Kiến thức Marketing Doanh nghiệp nhỏ và vừa gian nan tìm kênh phân phối

Doanh nghiệp nhỏ và vừa gian nan tìm kênh phân phối

7
Không ít doanh nghiệp Việt nhờ xây dựng thương hiệu thành công mà sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến, thậm chí đã xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, để được vậy, họ cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, đặc biệt là từ các kênh phân phối.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Chia sẻ về thực trạng kinh doanh tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay, TS. Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu, đặc biệt khi sức tiêu thụ của thị trường giảm sút, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chủ động thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng do chưa được người tiêu dùng biết tới, chưa có vốn đầu tư sản xuất, quảng bá thương hiệu, chưa mở rộng được kênh phân phối…

Hành trình nhiều chông gai

Chẳng hạn, Trà Hùng Thái đã gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Ông Đỗ Mạnh Hùng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Hùng Thái cho biết: “Những ngày đầu thành lập doanh nghiệp, chúng tôi không biết quảng bá, xây dựng thương hiệu như thế nào, các tiêu chuẩn bao bì sản phẩm ra sao cho phù hợp. Đã vậy, hàng làm ra còn bị nhái nên gặp không ít khó khăn. Muốn tồn tại, không gì khác hơn là phải làm phong phú sản phẩm và “gõ cửa” các siêu thị”.

Trong khi đó, Long Triều là cơ sở sản xuất nhỏ nhưng với sản lượng tiêu thụ ở mức 10 – 11 tấn cà phê rang xay mỗi tháng là ao ước của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Không chỉ hiện diện ở các quán cà phê, sản phẩm của Long Triều bắt đầu có mặt ở kênh phân phối siêu thị.

Để có được vị thế này, Long Triều đã rất vất vả trong việc xây dựng thương hiệu. Ông Nguyễn Xuân Tồn – Chủ cơ sở cà phê Long Triều cho biết, nhà có quán cà phê, để có nguồn hàng ổn định về chất lượng, ông đã tự sản xuất cà phê rang xay làm sẵn. Nhiều người uống cà phê ông làm thấy ngon nên đặt hàng, dần dần gia đình ông trở thành cơ sở sản xuất cà phê rang xay bỏ mối cho khách.

Thế nhưng, “trong một thời gian dài khách mua hàng chỉ biết tên tôi chứ không hề biết tên sản phẩm mà tôi đang bán. Từ đó tôi bắt đầu nghĩ sản phẩm của mình phải có thương hiệu để khách hàng nhận diện chứ chỉ bán dựa vào việc quen mặt thì khó mà phát triển. Và vì không biết cách làm thương hiệu nên tôi lấy tên 2 người con là Long, Triều đặt tên cho sản phẩm và xin tranh vẽ của người bạn làm logo”, ông Tồn chia sẻ về cách làm thương hiệu của mình.

Sau khi đã tạo thương hiệu và logo, ông Tồn bắt đầu phát triển sản phẩm và mang hàng đi bán ở kênh phân phối. Do đã có mối quen từ trước nên việc đưa hàng vào kênh truyền thống khá thuận lợi. Tuy nhiên, ở kênh hiện đại, Long Triều gặp khó khăn vì thương hiệu chưa được nhiều người biết đến. Hiện tại, sau thời gian dài loay hoay với việc đưa hàng vào siêu thị, Long Triều mới thâm nhập được vào hệ thống Big C thông qua chương trình “Đồng hành cùng thương hiệu Việt” của Big C.

Theo ông Nguyễn Xuân Tồn, doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn xây dựng được thương hiệu phải có sự đồng hành giúp đỡ của các hệ thống phân phối, nhà quản lý… Có như vậy, doanh nghiệp mới đứng vững trên thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Nhờ có sự hỗ trợ về vốn, sản xuất, tiếp thị… của Big C mà Long Triều mạnh dạn phát triển sản phẩm và xây dựng được thương hiệu. Khởi nghiệp với cơ sở sản xuất chỉ 30m2, đến nay, Long Triểu đã phát triển lên đến 4.000m2, và dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp đã nhận được chứng nhận quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 2000.

Tự thân và ngoại lực

Ở góc độ nhà tư vấn, bà Nguyễn Phi Vân – thành viên sáng lập và phát triển Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á cho rằng, muốn tồn tại và cạnh tranh trong thế giới phẳng, các doanh nghiệp cần phải mở rộng tầm nhìn đến tầm quốc tế để có thể lớn mạnh ngay cả trên sân nhà.

“Phải có tư duy lớn, từ đó huy động nguồn lực, xây dựng thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới. Thay đổi tư duy là đã đi được 50% đoạn đường”, bà Nguyễn Phi Vân nói.

Và thực tế đã có những doanh nghiệp làm được điều bà Phi Vân nói. Bà Vũ Thị Thùy Linh – Phó tổng giám đốc Công ty CP Tân Cương Hòa Bình cho biết: “Muốn tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải nghiên cứu để đa dạng sản phẩm, phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh các loại trà bình dân, Công ty sản xuất sản phẩm cao cấp và đến nay đã đưa ra thị trường 50 loại trà khác nhau. Và cũng nhờ đó chúng tôi đã xuất khẩu sản phẩm sang các nước châu Âu”.

Từ những thực tế trên, có thể nói, ngoài nỗ lực tự thân, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng rất cần đến sự hỗ trợ từ kênh phân phối. Ông Philippe Broianigo – TGĐ Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam.

Từ tháng 10/2016, Big C Việt Nam phát động chương trình “Đồng hành cùng thương hiệu Việt” nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mở rộng thị trường thông qua kênh bán lẻ hiện đại, góp phần làm nên thương hiệu Việt…

Thời gian qua, nhiều hệ thống phân phối trong nước cũng đã có những hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp sản xuất, như Co-opmart không tăng chiết khấu trong khi các siêu thị ngoại tăng chiết khấu. Vingroup áp dụng chính sách chiết khấu thương mại ưu đãi mạnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tiêu thụ hàng qua hệ thống bán lẻ Vinmart của tập đoàn.

Theo DNSG

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không