Cụm từ “việc làm tại nhà” không còn quá xa lạ đối với chúng ta ở thời đại hiện tại, tuy nhiên kèm theo đó là lại là những cái nhìn và suy nghĩ không tốt. Nhiều người mặc định xem chúng là những công việc “ảo” hoặc lừa đảo, vậy nên xã hội hình thành một cái nhìn chung không mấy thiện cảm với cách miêu tả công việc như vậy ở trên mạng.
Nhưng thực tế, theo giáo sư Nicholas Bloom đến từ đại học Stanford, những việc đòi hỏi sự có mặt của nhân viên ở văn phòng giờ đã lỗi thời.
“Đã đến lúc thay đổi, làm việc tại nhà sẽ là xu hướng mới trong thời đại công nghệ ở tương lai”, Nicholas đã từng nói với rất đông khán giả trong chương trình TEDxStanford.
Ông đã từng thực hiện rất nhiều nghiên cứu để khẳng định câu nói đó. Cụ thể, Nicholas đã từng tìm hiểu về công ty du lịch có tên Ctrip. Đây là hãng du lịch lớn nhất Trung Quốc có trụ sở tại Thương Hải với hơn 20.000 nhân viên, giá trị công ty vào khoảng 20 tỷ USD.
Ban lãnh đạo công ty thừa hiểu là áp lực giá cả văn phòng ở Thượng Hải rất đất đỏ nên đã khuyến khích các nhân viên làm việc ở nhà. Một nửa nhân viên của Ctrip làm việc tại nhà và chỉ đến văn phòng 1 tuần 1 lần và nửa còn lại thì thường xuyên có mặt trên văn phòng.
Nicholas đã theo sát 2 nhóm nhân viên này trong khoảng 2 năm và nhận được kết quả:
“Mức độ hiệu quả của công việc từ nhóm nhân viên làm việc tại nhà cao hơn 13% so với những người khác”.
Thứ nhất, những người làm việc ở nhà có thể sử dụng trọn vẹn thời gian trong ca làm việc để phục vụ công việc. Khác với việc có mặt ở văn phòng, ca làm việc của họ có thể không hoàn chỉnh vì những vấn đề như giao thông, các bữa ăn hay những đoạn hội thoại không cần thiết với các đồng nghiệp. Ít có khả năng sử dụng toàn bộ thời gian để phục vụ công việc.
Thứ hai, sự tập trung của họ được nâng cao. Nicholas nghĩ rằng văn phòng công sở sẽ ít nhiều làm mọi người không thể tập trung vào công việc:
“Các văn phòng thực sự là một không gian tuyệt hảo để mở rộng mối quan hệ xã hội và hiểu biết. Nhưng chưa chắc đó là một môi trường làm việc hợp lí. Nhiều khi nó trở nên ồn ào đến mức không thể làm việc”.
Ngoài ra, nghiên cứu của ông còn phát hiện ra rằng, số lượng người bỏ việc ở các công ty giảm tới 50% nếu họ được làm việc ở nhà. “Không chỉ giúp người làm việc có thể thoải mái hơn, làm việc ở nhà giúp các nhà quản lý không phải lo lắng quá nhiều về các chi phí, từ thuê, trang trí, thiết kế văn phòng đến việc quảng cáo, tuyển dụng, đào tạo. Ctrip đã tiết kiệm được 2000$ mỗi tháng với mỗi nhân viên làm việc ở nhà, đồng nghĩa với việc sự tăng trưởng công ty và quyền lợi của nhân viên cũng tăng lên”, Nicholas cho biết.
Đây không chỉ là những số liệu thực tế được thống kê bởi các chuyên gia. Nó là một “liều thuốc” để tiêu diệt các định kiến tiêu cực đối với các công việc làm tại nhà. “Đối với nhân viên, họ làm việc hiệu quả hơn nhờ thoải mái hơn, lương cao hơn. Đối với các nhà quản lý, hàng tá mối lo ngại được xử lí. Đối với xã hội, hạn chế rất nhiều những tiêu cực như ùn tắc giao thông, nguy hiểm trên đường.”
“Một phương án giải quyết được rất nhiều vấn đề nhưng không mang lại nhiều mặt hạn chế cho mọi người”, Nicholas một lần nữa khẳng định.
Theo trí thức trẻ