việt Nam.

Cuối năm 2014, Thế Giới Di Động cũng đã thưởng hơn 5 triệu cổ phiếu (trị giá hơn 500 tỷ đồng) cho 600 nhân viên công ty. Đây là một trong những chính sách giữ người hữu hiệu đã được DN này áp dụng thành công nhiều năm.

Bằng chứng là dù các DN ngành bán lẻ có nhiều biến động về nhân sự nhưng Thế Giới Di Động vẫn ổn định và hiện có hơn 15.000 lao động. Điều này còn nhờ vào cam kết và thực hiện cam kết của lãnh đạo DN: Mang đến cho nhân viên một môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp, ổn định và cơ hội công bằng trong thăng tiến.

Theo các chuyên gia nhân sự, việc DN đưa ra những khoản thưởng lớn không gì khác hơn là để nâng cao hiệu quả lao động, giữ chân nhân tài và phát triển công ty. Theo vị đại diện của FES Việt Nam, Công ty tặng ô tô cho các giám đốc kinh doanh là nhằm ghi nhận sự cống hiến của các thành viên này, đồng thời tổ chức buổi lễ tôn vinh nhân viên là để thể hiện sự quan tâm sâu sắc của ban lãnh đạo đối với toàn thể cán bộ, nhân viên.

Văn hóa doanh nghiệp

Chia sẻ về việc thưởng hiện vật có giá trị lớn, ông Wang Cheow Tân, Chủ tịch Tập đoàn Food Empire cho rằng, sự kiện này khẳng định nền tảng văn hóa doanh nghiệp mà FES đã xây dựng và phát triển trong những năm qua.

Tại FES Việt Nam, người lao động sẽ được sáng tạo không giới hạn, được nuôi dưỡng đam mê. Và, “để duy trì mức tăng trưởng tốt như hai năm qua, chúng tôi chú trọng đến công tác đãi ngộ nhân sự và có chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài. Văn hóa doanh nghiệp là niềm tự hào của chúng tôi”, Chủ tịch Tập đoàn Food Empire nói.

Dù nhiều yếu tố khác như môi trường làm việc, danh tiếng công ty… được đánh giá cao nhưng lương, thưởng và chế độ đãi ngộ bằng vật chất vẫn giữ vai trò quan trọng đối với người lao động.

Báo cáo của mạng việc làm trực tuyến Anphabe và Nielsen công bố hồi giữa tháng 3 năm nay cho thấy, 3 yếu tố quan trọng được người đi làm đề cao trong khảo sát là lương, thưởng, phúc lợi. Theo đại diện Anphabe, xu hướng và động cơ nghề nghiệp của người đi làm đều hướng tới sự ổn định về công việc và thu nhập đảm bảo.

Ngoài những yếu tố trên, văn hóa DN cũng là yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân nhân tài. Đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng các công ty ngành công nghệ thông tin và phần mềm có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam (do Nielsen và Anphabe thực hiện), FPT đã xây dựng một môi trường làm việc năng động, sáng tạo cùng những chính sách đãi ngộ hấp dẫn.

Để mang đến cho mỗi thành viên điều kiện phát triển tài năng và cuộc sống phong phú về tinh thần, FPT đã tổ chức nhiều hoạt động gắn kết nhân viên mang đậm chất “văn hóa FPT” như Ngày Phụ huynh, Ngày đi làm cùng bố mẹ, Hội làng, hội thao, thi Trạng…

Theo Công ty Tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks, thu hút và giữ chân nhân tài phải là chiến lược được thực hiện liên tục, từ khâu tuyển dụng đến đào tạo, gìn giữ và phát huy nguồn nhân lực. Chiến lược này phải được thực hiện lâu dài và xuyên suốt mới có thể giữ được người giỏi và tránh những thiệt hại do sự xáo trộn nhân sự mang lại.

Các nghiên cứu về nhân sự đã chỉ ra rằng, nhân sự chuyển việc gây ra biến động cho hoạt động của công ty và tốn kém về tài chính. Chi phí tuyển dụng một người mới cao gấp 150% lương của nhân viên cũ, chưa kể thời gian để người mới hòa nhập, làm quen với môi trường. Vì thế, việc giữ nhân tài bằng lương, thưởng, chế độ đãi ngộ xem ra vẫn là một trong những giải pháp hay mà DN cần phát huy.

Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không