Chắc hẳn khi đã đi làm thuê, thì ai cũng biết cấp trên trực tiếp chính là người tạo hình cho mối quan hệ của bạn với công việc.
Nếu sếp bạn tử tế, thì đây có thể trở thành một công việc tuyệt vời dù đây không phải công việc mơ ước của bạn. Nếu sếp bạn tồi tệ, thì dù bạn có thích làm việc đến đâu – rốt cuộc bạn cũng sẽ ghét công việc này.
Chính quyền lực mà sếp bạn nắm giữ khiến họ trở thành người quan trọng nhất trong công việc của bạn, tất nhiên khi bạn vẫn còn làm việc dưới quyền họ.
Thật không may, có rất nhiều nhà quản lý tồi và chắc hẳn bạn đã gặp phải không ít.
Một trong những vấn đề lớn nhất khi đi làm là mức độ sợ hãi của nhân viên ở nơi làm việc. Họ phải nem nép giữ mình để tránh gặp rắc rối, thay vì năng nổ nhiệt tình giải quyết các vấn đề hóc búa với các đồng nghiệp.
Nếu bạn không thể tin tưởng cấp trên, thì bạn không thể giữ được ngọn lửa nhiệt tình. Bạn không thể nói lên những gì mình nghĩ, vì sợ rằng sếp sẽ không thích những điều bạn nói.
Nếu bạn ở trong tình huống đó, thì đã đến lúc cần phải nghĩ về bước đi sắp tới trong con đường sự nghiệp của mình.
Nếu sếp bạn có 5 yếu tố này, hãy thận trọng kẻo có ngày lâm nguy – Ảnh 1.
Nếu bạn còn chưa chắc chắn liệu sếp mình có còn đáng để đặt niềm tin hay không, thì dưới đây là 5 dấu hiệu giúp bạn đưa ra quyết định:
1. Nếu sếp bạn phàn nàn với bạn về các đồng nghiệp khác hoặc về một quản lý ở cấp cao hơn, thì họ không đáng tin. Bất kỳ ai nói xấu người khác với bạn cũng sẽ dễ dàng nói xấu bạn khi có cơ hội.
2. Nếu sếp bạn bị ám ảnh bởi thời gian làm việc và rất chú ý đến thời gian đến và rời công sở của nhân viên, thì họ không đáng tin. Nếu một quản lý coi trọng thời gian làm việc hơn kết quả công việc, thì sớm hay muộn họ cũng sẽ đưa ra những đánh giá sai về năng lực và cống hiến của nhân viên.
Và sự không công bằng phát sinh từ những nhận xét của cấp trên có thể là nguyên nhân dẫn đến mất đoàn kết – tác nhân làm giảm hiệu suất công việc hàng đầu trong các doanh nghiệp.
3. Nếu sếp bạn sợ những quản lý cấp cao hơn, thì họ không đáng tin. Một người như vậy luôn bị nỗi sợ hãi bao trùm, và một người sống trong sợ hãi thì không tin tưởng được. Vì nỗi sợ sẽ khiến họ làm những việc mà một người tự tin sẽ không bao giờ làm – chẳng hạn như đem người khác ra làm vật thế mạng để cứu lấy chính mình.
4. Nếu sếp bạn cần phải tìm được một người để đổ lỗi mỗi khi có chuyện xảy ra, thì họ không đáng tin. Nhiều quản lý đã gặp phải vấn đề này. Họ không thể chịu được áp lực phải gánh lấy trách nhiệm cho bộ phận của mình. Khi có chuyện xảy ra, họ phải tìm được một con tốt thí. Họ lên tiếng quát mắng hoặc viết thư xỉ vả nhân viên dưới quyền để cảm thấy đỡ stress. Dù cho sếp bạn có thân thiện đến đâu khi không phải chịu áp lực, thì bạn cũng không thể mặc định là mình có thể tin họ khi áp lực đối với họ tăng lên.
5. Nếu sếp bạn bị ám ảnh bởi mục tiêu và các thước đo, thì bạn không nên đặt niềm tin vào họ. Những chỉ số định lượng chỉ là một phần của một cấu trúc quản lý hiệu quả. Những quản lý quá quan tâm đến việc đạt được mục tiêu từng ngày sẽ không có tố chất để lãnh đạo nhờ sự tin tưởng.
Nếu sếp bạn có 5 yếu tố này, hãy thận trọng kẻo có ngày lâm nguy – Ảnh 2.
Nếu không thể tin tưởng sếp của mình thì cũng đừng hoảng sợ. Bạn không nhất thiết phải đi tìm việc mới ngay lập tức, nhưng có thể bắt đầu nghĩ về những gì mình muốn và cần trong một công việc – những thứ mà bạn không có được ở công việc hiện tại.
Theo Trí Thức Trẻ