Dạo gần đây tôi liên tục nhận được nhiều cuộc điện thoại từ các head hunter. Có những lời mời ứng tuyển rất hấp dẫn với chức danh cao hơn, mức lương cạnh tranh hơn hay chế độ đãi ngộ tuyệt vời hơn. Thành thật mà nói công ty tôi đang làm việc không có những phúc lợi hấp dẫn như vậy nhưng lại cho tôi những điều mà đối với tôi chúng quan trọng hơn cả mức lương hay phúc lợi nào khác. Chính những yếu tố này giữ chân tôi lại nơi đây suốt gần 3 năm qua. Vì vậy, dù những lời chào đón từ các head hunter nghe thích thật và nhiều người cho rằng tôi đang đánh mất những cơ hội tốt trong sự nghiệp nhưng tôi vẫn quyết định từ chối để tiếp tục gắn bó với công việc hiện tại.
Qua bài viết này, tôi muốn chia sẻ với các nhà nhân sự, những người lãnh đạo hay bất cứ ai đang ở vai trò quản lý đội nhóm những bí quyết giữ chân nhân viên. Tôi tin chắc rằng đây là những yếu tố then chốt giúp thu phục bất kỳ nhân viên nào. Xuất phát từ chính những nhu cầu tâm lý, hãy để cho nhân viên của bạn cảm thấy họ không phải là một người làm công ăn lương vì chẳng ai muốn mình chỉ là một công cụ. Một nhân viên sẽ cảm thấy gắn kết với tổ chức khi bạn mang lại cho họ 4 cái “được” sau.
Được hòa nhập trong tập thể
Tôi đã không thể “chịu đựng” được công việc trước đây của tôi quá 6 tháng vì hoàn toàn bị tách biệt khỏi tập thể team. Không phải tôi không cố gắng hòa nhập nhưng những “ma cũ” luôn tạo khoảng cách khiến tôi lúc nào cũng có cảm giác ở ngoài cuộc. Sếp thì có lẽ quá bận nên để tôi tự bơi trong suốt thời gian đó.
Trái ngược hoàn toàn với công ty cũ, khi tôi gia nhập team hiện tại, tôi ngay lập tức hòa nhập với mọi người. Những buổi ăn trưa, những cuộc trao đổi, những hoạt động trong công ty cho tôi cảm giác được chào đón và sẵn sàng hòa nhập.
Vì vậy, nếu team bạn có một nhân viên mới, hãy đảm bảo là họ có cảm giác này trong thời gian nhập môn vì nền tảng phát triển sự gắn kết giữa một cá nhân với một tập thể xuất phát từ cả hai bên. Sai lầm của nhiều nhà quản lý là để mặc cho nhân viên mới tự bơi trong khi họ có nhu cầu được tìm hiểu về văn hóa, cách làm việc trong team, cách làm việc với các phòng ban khác,… Đây là nỗ lực từ cả hai phía, nhân viên và tập thể.
Được là chính mình
Sự gắn kết giữa hai bên không thể kéo dài nếu một trong hai bên không được tự do thể hiện bản thân mình. Hãy chấp nhận một thực tế rằng mỗi người đều có một tính cách riêng, những quan điểm sống riêng. Chính sự đa dạng tính cách, cách giải quyết công việc giữa các thành viên trong team tạo nên sắc màu phong phú mang lại những ý tưởng đột phá và sáng tạo trong công việc. Không có một nhà quản lý nào lại không thuê cả 2 nhân viên nếu họ xử lý công việc giống nhau hay đề xuất giải pháp giống nhau.
Anh ấy là người đồng tính hay chị ấy là drama queen. Điều này thì đã sao nếu họ đều là những nhân viên tài năng? Hãy để cho nhân viên được tự do được là chính mình, được thể hiện bản thân theo cách mà mình mong muốn, được thoải mái đề xuất ý kiến và quan điểm của họ. Sự khác biệt là cơ sở cho những phát kiến vĩ đại.
Được thoải mái làm việc
Team tôi rất may mắn được quản lý dưới một anh Sếp vừa tài năng vừa biết cách “chiều” nhân viên. Miễn là hoàn thành tốt công việc và đạt chỉ tiêu đề ra, chúng tôi có thể thoải mái nghỉ phép có lương. Không quy định thời gian có mặt văn phòng, không ràng buộc số ngày nghỉ phép, không giám sát chi li. Bạn càng tạo cảm giác thoải mái ở văn phòng, nhân viên càng được tự do và trở nên cam kết hơn.
Đó cũng là lý do mà nhiều công ty áp dụng chính sách thời gian làm việc linh động cho phép nhân viên tự giác lên kế hoạch làm việc của mình. Hoặc tại nhiều công ty công nghệ, nhân viên làm việc từ xa ở nhiều nước khác nhau nhưng hiệu quả làm việc vẫn rất cao. Tinh thần trách nhiệm và khả năng quản lý thời gian làm việc từ đó tăng lên.
Được thử thách bản thân
Tôi thực sự phải cảm ơn người Sếp hiện tại của team vì anh đã giúp chúng tôi thấy mình có thể làm được nhiều như thế nào. Từ khi anh lãnh đạo team, chúng tôi có hàng chục dự án mới, tăng chỉ tiêu liên tục, hàng loạt những yêu cầu cải tiến khiến khối lượng công việc tăng lên chóng mặt với yêu cầu ngày một tăng dần. Anh luôn cố gắng đẩy chúng tôi đến giới hạn khả năng cao nhất có thể. Chính những thử thách giúp chúng tôi học hỏi và phát triển được rất nhiều từ chuyên môn, kỹ năng đến kinh nghiệm. Quan trọng hơn, chúng tôi biết được khả năng mình có thể làm được những điều gì.
Thực tế, đối với bất kỳ nhân viên nào, sự hứng thú trong công việc sẽ giảm dần sau khoảng 1 năm làm việc khi mọi thứ đã trở nên quen thuộc và dần đi vào lối mòn. Để giữ được lửa đam mê trong công việc, nhân viên cần được trao những thử thách mới, những nhiệm vụ to lớn hơn. Đó có thể là những dự án mới, những chỉ tiêu cao hơn năm trước hay bất kỳ điều gì khiến họ cảm thấy bản thân phải tiếp tục cố gắng. Là một nhà quản lý, đừng bao giờ để nhân viên cảm thấy ngày này trôi qua cũng như bao ngày khác.
Lời kết:
Chính sự đa dạng tính cách trong team mà tôi nói ở trên nên sự bất đồng hay mâu thuẫn trong công việc là điều không tránh khỏi. Chính những thử thách quá lớn khiến chúng tôi đôi lúc mệt mỏi. Nhưng rồi chính sự gắn kết, cảm giác thoải mái, sự lắng nghe giúp chúng tôi lại hòa nhập với nhau trở lại, động viên nhau và càng gắn bó hơn trước. Tôi dám chắc rằng nếu bạn xây dựng được một đội ngũ hay một tổ chức mà trong đó bất kỳ thành viên nào cũng cảm thấy 4 điều trên thì không một đối thủ nào có thể giành lấy họ từ bạn.
Theo Hrinsider