Kiến thức Đãi ngộ Nhiều khi muốn chỉ vào mặt sếp và nói “ông làm sếp...

Nhiều khi muốn chỉ vào mặt sếp và nói “ông làm sếp tôi hơi lâu rồi đấy”? Đừng vội, hãy bình tĩnh lại và đọc bài viết này

20
“Với kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng, điều các bạn trẻ làm việc trong môi trường startup đang thiếu chính là sự đồng cảm”.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Ra trường, tham gia vào một startup công nghệ, Minh Quân thực sự yêu thích công việc của mình, cho tới khi sếp cũ của anh chuyển sang một đơn vị khác.

“Có cảm giác, sếp mới hầu như ghét tất cả mọi người trong bộ phận. Thái độ thì xa cách, chỉ chăm chăm tới tiểu tiết và gạt phắt đi mọi ý tưởng không ưng ý. Chỉ trong vòng 12 tháng, già nửa số đồng nghiệp cũ trong nhóm của tôi đã phải bỏ việc”, Minh Quân chia sẻ.

Ban đầu, Minh Quân cho rằng, mình nên nỗ lực để lấy được lòng tin của sếp mới, anh xin ý kiến nhiều hơn, nhờ sếp hướng dẫn nhiều hơn. Thế nhưng, phản ứng từ sếp là “không có gì”.

Dù đã cố gắng rất nhiều, nhưng mối quan hệ giữa anh và sếp gần như không có tiến triển. Trong một lần nọ, anh quyết định trao đổi với phòng nhân sự về sếp mình, nhưng kết quả cũng chẳng mấy thay đổi.

“Không ai dám lên tiếng, cũng chẳng sếp lớn nào khó chịu với anh ta, ngược lại, bộ phận của chúng tôi vẫn hoạt động tốt. Do đó, công ty không thể can thiệp”, Minh Quân giải bày.

Sau cuộc nói chuyện này, anh ngày một chán nản, hầu như không thể tập trung vào công việc của mình. Anh than thở: “Điều duy nhất tôi muốn làm là hét vào mặt lão sếp: “Ông làm sếp tôi hơi lâu rồi đấy!”, rồi nghỉ việc cho nhẹ nợ”.

Câu chuyện của Minh Quân không phải là hiếm gặp, nó xảy ra thường xuyên. Nhất là trong môi trường startup – nơi cần có sự thấu hiểu giữa các thành viên trong nhóm, người trẻ có thể bỏ việc bất kì lúc nào nếu không làm việc ăn ý với sếp.

Quay ngược lại câu chuyện, giả sử anh chàng Minh Quân đã hoàn thành mọi nghĩa vụ, trách nhiệm với startup nhưng mối quan hệ giữa sếp và nhân viên không được cải thiện, vậy phải chăng anh đã đen đủi gặp phải sếp tồi?

Trên thực tế, nhân viên làm thuê thường có xu hướng kể tội sếp, từ việc quản lý tiểu tiết, bắt nạt cấp dưới, tranh công, thích đổ lỗi, giấu nhẹm thông tin cho riêng mình, cho tới không biết lắng nghe, không biết làm gương, không biết phát triển nhân sự. Những hành vi như vậy khiến cho cấp dưới như chán nản và làm việc kém hiệu quả.

Tuy nhiên, dù sếp có “tồi” như thế nào, biết cách quản lý mối quan hệ với sếp lại là một phần cực kỳ quan trọng trong công việc của một nhân viên.

Khi được nghe kể về câu chuyện của Minh Quân, một nữ founder startup hoạt động trong lĩnh vực TMĐT cho hay:

“Các bạn trẻ hoàn toàn có thể làm thay đổi mối quan hệ với sếp. Nhưng phải đúng cách. Nên nhớ, sếp luôn phải chịu áp lực. Có thể họ không hề xấu, mà áp lực công việc khiến họ khó tính, khắc nghiệt hơn trong mắt nhân viên. Thay vì lúc nào cũng săm soi sếp, tại sao các bạn trẻ không đặt ra câu hỏi sếp hành xử như vậy là vì lý do gì?”.

Với kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng, điều các bạn trẻ làm việc trong môi trường startup đang thiếu chính là sự đồng cảm.

“Nếu bạn có thể đồng cảm với những khó khăn của người khác, họ cũng sẽ đồng cảm lại với bạn. Quan trọng là cách thể hiện ra thế nào thôi”, nữ founder này khẳng định.

Chị cho biết, trước khi quyết định startup, chị cũng từng là người đi làm thuê cho một doanh nghiệp lớn. Từng có lúc, chị cảm thấy rất chán nản vì mối quan hệ giữa mình và sếp chẳng ra gì, không quan tâm, không hỗ trợ, không động lực làm việc… Tuy nhiên, một ngày kia chị được đồng nghiệp cũ bày cách thử đặt mình vào vị trí của sếp hiện tại.

“Lãnh đạo của tôi lúc đó là người rất khắt khe, chi li và tỉ mỉ tới từng chi tiết. Điều này khiến nhân viên cảm thấy bị áp lực, ngột ngạt. Thế nhưng tới khi thực sự hiểu được những gì anh ấy đang làm, tự nhiên mình cảm thấy thông cảm. Nếu mình chịu áp lực một thì áp lực của họ là mười, quá nhiều dự án chạy song song khiến họ khó thể hiện thái độ ân cần, chăm sóc như một nhân viên mới làm mong muốn”, nữ founder chia sẻ.

Cũng cần nói thêm, thể hiện sự đồng cảm là việc rất tế nhị, cần biết chờ đúng thời điểm.

“Nhiều bạn trẻ khăng khăng rằng, đã tìm mọi cách nói chuyện với sếp nhưng không cải thiện được mối quan hệ, tôi cho là chưa đúng. Bước đầu tiên là đồng cảm, bước thứ hai là thể hiện ra sự đồng cảm đó.

“Đó có thể là khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa những dự án, lúc sếp có thời gian lắng nghe ý kiến của bạn. Hãy nhớ, họ đang có quá nhiều việc phải lo thì chẳng bao giờ thèm lắng nghe bạn đâu. Chọn đúng thời điểm là chìa khóa then chốt”.

Tất nhiên, nếu chỉ chờ sếp đáp lại thôi chưa đủ, bản thân nhân viên cũng cần tự vấn lại chính mình, tìm xem mình có điểm gì chưa đúng. Cách đơn giản nhất đó là hỏi ý kiến đồng nghiệp, cân nhắc thay đổi cách tiếp cận sao cho phù hợp.

Cuối cùng, trong trường hợp đã thử mọi phương án nhưng mối quan hệ vẫn không thể cải thiện, hãy chấp nhận một sự thật đó là sếp ghét bạn. Đến lúc đó, phương án tối ưu nhất có lẽ là ra đi tìm “miền đất mới”.

Theo Trí Thức Trẻ

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không