Kiến thức Đãi ngộ Đổi việc, tăng lương và những chiếc “bẫy” tài chính

Đổi việc, tăng lương và những chiếc “bẫy” tài chính

5

Chúng ta thường rất hứng thú khi nhận một công việc mới, bởi sau một thời gian thực hiện công việc quen thuộc, việc chọn đối đầu với thử thách mới luôn đi kèm với mức lương mới và điều kiện làm việc mới đáng mong đợi.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Tuy nhiên, theo John Rampton – nhà đầu tư người Mỹ, một chuyên gia về marketing online, người sáng lập công ty thanh toán trực tuyến Due, đồng thời vừa được vinh danh trong Top 50 người có ảnh hưởng đến thế giới trực tuyến của Entrepreneur Magazine, thì sự lạc quan mà một công việc mới mang lại đôi khi có thể làm hại đến kế hoạch tự do tài chính của bạn, cụ thể là gây ra 5 quyết định tài chính sai lầm phổ biến dưới đây:

1. Mua ngay những sản phẩm đắt giá

Từ “mới” luôn tạo ra sự hào phóng trong chi tiêu. Theo huyền thoại quảng cáo David Ogilvy – người sáng lập Công ty Ogilvy & Mather, tác giả quyển Lời tự thú của một bậc thầy quảng cáo, thì con người luôn có xu hướng thích những điều mới mẻ, như thông tin về sản phẩm mới, cách sử dụng mới cho sản phẩm cũ, hay cải tiến mới cho một sản phẩm lỗi thời. Cũng vì thế, hai từ quyền năng nhất thường được nhà quảng cáo sử dụng triệt để nhằm thu hút người tiêu dùng trong các chiến lược quảng cáo và marketing, chính là “miễn phí” và “mới”.

Còn gì tuyệt vời hơn việc bắt đầu chặng đường mới hay ăn mừng mức lương mới bằng việc mua một chiếc đồng hồ xịn, một chiếc xe, hoặc một ngôi nhà mới để “làm mới” bản thân, dù trong tài khoản của bạn không đủ để chi trả? Tất nhiên, quyết định mua sắm kéo theo nợ nần như vậy luôn là thảm họa cho bất cứ một kế hoạch tài chính cá nhân nào.

2. Thẻ tín dụng

Khi bạn được tăng lương, ngoài bạn và gia đình bạn vui vẻ, còn có một “người” khác, đó chính là những… tấm thẻ tín dụng. Bạn sẽ được tăng hạn mức vay nợ hoặc được nhận những ưu đãi “mới” nhằm giúp bạn thỏa sức mua sắm và chi tiêu, được tiếp cận những dịch vụ tốt hơn. Điều này có thể khiến bạn thay đổi cách sử dụng thẻ và phải đối mặt với những rủi ro tài chính mà trước đây chưa từng mắc phải.

Vì vậy, theo John Rampton, bạn phải luôn kiên định với tỷ lệ chi tiêu trong thẻ tín dụng của mình, bất kể bạn có vừa trở thành CEO của Apple đi chăng nữa. Đừng vì bất cứ điều gì mà kéo dài thời gian chi trả để biến nợ thành nợ quá hạn hay sử dụng thẻ để chi tiêu những thứ không cần thiết.

3. Đánh giá đúng tầm quan trọng của thuế

Giới tài chính hay nói vui, trên đời này trừ cái chết và… thuế ra, thì không gì là chắc chắn. Khi có một công việc mới và có khoản thu nhập tăng cao, bạn cũng cần hiểu rõ những khoản thuế mà mình phải nộp tương ứng.

Ở nước ta, chỉ tính riêng thuế thu nhập cá nhân hiện đã được chia ra làm 7 bậc, với mức thuế suất từ 5% cho đến 35% mức thu nhập. Ngoài ra, những công việc không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng có tổng mức thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên đều phải khấu trừ mức thuế thu nhập 10%. Những hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân có thể bị phạt số tiền gấp hai lần số tiền “nợ”.

Do đó, khi bạn có một công việc mới và một mức thu nhập mới, những chuyên gia tài chính khuyên rằng tốt hơn hết, bạn hãy hiểu rõ những khoản thuế tăng thêm, đừng để cảm giác hưng phấn che mờ đi những “phép tính” mà bạn buộc phải nhớ.

4. Cân bằng thu – chi

Sai lầm phổ biến nhất đó là việc chúng ta quên sửa đổi và cân bằng chính sách chi tiêu của mình. Khi đến một môi trường làm việc mới, quen biết đồng nghiệp mới, xây dựng mối quan hệ mới, cán cân thu – chi của chúng ta sẽ bị “lệch” đi rất nhiều.

Có người mất vài tuần để hòa nhập, nhưng cũng có người mất cả năm, thậm chí là bận bịu với công việc mới tới nỗi quên luôn cả việc cân bằng cán cân thu – chi, hậu quả là tình hình tài chính nhanh chóng bị mất kiểm soát.

Theo John Rampton, đừng bao giờ quên lý do bạn muốn có một công việc mới, môi trường mới, mức lương mới. Nếu đó là vì sự độc lập tài chính, thì luôn nhớ phải theo dõi và cân bằng các khoản thu chi hằng tháng của mình.

5. Xác định lại các khoản mục đầu tư và quỹ khẩn cấp

Cuối cùng, nếu có thể, hãy luôn tạo ra sự linh hoạt và trạng thái phản ứng kịp thời với các kế hoạch, cơ hội đầu tư mới. Bởi bạn vừa thay đổi môi trường làm việc, nên không chỉ cơ hội trong công việc, mà cả cơ hội trong đầu tư, kinh doanh cũng sẽ đến.

Nếu bạn cảm thấy tự tin, đừng quá cứng nhắc. Biết đâu được, một quyết định hùn vốn mở nhà hàng, mua bất động sản với đồng nghiệp mới, có thể là một quyết định đầu tư mang về cho bạn tỷ suất lợi nhuận gấp nhiều lần so với việc bạn đang chật vật đầu tư qua các kênh như chứng khoán hay vàng.

Bên cạnh đó, khi những cơ hội mới tới, rủi ro mới cũng sẽ xuất hiện. Bạn nên cân đối lại các quỹ khẩn cấp của bản thân, tăng hoặc giảm những khoản tiền dự phòng cho các trường hợp xấu nhất có thể xảy ra cho phù hợp với thu – chi và mức độ rủi ro mới của mình.

Theo DNSG

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không