Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hơn 2,3 triệu người chết mỗi năm do tai nạn lao động hoặc các bệnh liên quan đến nghề nghiệp, một số liệu quá khủng khiếp khi gấp tới 20 lần số người chết trong các cuộc xung đột vũ trang trên toàn thế giới năm 2015 – khoảng 167.000 (theo số liệu điều tra về xung đột vũ trang mới nhất của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS).
Bên cạnh số lượng đáng kinh ngạc này, mỗi năm có 313 triệu vụ tai nạn nghề nghiệp xảy ra dẫn đến sự vắng mặt kéo dài trong công việc.
Tổ chức ILO ước tính rằng chi phí hằng năm của nền kinh tế thế giới chỉ dành riêng cho tai nạn nghề nghiệp và các bệnh liên quan đến nghề nghiệp là tới 3 nghìn tỷ USD. Thêm vào đó, một báo cáo gần đây cho thấy 3,2 tỷ công nhân đang cảm thấy bất an do phần lớn phải đối mặt với tình trạng bất ổn của nền kinh tế: 77% làm việc bán thời gian, tạm thời, “việc nguy hiểm” hoặc không có lương.
Hơn nữa, lực lượng lao động ngày càng già và không đủ sức khỏe: 52% thừa cân hoặc béo phì, và 38% bị áp lực quá mức trong công việc.
(Nguồn: Global Wellness Institute)
Ngoài các chi phí xã hội và nhân công cho các vấn đề sức khỏe và thương vong, gánh nặng kinh tế bị tích lũy do sức khỏe toàn diện kém (cả về thể chất và tình thần) tại nơi làm việc là rất lớn cho cả các doanh nghiệp và nền kinh tế toàn cầu. Điều này đặc biệt đúng khi tổn thất về năng suất được cộng thêm vào chi phí y tế trực tiếp.
Khi lực lượng cảm thấy không khỏe về thể chất hoặc tinh thần, thì chi phí của nó đối với nền kinh tế thế giới là từ 10 đến 15% tổng GDP toàn cầu. Riêng tại Mỹ, các chân thương, bệnh tật và căng thẳng liên quan đến công việc và cảm giác không gắn bó với công việc của người lao động dẫn đến sự mất mát ước tính hơn 2,2 nghìn tỷ USD/năm.
(Nguồn: Global Wellness Institute)
Vào năm 2013, Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đã giới thiệu một báo cáo chỉ ra tầm quan trọng và ý nghĩa kinh tế của việc chăm sóc sức khỏe cho lực lượng lao động:
“Người sử dụng lao động có trách nhiệm rất lớn trong việc nuôi dưỡng sự bền bỉ của nhân viên; có những dẫn chứng rõ ràng một lực lượng lao động khỏe mạnh đóng vai trò quan trọn cho sự cạnh tranh, năng suất, và phúc lợi của cả một quốc gia. Hơn 50% dân số dành phần lớn thời gian làm việc, vì vậy nơi làm việc đưa ra một cơ hội đặc biệt để nâng cao nhận thức, cũng như hướng dẫn và khuyến khích các cá nhân phát triển một lối sống khỏe mạnh hơn. Điều này có thể có hiệu ứng cấp số nhân, khi những người đi làm sẽ đưa lối sống lành mạnh này vào trong gia đinh và cộng đồng của họ.”
Nguyên nhân của vấn đề về an toàn và sức khỏe đa dạng tùy theo từng ngành nghề. Ví dụ, trong nền kinh tế đô thị, xấp xỉ 1/6 tai nạn lao động chết người được báo cáo trên toàn thế giới xảy ra trong ngành xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu là do bản chất nguy hiểm của chính ngành này, những vị trí đầy thách thức của các công trình xây dựng, môi trường làm việc thay đổi và tốc độ thay thế lao động cao. Ngoài ra còn có các vấn đề sức khỏe liên quan đến hoạt động xây dựng, chẳng hạn như rối loạn cơ xương và tiếp xúc với các hóa chất độc hại như amiăng có trong tấm cách nhiệt, sàn, mái ngói…
Theo Trí Thức Trẻ