Kiến thức Chiến lược Đừng lạm dụng thuật ngữ “nền kinh tế chia sẻ” nữa, những...

Đừng lạm dụng thuật ngữ “nền kinh tế chia sẻ” nữa, những gì mà các startup Trung Quốc đang làm chỉ tạo ra “nền kinh tế cho thuê” thôi!

9
Đừng lạm dụng thuật ngữ “nền kinh tế chia sẻ” nữa, những gì mà các startup Trung Quốc đang làm chỉ tạo ra “nền kinh tế cho thuê” thôi!

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Những khởi nghiệp mới ở Trung Quốc đang có thói quen sử dụng quá đà thuật ngữ “chia sẻ”, tới mức thu hút được dòng vốn đầu tư mạo hiểm khổng lồ đổ vào các mô hình này. Nhưng phần lớn những doanh nghiệp này hầu như không hoạt động dựa trên nguyên tắc cơ bản của một nền kinh tế chia sẻ.

Những mô hình kinh doanh này khác xa so với cách thức hoạt động của Uber – startup kinh tế chia sẻ nổi tiếng nhất hiện nay. Uber không sở hữu những chiếc xe: nền tảng của họ giúp mọi người kết nối với các cá nhân khác để cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ vận chuyển.

Trong khi đó, các khởi nghiệp tại Trung Quốc thì vừa sở hữu nền tảng online, vừa tự sản xuất hoặc mua lại các sản phẩm rồi đẩy lên nền tảng đó. Về bản chất thì việc này chẳng có gì khác một mô hình kinh doanh cho thuê truyền thống cả, ngay cả khi chúng hoạt động dựa trên các ứng dụng “hoành tráng” đi chăng nữa. Trang tin Jiemian tại Trung Quốc trong một bài viết vào tháng Năm vừa qua cũng đã khẳng định “Những mô hình này không còn là kinh tế chia sẻ nữa. Nói một cách chính xác thì những công ty này nên được phân loại là mô hình cho thuê theo thời hạn, bởi họ kiểm soát chính nguồn cung đầu vào của sản phẩm”.

Dưới đây là một vài ví dụ điển hình về mô hình kinh doanh “cho thuê” đội lốt “kinh tế chia sẻ”.

Chia sẻ xe đạp

Trong vòng vài tháng vừa qua, rất nhiều người Trung Quốc tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải đã bắt gặp những chiếc xe đạp với hai màu vàng – cam ở trên đường. Những người đi bộ muốn đi nhờ xe có thể mở điện thoại thông minh, mở khoá một chiếc xe đạp ở gần đó, nhảy lên xe và trả một khoản phí khi tới điểm đích – thường số tiền này sẽ rẻ hơn khoản tiền khi sử dụng các phương tiện công cộng. Hai công ty tiêu biểu cho mô hình này là Ofo và Mobikes, đã nhận được hàng trăm triệu USD tiền đầu tư mạo hiểm thông qua các vòng gọi vốn.

Những chiếc xe đạp bị vứt chỏng chơ tại nhiều nơi ở Trung Quốc

Từ đó tới nay, một lượng lớn xe đạp đã xuất hiện trên đường phố. Nhiều khi chúng bị bỏ lại hoặc được dừng đỗ không đúng nơi quy định, và gây ra rắc rối cho các nhà quản lý đô thị. Ngày 10/7 vừa qua kênh CGTN tại Trung Quốc đã nhận định rằng mô hình chia sẻ xe đạp ở đây có thể để lại 300.000 tấn sắt vụn trong tương lai.

Giờ đây khi người Trung Quốc đã thoả mãn đủ nhu cầu, thì những chiếc xe đạp tiếp tục “tấn công” sang những khu vực nước ngoài như Singapore, San Francisco, và London.

Chia sẻ quần áo

Duolayimeng là một startup chia sẻ quần áo có trụ sở tại Bắc Kinh. Công ty này sở hữu hơn 500.000 chiếc quần áo, và tự mô tả mình là nền tảng chia sẻ thời trang lớn nhất Trung Quốc. Duolayimeng đã nhận được 12 triệu USD đầu tư vào tháng Ba vừa qua. Để đảm bảo những chiếc quần áo này đã sạch sẽ trước khi tiếp tục được gửi đi, công ty này có cả một trung tâm giặt giũ riêng.

Loại quần áo Duolayimeng kinh doanh thường có giá mỗi chiếc dao động trong khoảng 600 – 1000 tệ (khoảng 2 – 3,4 triệu đồng) – tương đương ⅕ lương tháng của đối tượng người dùng mục tiêu của họ, những nữ nhân viên công sở với thu nhập xấp xỉ 740 USD (gần 17 triệu đồng) mỗi tháng. Người dùng sẽ trả một mức phí là 44 USD (khoảng 1 triệu đồng) mỗi tháng để được thuê đồ không giới hạn.

Hoạt động của Duolayimeng cũng tương tự như các mô hình cho thuê quần áo cao cấp khác giống như Rent the Runway ở Mỹ. Ở đó người dùng sẽ trả khoảng 139 USD (khoảng 3,1 triệu đồng) để được thuê đồ từ 450 thương hiệu khác nhau không giới hạn mỗi tháng.

Chia sẻ ô

Sharing E Umbrella, một startup chia sẻ ô ra mắt vào tháng Tư vừa qua gần đây đã công bố bị mất 300.000 chiếc ô dù cho chúng đã được gắn thiết bị định vị GPS. Nhà sáng lập Zhao Shuping đã chia sẻ rằng anh không hề bất ngờ vì điều này, vì “những chiếc ô đã bị người dùng đem về nhà”.

Dù bị thiệt hại khá nhiều, nhưng công ty vẫn tiếp tục mở rộng thị trường. Theo Zhao, công ty anh đã bắt đầu sản xuất ô với đèn chiếu sáng ban đêm. Mức phí đặt cọc để thuê ô sẽ là khoảng 4,3 USD (gần 100.000 đồng) – trước đây mức phí này là 2,8 USD (khoảng 64.000 đồng). Sau khi scan mã QR trên chiếc ô, người sử dụng sẽ nhận được một mật khẩu để sử dụng nó. Phí sử dụng của chiếc ô rơi vào khoảng 0,07 USD (1.500 đồng) mỗi giờ.

Sự thật là cả thế giới này đã chia sẻ ô với nhau từ lâu lắm rồi, và mọi người làm điều đó một cách tình nguyện, và đương nhiên là miễn phí. Sở hữu một chiếc ô rõ ràng là không đáng kể gì so với việc mua một chiếc xe hơi. Có thể bạn sẽ muốn thuê một chiếc ô khi trời bắt đầu mưa, nhưng trong dài hạn thì việc thuê ô sẽ khó lòng mà cạnh tranh được với việc sở hữu một chiếc ô của riêng mình.

Sạc điện thoại cầm tay

Một số người đang cố gắng đóng góp vào nền kinh tế 1,4 tỷ dân ở Trung Quốc bằng việc cho mọi người thuê lại sạc điện thoại cầm tay. Có tới hơn 15 công ty phát triển ý tưởng kinh doanh này, và theo tờ Thời báo Bắc Kinh, họ đã nhận được 300 triệu tệ (khoảng hơn 1.000 tỷ đồng) tiền vốn đầu tư vào tháng Tư vừa qua.

Sau khi quét một QR code, người dùng sẽ được dùng miễn phí 30 phút hoặc một tiếng tuỳ từng công ty, và sau đó có thể tiếp tục mượn chúng với giá 0,15 USD (3.500 đồng) mỗi giờ. Người dùng sau đó sẽ trả lại những chiếc sạc cầm tay được gắn GPS này tới các trung tâm thu nhận. Nhưng trên thực tế, cái giá mà người dùng cần chi trả để có thể sở hữu những chiếc sạc này chỉ rơi vào khoảng dưới 12 USD (270.000 đồng) trên trang thương mại điện tử Tmall.

Chia sẻ bóng rổ

Với mức giá chỉ 0,3 USD (7.000 đồng) mỗi giờ, một sinh viên ở Trung Quốc có thể thuê một quả bóng rổ từ một máy bán hàng tự động bằng cách scan một đoạn code trên chiếc tủ khoá gần sân vận động. Đây là một dịch vụ “cho thuê bóng rổ” của công ty Zhulegeqiu. Tiền đặt cọc là khoảng 4,3 USD (98.000 đồng). Xu Min, người sáng lập startup này dự tính sẽ đặt những chiếc máy tại 23 thành phố ở Trung Quốc, và miêu tả đây là dự án từ thiện đầu tiên dành cho những người yêu thích thể thao. Công ty này cũng đã nhận được 1,5 triệu USD tiền vốn đầu tư mạo hiểm vào tháng Năm vừa qua.

Chia sẻ khăn giấy

Ở Trung Quốc người ta sẽ hiếm khi thấy khăn giấy hay giấy vệ sinh miễn phí ở những nơi công cộng, và điều này có thể gây ra một số phiền toái. Nhưng tại một thành phố ở tỉnh Quảng Đông đã có một doanh nhân là Zheng Pin khởi xướng việc cho mọi người sử dụng khăn giấy miễn phí từ tháng Năm vừa qua. Theo ông thì đây chính là một mô hình kinh tế chia sẻ.

Người dùng sẽ định vị những chiếc máy chia sẻ khăn giấy được gắn GPS thông qua một tài khoản công cộng trên WeChat. Sau đó người dùng có thể quét QR code trên chiếc máy bán hàng tự động, và lấy một gói khăn giấy miễn phí mỗi ngày. Trên 400 địa điểm như các cửa hàng, nhà hàng và bệnh viện đã sử dụng chiếc máy này. Mọi người sẽ phải trả 0,07 USD (1.500 đồng) cho gói giấy thứ hai.

Công ty này hi vọng sẽ kiếm được từ quảng cáo và bán nước thông qua những chiếc máy này.

Chia sẻ kén ngủ

Ngủ trưa là một hoạt động phổ biến tại nhiều công ty Trung Quốc. Xiangshui Space hay “Tận hưởng giấc ngủ của bạn” là một công ty có trụ sở tại Bắc Kinh đang kinh doanh trên thói quen này. Tháng Sáu vừa qua, công ty này đã giới thiệu một loại hình kén ngủ chia sẻ tại một trung tâm startup công nghệ ở Bắc Kinh. Sau khi quét mã QR, người dùng có thể vào trong một kén ngủ với kích thước 2,1m chiều dài vào 0,9m chiều rộng. Kén ngủ này có điều hoà nhiệt độ, đèn đọc sách và một chiếc giường có thể bỏ đi sau khi sử dụng. Vào giờ cao điểm tức là tầm buổi trưa, công ty này sẽ thu khoảng 1,5 USD (34.000 đồng) cho mỗi nửa tiếng.

Một mô hình “kén ngủ chia sẻ” tại Trung Quốc

Tuy nhiên cảnh sát Trung Quốc đã yêu cầu đóng cửa tất cả kén ngủ này vào ngày 21/7 vừa qua, do lo ngại việc không yêu cầu xuất trình chứng minh thư có thể biến chúng là nơi trú ngụ của những kẻ tình nghi phạm tội; và do quan ngại về nguy cơ xảy ra hoả hoạn.

Ý tưởng của khởi nghiệp này cũng thương tự như những khách sạn con nhộng, vốn đã rất phổ biến ở nhiều nơi như Nhật Bản. Liang Haiming, nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu iValley Silk Road Trung Quốc cho rằng kén ngủ chia sẻ thực chất chỉ là một mô hình dịch vụ cấp thấp trong nền kinh tế truyền thống, có chăng là bắt chước kinh tế chia sẻ ở phương tức thanh toán mà thôi.

Nguyên lý cơ bản của nền kinh tế chia sẻ là quay vòng những tài sản mà mọi người sở hữu nhưng không sử dụng thường xuyên cho những người có nhu cầu khác. Hoặc theo cách nói của Liang, là “tạo ra giá trị bằng việc trao đổi những nguồn lực nhàn rỗi và đem lại lợi ích cho nhiều người hơn”. Tuy nhiên, khái niệm này ở Trung Quốc đã bị lạm dụng quá đà trong những mô hình kinh doanh mà thực chất chỉ là cho thuê.

Theo trí thức trẻ

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không