Trong Nghị quyết số 27/2016/QH14 về dự toán ngân sách Nhà nước do Quốc hội ban hành có nội dung liên quan tới việc tăng lương cơ sở, đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công.
Cụ thể, theo Nghị quyết, từ ngày 1/7 tới đây, các cán bộ, công nhân viên sẽ được điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công cũng được tăng bằng với mức lương cơ sở.
Quốc hội giao các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương trên cơ sở dự toán ngân sách Nhà nước được giao tự cân đối để bố trí nguồn tăng mức lương cơ sở.
Ngân sách trung ương phải đảm bảo kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công theo Nghị quyết mới; hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho địa phương khó khăn không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ.
Lương cơ sở là mức lương được dùng làm căn cứ để tính các mức lương trong bảng lương, các mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác liên quan tới thu nhập của người lao động.
Như vậy, việc tăng lương cơ sở tới đây sẽ là căn cứ để tăng lương, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khác cho người lao động…
Trước đó, Bộ Nội vụ đã có ý kiến rằng mức lương cơ sở cũ (1,21 triệu đồng) mới chỉ bằng 41,4% bình quân mức lương tối thiểu vùng năm 2016 là 2.925.000 đồng/tháng đối với khu vực doanh nghiệp và đạt 36,6% bình quân mức nhu cầu sống tối thiểu 3.308.000 đồng/tháng.
Như vậy, so với thu nhập tối thiểu của khu vực doanh nghiệp, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang vẫn thấp hơn rất nhiều.
Lương cơ sở được điều chỉnh tăng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng nhưng so với các lao động trong lĩnh vực và khu vực kinh tế khác, thu nhập cán bộ, công nhân, viên chức vẫn thấp hơn rất nhiều.
Theo zing