Kiến thức Chiến lược Một chỉ số quan trọng Việt Nam cần 20 năm nữa để...

Một chỉ số quan trọng Việt Nam cần 20 năm nữa để đuổi kịp mức trung bình của các nước nếu duy trì tốc độ như hiện nay

5

Giá trị gia tăng của nhóm ngành công nghiệp chế tạo (MVA) bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng từ 3,38 triệu đồng/người vào năm 2005 lên 4,48 triệu đồng/người năm 2015. Dù vậy, khoảng cách MVA bình quân đầu người của Việt Nam so với ngưỡng 1.000 USD của các nước công nghiệp hóa mới vẫn còn khá xa.

Một chỉ số quan trọng Việt Nam cần 20 năm nữa để đuổi kịp mức trung bình của các nước nếu duy trì tốc độ như hiện nay
Trong dự thảo kế hoạch tái cơ cấu ngành công nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Công thương đã thẳng thắn thừa nhận lại trong thời gian qua, giá trị trung bình tăng trong công nghiệp đạt thấp. Trong khi các ngành công nghệ thấp và trung bình lại có giá trị cao hơn các ngành công nghiệp công nghệ cao đã khiến cho khoảng cách về trình độ phát triển công nghiệp của Việt Nam so với các nước thêm phần nới rộng.

Cụ thể, tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) ngành công nghiệp Việt Nam trong 5 năm (từ 2011 – 2015) đạt bình quân khoảng 7,6%, xấp xỉ mục tiêu kế hoạch. Tuy nhiên, Bộ Công thương cho biết tỷ trọng giá trị gia tăng của lại có xu hướng giảm đi.

Số liệu thống kê cho thấy, tính theo giá so sánh năm 2010, từ năm 2010 đến năm 2015, tỷ trọng giá trị gia tăng ngành công nghiệp đã giảm từ 32% xuống còn khoảng 28%.

VA của nhóm ngành công nghiệp chế tạo (MVA) bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng từ 3,38 triệu đồng/người vào năm 2005 lên 4,48 triệu đồng/người năm 2015. Dù vậy, khoảng cách MVA bình quân đầu người của Việt Nam so với ngưỡng 1.000 USD của các nước công nghiệp hóa mới (theo phân loại các nước công nghiệp của UNIDO) còn khá xa.

Trên thực tế, Việt Nam đang đứng thứ 101 trong tổng số 143 nước về chỉ số MVA bình quân đầu người. Trong các nước châu Á, Singapore xếp hạng cao nhất (thứ 2/143), tiếp đến là Nhật Bản (3/143), Hàn Quốc (6/143), Đài Loan (17/143), Malaysia (41/143) và Thái Lan (49/143).

“Với tốc độ như hiện nay, Việt Nam sẽ cần khoảng 20 năm nữa mới có thể đạt được mức MVA bình quân là 1.000 USD”, Bộ Công thương thẳng thắn.

Mặt khác, hiện giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang khá thấp, chủ yếu do các ngành công nghiệp công nghệ thấp.

Năm 2015, 3 ngành công nghệ thấp là công nghiệp chế biến thực phẩm, may mặc và da giày và 2 ngành công nghệ trung bình là ngành khai khoáng (phi kim loại), ngành thép (kim loại đúc sẵn) đã đóng góp tới 49% giá trị gia tăng của toàn ngành.

Điện tử, máy tính và sản phẩm quang học là ngành công nghệ cao duy nhất tăng nhanh đóng góp cả về giá trị tăng thêm (12,2%) và lao động (5,25%).

“Mặc dù vậy, 3/5 ngành này chỉ chủ yếu tập trung ở khâu gia công, lắp ráp”, Bộ Công thương cho hay. Bộ cũng cho biết điều này cho thấy phát triển công nghiệp sẽ khó được nâng lên nếu như không có chuyển biến về cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghệ cao đi kèm với giá trị gia tăng cao.

Bên cạnh đó, phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn đang dựa vào các ngành công nghệ thấp đến trung bình. Đóng góp của công nghệ đối với năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) ở từng ngành và toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt thấp, chỉ xấp xỉ 10% cho thấy ngành công nghiệp tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn và lao động.

Bộ Công thương cũng bày tỏ nỗi lo ngại các lợi thế này sẽ không còn do chi phí lao động tăng lên và các ưu đãi chính sách giảm khi Việt Nam thực hiện các cam kết hội nhập (thuế, hỗ trợ tài chính, hạn ngạch…), do đó, cơ hội phát triển ngành công nghiệp theo chiều rộng sẽ bị hạn chế.

Theo trí thức trẻ

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không