Kiến thức Tài chính kế toán Nguyên tắc kế toán và những hiểu nhầm về nguyên tắc kế...

Nguyên tắc kế toán và những hiểu nhầm về nguyên tắc kế toán

2045

Phần dưới đây tóm lược 6 điểm hiểu nhầm về kế toán thường gặp (Barth nêu ra trong bài này 9 điểm nhưng ở đây chỉ phân tích 6 điểm nó dễ hiểu – understandability với đa số kế toán Việt hơn):

Trong bài viết của mình đăng trên The Accounting Review năm 2008, Mary Barth, một trong các thành viên Uỷ ban soạn thảo chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) đã chỉ ra một số những hiểu nhầm về kế toán trong khuôn khổ lập và trình bày báo cáo tài chính (Conceptual Framework – CF).

Xem thêm: 7 nguyên tắc kế toán cơ bản đã được thừa nhận

Những khái niệm, nguyên tắc kế toán tài chính

Nguyên tắc kế toán và những hiểu nhầm
9 điểm hiểu nhầm về kế toán

1. Không có “nguyên tắc phù hợp” trong CF.

Điều này có nghĩa là sự phù hợp không phải là kết quả và bản thân sự phù hợp không phải là một cơ sở biện minh chấp nhận được cho việc ghi nhận hay đo lường nợ phải trả. CF giải thích rằng phù hợp liên quan đến việc ghi nhận đồng thời hoặc kết hợp giữa doanh thu và chi phí mà chúng là hệ quả trực tiếp và gắn kết với nhau từ cùng các giao dịch và sự kiện khác.

Sự phù hợp sẽ là kết quả của việc áp dụng chuẩn mực nếu chuẩn mực yêu cầu thông tin kế toán đáp ứng các đặc điểm định tính và các tiêu chuẩn khác trong CF.

Đạt được phù hợp về mặt kinh tế sẽ thường dẫn đến kết quả là phù hợp về mặt kế toán. Tuy nhiên áp dụng khái niệm phù hợp trong CF không cho phép ghi nhận các khoản mục trên Bảng cân đối kế toán không thỏa mãn định nghĩa tài sản hoặc nợ phải trả.

Do vậy sẽ không hợp lý khi trì hoãn việc ghi nhận chi phí mà không đem lại các lợi ích kinh tế trong tương lai hoặc trì hoãn việc ghi nhận thu nhập đối với dòng tiền không dẫn đến làm giảm lợi ích kinh tế trong tương lai.

Một số nghiên cứu cho rằng cách tiếp cận thu nhập/chi phí (với nguyên tắc đi kèm là nguyên tắc ghi nhận doanh thu và nguyên tắc phù hợp) sẽ đem lại thông tin hữu ích hơn cho người sử dụng báo cáo tài chính.

Tuy nhiên các nhà soạn thảo chuẩn mực kế toán (IASB và FASB) xây dựng CF và các chuẩn mực dựa trên cách tiếp cận tài sản/nợ chứ không theo cách tiếp cận thu nhập/chi phí.

2. Chỉ có vài khoản mục trên báo cáo tài chính được báo cáo theo giá gốc.

Tài sản và nợ phải trả thường được ghi nhận ban đầu theo giá được xác lập bởi sự trao đổi, chính là giá gốc của chúng.

Tuy nhiên các khoản mục này được đo lường lại theo các cách thức khác nhau sau thời điểm ghi nhận ban đầu là rất phổ biến. Hiện nay chỉ có các khoản mục về tiền và đất đai do mua sắm là được báo cáo theo giá gốc.

Hầu hết các khoản mục khác đều phản ánh sự thay đổi theo thời gian, các sự kiện, hoặc tình huống kể từ ngày giao dịch xảy ra. Các khoản mục tài sản ngắn hạn và nợ phải trả như hàng tồn kho, phải thu, phải trả nhà cung cấp được phản ánh theo giá gốc nếu chúng không bị giảm giá.

Tuy nhiên khi công ty ghi nhận một khoản tổn thất giảm giá trị hàng tồn kho hay một khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi, các khoản mục này không còn được báo cáo theo giá gốc nữa. Ngoài ra các công ty thực hiện việc trích khấu hao hoặc phân bổ giá trị của các tài sản dài hạn (và đánh giá lại hoặc ghi giảm giá trị của chúng nếu chúng bị tổn thất giảm giá trị – IFRS cho phép áp dụng mô hình đánh giá lại và yêu cầu ghi nhận tổn thất giảm giá trị tài sản), và phân bổ các khoản chiết khấu hoặc phụ trội của trái phiếu.

Họ cũng thực hiện đánh giá lại các công cụ tài chính theo giá trị hợp lý (hiện tại VAS chưa cho phép áp dụng giá trị hợp lý nhưng Luật kế toán 2015 đã cho phép áp dụng giá trị hợp lý, và các công cụ tài chính gần như chắc chắn sẽ áp dụng giá trị hợp lý).

Ghi nhận tổn thất giảm giá trị, phân bổ, khấu hao, đánh giá lại, hoặc các giá trị tái đo lường khác không phải là giá gốc. Vì vậy việc tranh luận giữa việc báo cáo tài chính theo giá gốc hoặc giá trị hợp lý gây ra sự nhầm lẫn và làm cho vấn đề trở lên rối.

Một số học giả cho rằng đo lường và báo cáo theo nguyên tắc giá gốc sẽ đem lại thông tin đáng tin cậy hơn so với giá trị hợp lý, và giá trị hợp lý có thể làm cho các cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ hơn.

Tuy nhiên Ủy ban soạn thảo chuẩn mực ủng hộ giá trị hợp lý hơn và giá trị hợp lý ngày càng lấn át giá gốc trong ghi nhận và đo lường các yếu tố của báo cáo tài chính trong các chuẩn mực của IASB/FASB.

3. Bảo thủ (hay thận trọng – conservatism) không phải là một điểm định tính (đặc tính chất lượng) của thông tin kế toán.

Thay vào đó, CF chỉ ra rằng không tin kế toán cần không được thiên lệch. Không thiên lệch là một đặc tính quan trọng của tính đáng tin cậy và sự trung lập (neutralilty).

Thận trọng (prudence) mà một đặc tính chất lượng trong CF. Tuy nhiên CF giải thích rằng thận trọng là sự cân nhắc một cách cẩn trọng trong việc đưa ra các xét đoán cần thiết trong việc thực hiện các ước tính theo yêu cầu trong điều kiện không chắc chắn, và chính vì vậy tài sản hoặc thu nhập không được báo cáo thấp và nợ phải trả hoặc chi phí không được báo cáo thấp.

Điều này là bởi nếu sự bảo thủ được thực hiện, báo cáo tài chính sẽ không còn trung lập, và do đó, không đảm bảo tính đáng tin cậy.

Trong phiên bản CF 2010 của IASB thì thận trọng (prudence) không được đưa vào vì IASB cho rằng như vậy là không hợp lý, nó trái với đặc tính trung lập. Tuy nhiên dự thảo CF hiện hành thì IASB lại đưa đặc điểm thận trọng vào và nói rằng thận trọng sẽ làm căn cứ cho sự trung lập, và thận trọng được hiểu thực hiện sự cẩn trọng trong việc đưa ra các xét đoán trong điều kiện không chắc chắn.

4. Tính đáng tin cậy không phải là sự chính xác hoặc hoặc có thể kiểm chứng được.

CF nói rằng “thông tin có tính đáng tin cậy khi chúng không có các sai sót trọng yếu và thiên lệch và có thể phụ thuộc vào người sử dụng dể phản ánh trung thực nhất những gì mà chúng cần phản ánh hoặc được kỳ vọng rằng cần phản ánh”. Chính vì vậy tính đáng tin cậy sẽ dẫn đến sự trình bày trung thực, chứ không phải chính xác.

5. Báo cáo kết quả kinh doanh không phải kém quan trọng hơn Bảng cân đối kế toán.

Một số người tin vào điều này vì CF định nghĩa các yếu tố của báo cáo tài chính gắn liền với định nghĩa về tài sản và nợ phải trả. Thu nhập và chi phí được định nghĩa theo sự thay đổi của tài sản và nợ phải trả.

Tuy nhiên sự tập trung vào tài sản và nợ phải trả – các khoản mục của Bảng cân đối kế toán – không phải bởi vì chúng quan trọng hơn thu nhập và chi phí.

Thay vào đó, bởi vì các nhà xây dựng chuẩn mực không thể không thể xác định một khái niệm nhất quán và cách thức định nghĩa có hiệu lực trong việc định nghĩa và đo lường thu nhập và chi phí, và do đó là lợi nhuận và lỗ.

6. Chuẩn mực báo cáo tài chính không nhằm mục đích cung cấp thông tin cho các bên tham gia vào hợp đồng với công ty mà các đối tượng này có thể yêu cầu công ty cung cấp thông tin mà họ cần cho việc ra quyết định của họ.

Ví dụ nhiều hợp đồng vay nợ chỉ định các báo cáo bổ sung mà công ty cần cung cấp cho các chủ nợ và chỉ rõ cách thức để xác định các dữ liệu kế toán mà hợp đồng vay nợ đó sử dụng. Khuôn khổ chỉ rõ rằng những người cung cấp tài chính bên ngoài không có quyền yêu cầu các thông tin mà họ là những người sử dụng chủ yếu của báo cáo tài chính vì mục đích chung.

CF xác định người sử dụng chủ yếu của báo cáo tài chính vì mục đích chung là các nhà đầu tư và các nhà cấp tín dụng hiện tại và tiềm năng.

7. Các chuẩn mực dựa trên nguyên tắc (principles-based) không nhất thiết là phải ít khắt khe hơn so với các chuẩn mực dựa trên quy tắc (rules-based).

8. Các chuẩn mực dựa trên quy tắc không nhất thiết dẫn đến việc tăng khả năng so sánh được.

9. Các khoản mục không được ghi nhận ban đầu trong thu nhập toàn diện khác (other comprehensive income – OCI) bởi vì chúng có các đặc tính cụ thể.

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không