Kiến thức Kiến thức quản trị Chuyện tối thứ 4: “99 thiếu 1” – Và khát vọng thực...

Chuyện tối thứ 4: “99 thiếu 1” – Và khát vọng thực hiện “100 miếng vàng”

18
“Tên tuổi có sức mạnh riêng của chúng, nhưng chỉ trong môi trường mà chúng đã được nhận biết. Một khi ra khỏi môi trường này, chúng mất đi sự quan tâm và sẽ mất đi luôn sức mạnh vốn có”.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa
Khi trong tay bạn nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, bạn chỉ có mỗi thứ này; nếu bạn chịu buông xuống, bạn mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí tuệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi.

Tuần này, có một câu chuyện vừa vô tình đọc qua, xin kể lại. Chuyện kể rằng, ở một vương quốc giàu có nọ, có vị Quốc vương với rất nhiều của cải trong tay. Tuy nhiên, ông lại luôn cảm thấy không vui. Ông thường thắc mắc, tại sao đất nước an lành, dân chúng không đói nghèo, cung điện luôn tiệc tùng thoải mái mà ông vẫn không vui.

Ông quyết tìm ra nguyên nhân.

Một sáng nọ, nhà vua một mình đi dạo khắp cung điện. Bước chân vô tình đi qua Ngự thiện phòng, ông nghe tiếng người hát một bài ca nghe rất vui nhộn. Đi theo tiếng hát, Quốc vương nhìn thấy một đầu bếp đang ca hát, trên khuôn mặt tràn đầy hạnh phúc và vui vẻ.

Cảm thấy rất kỳ lạ, Nhà vua bước vào hỏi viên đầu bếp: “Sao ngươi lại vui vẻ và hạnh phúc như vậy?”

Vị đầu bếp giật mình thấy nhà vua, dè dặt trả lời: “Tâu Bệ hạ, thần vui vì có công việc giúp thần nuôi sống cả gia đình. Mọi người trong nhà rất khỏe mạnh, vui vẻ, cả nhà đầy ắp tiếng cười nên thần rất vui và hạnh phúc”.

Quốc vương nghe xong cảm thấy rất mơ hồ, liền cho mời Tể tướng đến hỏi chuyện.

Vị Tể tướng tâu với Nhà vua: Tâu Bệ hạ, thần tin chắc rằng viên đầu bếp này còn chưa trở thành “99 thiếu 1”.

“99 thiếu 1″ – đó là cái gì vậy” – Nhà vua kinh ngạc hỏi lại.

“Thật khó giải thích tâu Bệ hạ. Tuy nhiên để biết rõ, xin người hãy thử làm thế này. Lấy một cái túi, bỏ vào 99 miếng vàng, sau đó để cái túi ngoài cửa nhà bếp. Rất nhanh, người sẽ hiểu được 99 thiếu 1 là gì”.

Nhà vua tò mò, nghe theo lời Tể tướng, cho người đem bao vải đựng 99 miếng vàng đặt ở trước cửa nhà bếp. Viên đầu bếp khi tới làm việc, phát hiện trước cửa có một bao vải, hiếu kỳ đem vào phòng, mở bọc ra và vô cùng kinh ngạc, sau rồi mới mừng rỡ la lớn: “Tiền vàng! Tất cả đều là tiền vàng! nhiều tiền vàng!”

Không nén nổi tò mò, viên đầu bếp vội vàng đổ túi vàng ra và bắt đầu đếm. “Chỉ được 99 miếng” – Anh ta không tin được lại đếm lại một lần nữa, “đúng thật là 99 miếng”.

Anh ta bắt đầu buồn bực: “Không thể chỉ có 99 miếng. Không có người nào chỉ bỏ 99 miếng được, như vậy một miếng kia rơi đi đâu rồi”

Đầu bếp bắt đầu tìm kiếm, anh tìm hết cả gian phòng, lại chạy ra ngoài sân tìm khắp cả, cho tới lúc kiệt sức, anh ta mới hoàn toàn tuyệt vọng, uể oải, thất vọng.

Sau đó, đầu bếp mới nghĩ ra một cách. Anh ta quyết định từ ngày mai trở đi, cố gắng làm gấp đôi công việc, sao cho mau chóng kiếm đủ một miếng vàng. Nghĩ tới lúc có 100 miếng vàng, trở thành tài phú, đầu bếp lại càng quyết tâm.

Vừa trải qua một ngày quá mệt mỏi, nên sáng hôm sau anh ta dậy muộn. Anh ta cảm thấy tức giận, quát tháo vợ con, tại sao không gọi anh dậy sớm, ảnh hưởng tới mục tiêu lớn của anh ta.

Anh vội vàng chạy vào hoàng cung. Không hề giống như ngày xưa tung tăng, thoải mái, cũng không hát hò, huýt gió nữa. Từ hôm đó, anh chỉ có vùi đầu, dốc sức liều mạng mà làm việc, anh không hề biết rằng Quốc vương đang lặng lẽ quan sát mình.

Chứng kiến quá trình đầu bếp thay đổi thật nhanh như thế, Quốc vương rất khó hiểu, tự nhiên có được nhiều tiền vàng như vậy phải mừng rỡ, mừng rỡ hơn cả xưa mới đúng chứ. Quốc vương lần nữa hỏi thăm Tể tướng.

Tể tướng trả lời: “Tâu bệ hạ, đầu bếp này đã chính thức gia nhập ’99 thiếu 1’ rồi”.

——————–

“99 thiếu 1” chính là những người có được rất nhiều, nhưng chưa bao giờ thỏa mãn. Họ muốn dốc sức liều mạng cho công việc vì muốn kiếm thêm ‘1 miếng vàng’ kia. Cũng chỉ vì khát vọng nhanh chóng thực hiện ‘100 miếng vàng’ mà họ luôn đau khổ.

Cuộc sống đang mãn nguyện, bỗng nhiên xuất hiện mục tiêu phải kiếm đủ “100 miếng vàng”. Vậy là, anh ta phải kiệt sức theo đuổi “1 miếng vàng” vô nghĩa mà không biết mình đang phải trả giá bằng cả một giá trị lớn hơn rất nhiều, đó là sự tự tại, an nhiên của mình đang có.

Trong kinh doanh, đã có rất nhiều doanh nghiệp đã thành danh với loại hàng hóa chuyên biệt của mình. Một ngày nọ, nhìn sang công ty bạn, thấy họ bán thứ này, kinh doanh thứ nọ mà thành công, lại nghĩ, sao mình không bán thêm món này món nọ nhỉ.

Kết quả, doanh nghiệp này không những kinh doanh không khởi sắc, mà còn dần mất đi thương hiệu, mất đi vị thế của mình trong ngành.

Phần lớn các doanh nghiệp đã gặp rủi ro khi tiến hành mở rộng sản phẩm của mình sang các dòng mới, một phần vì không có sự phối hợp tốt giữa các ngành theo đuổi, đồng thời lại đánh mất sự tin cậy trong những thương hiệu sản phẩm đầu ngành của mình. “Tên tuổi có sức mạnh riêng của chúng, nhưng chỉ trong môi trường mà chúng đã được nhận biết. Một khi ra khỏi môi trường này, chúng mất đi sự quan tâm và sẽ mất đi luôn sức mạnh vốn có”.

——————–

Câu chuyện của Harley Davidson là một ví dụ. Thương hiệu xe mô tô nổi tiếng của Mỹ, ngoài việc bán xe, còn phát triển thương hiệu sang các sản phảm đi kèm như găng tay, thắt lưng, áo…cùng những vật dụng trang trí cho chiếc xe này. Và Harley Davidson đã thành công trong tất cả những lĩnh vực liên quan dòng xe này.

Thế nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó. Cảm thấy dễ, các ông chủ của Harley Davidson lại tiếp tục mở rộng thương hiệu qua các sản phẩm khác như nước hoa, kem cạo râu, thùng đựng rượu…Tuy nhiên, rất nhanh chóng, những nhãn hàng này đã không được người tiêu dùng đón nhận, nhanh chóng được dẹp bỏ.

Việc Harley Dividson có thể nhận ra và nhanh chóng dẹp bỏ sản phẩm không phù hợp, nhanh chóng chấp nhận “ cắt cành cây nơi con Đại Bàng đậu ” cũng đã được coi là một thành công của thương hiệu này. Bởi còn rất nhiều doanh nghiệp sau khi mở rộng tràn lan, đã không đủ can đảm cắt bỏ cành cây, để ảnh hưởng ngay cả đến nhãn hàng chính mà mình bấy lâu xây dựng, tạo cho đối thủ cơ hội chiếm lĩnh thị trường.

Cũng không phải là không nên mở rộng thương hiệu, bởi cũng lấy Harley làm ví dụ. Những sản phẩm mở rộng phù hợp, đồng dạng với thương hiệu chính, bổ trợ cho nhau cùng phát triển lại dễ mang lại thành công cho doanh nghiệp.

Nhiều lúc bạn cũng khó có thể chinh phục được mục tiêu khi không hiểu rõ những sở trường, sở đoản của mình.

Sức mạnh thương hiệu thường tỷ lệ nghịch với sự mở rộng thương hiệu, do vậy những thương hiệu hàng thường chỉ tập trung vào một định vị trong tâm trí khách hàng. Ví dụ, khi nói đến Pepsi thì người tiêu dùng nghĩ ngay đến “nước ngọt giải khát”, KFC là “thức ăn nhanh”, hay BMW chỉ có nghĩa là “xe hơi hạng sang”…

Thử tưởng tượng, nếu Pepsi mở rộng thương hiệu sang ngành dầu khí, KFC tham gia ngành viễn thông, hay BMW mở rộng thương hiệu sang mỹ phẩm, thì chắc chắn họ cũng khó có thể thành công đối với nhãn hàng mới này.

Thời điểm những năm 2007 – 2008, khi thị trường bất động sản tại Việt Nam đang “sốt”, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều tập đoàn, công ty đổ xô mở rộng ngành nghề kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản, bất kể lĩnh vực mình đang hoạt động chẳng liên quan gì đến… bất động sản. Và hầu hết những doanh nghiệp này đã nhanh chóng thất bại, hoặc từ bỏ ngành mới sau một thời gian ngắn.

Một nắm cát mịn hay một nắm cát nhiều sỏi đá thô sơ là tùy ta lựa chọn. Lựa chọn nào cũng song hành cùng cái giá của nó. Chúng ta không thể ép ai đó giống mình, nhưng quan trọng nhất là chúng ta biết mình có quyền lựa chọn sẽ trở thành một sản phầm như thế nào!

Theo trí thức trẻ

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không