Kiến thức Chiến lược Hoá chất quan trọng nhất thế giới trở thành hàng hiếm, ngành...

Hoá chất quan trọng nhất thế giới trở thành hàng hiếm, ngành hóa chất Mỹ lao đao

9
Tình trạng thiếu hụt ethylen sau bão Harvey khiến ngành hoá chất tại Mỹ “lao đao”.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Rất ít người Mỹ quan tâm tới ethylen (Êtilen). Thậm chí, có nhiều người chưa từng nghe tới chất này.

Ethylen là một khí không màu và dễ cháy. Đây được xem là một chất hoá dầu quan trọng nhất trên trái đất. Ethylen là một trong những lý do chính khiến thiệt hại trong ngành hoá chất do bão Harvey gây ra lan rộng ra toàn ngành sản xuất các nhu yếu phẩm của nước Mỹ.

Chirag Kothari, một nhà phân tích từ Nexant, cho biết: “Ethylen là một chất hoá dầu quan trọng, ảnh hưởng tới toàn bộ nền công nghiệp.” Ethylen là chất nền tảng trong sản xuất nhựa – một nguyên liệu quan trọng để sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp tại Mỹ.

Theo PetroChemWire, trước tình trạng lũ lụt do bão Harvey gây ra, phần lớn các nhà máy sản xuất ethylen tại Mỹ buộc phải đóng cửa, đồng nghĩa với việc thất thoát 61% công suất sản xuất ethylen.

Trong tự nhiên, ethylen được sinh ra trong quá trình hoa quả chín. Tuy nhiên, theo Kothari, chất khí này cũng giữ vai trò trọng yếu trong nền công nghiệp hoá chất toàn cầu trị giá 3,5 nghìn tỉ USD với sản lượng 145 triệu tấn vào năm ngoái.

Các nhà máy sử dụng ethylen để sản xuất polyethylen, loại nhựa phổ biến nhất trên thế giới và cũng là nguyên liệu chính để tạo ra túi đựng rác và bao bì thực phẩm. Trong quá trình sản xuất ethylen glycol, ethylen đóng vai trò là chất chống đông, giúp động cơ và cánh máy bay không bị đóng băng trong mùa đông. Ethylen còn được sử dụng để sản xuất polyester ứng dụng trong dệt may và sản xuất bình nước.

Ethylen là nguyên liệu sản xuất các sản phẩm vinyl như ống nước PVC, các dụng cụ y tế và đế giày. Chất khí này cũng được sử dụng trong sản xuất xốp cách nhiệt polystyren và các bộ phận bằng nhựa nhẹ và tiết kiệm năng lượng của ô tô, góp phần chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu. Ngoài ra, ethylen còn được dùng để chế tạo cao su tổng hợp trong lốp xe, giúp tăng tính an toàn khi tham gia giao thông. Ethylen còn là nguyên liệu trong sơn và kẹo cao su.

Theo Hassan Ahmed, chuyên gia tại Alembic Global Advisors , ethylen và các dẫn xuất ethylen chiếm 40% sản lượng tiêu thụ hoá chất toàn cầu. Trước bão Harvey, các nhà máy sản xuất ethylen trên thế giới đều hoạt động gần như hết công suất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên thị trường.

Vào thứ năm vừa rồi, Ahmed chia sẻ bất cứ sự cố nào cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cân bằng cung-cầu, và rõ ràng bão Harvey không chỉ là một sự cố.

Mặc dù các nhà máy hoá chất vùng Vịnh đã được thiết kế chống chịu ảnh hưởng từ gió và lũ khi bão xảy ra, nhưng Harvey lại gây ra nhiều bất ngờ. Các công ty sản xuất ethylen dọc bờ biển vùng Vịnh tại Texas bị Harvey tàn phá bao gồm LyondellBasell Industries NV tại cực nam Corpus Christi, Tập đoàn Exxon Mobil tại Baytown, và Công ty Hoá chất Chevron Phillips tại Port Arthur sát Louisiana.

Thiệt hại trên thị trường

Theo Kevin McCarthy, chuyên gia phân tích cổ phần tại Vertical Research Partners, hướng đi và thời gian “càn quét” của bão Harvey kết hợp cùng tổng lượng mưa trong cơn bão đã gây ra những thiệt hại với quy mô chưa từng thấy đối với các nhà sản xuất trong nền công nghiệp hoá chất tại Mỹ. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi chưa từng thấy điều tương tự trong suốt 18 năm làm việc với cổ phiếu hoá chất tại Phố Wall.”

Tình trạng thiếu hụt bất ngờ ethylen và nhiều nguyên liệu khác đang khiến chuỗi cung ứng “khốn đốn”. Hơn một nửa công suất sản xuất polyethylen của nước Mỹ đã phải tạm dừng trong suốt tuần vừa qua. Hơn 60% sản lượng polypropylen – một loại nhựa khác, cũng bị hao hụt.

Theo Ahmed, các đơn vị mua hoá chất và nhựa vẫn tiếp tục vận hành nhưng không có hàng dự trữ bổ sung trong kho. Nhiều nhà sản xuất đã thông báo với người tiêu dùng rằng họ không thể hoàn thành đủ nguồn cung như quy định trong hợp đồng vì cơn bão.

Những cam kết chưa hoàn thành

Ngay trước khi Harvey xảy ra, công ty Nhựa Formosa đã phải đóng cửa các nhà máy sản xuất ethylen và nhựa tại Texas. Vào ngày 30/8, công ty này tuyên bố không thể thực hiện các cam kết cung cấp polyethylen, polypropylen và PVC.

Trước tình trạng thiếu hụt các sản phẩm hoá chất trong vùng, nhu cầu về khí tự nhiên giảm mạnh. Các nhà sản xuất như Công ty Hoá chất Dow sử dụng khí ga làm nguyên liệu thô để sản xuất ethylen và cung cấp năng lượng cho các lò nung lớn và nhiều thiết bị khác. Theo Citigroup, cùng với ảnh hưởng từ tình trạng mất điện trên diện rộng, nhu cầu khí ga đã giảm hơn 1,5 tỉ mét khối mỗi ngày, tương đương gần 8% tổng lượng tiêu thụ thông thường ở cùng kỳ các năm trước.

Theo PetroChemWire, nhu cầu về các nguyên liệu thô chủ chốt khác để sản xuất ethylen, ví dụ như ethan và butan, cũng sụt giảm khoảng 90% do các nhà máy ngừng hoạt động.

Theo báo cáo của IHS Markit công bố vào thứ năm, có lẽ, phải mất thêm nhiều tuần để tình hình sản xuất có thể hồi phục lại mức trước khi Harvey xảy ra bởi quá trình sản xuất ethylen khá phức tạp. Bên cạnh đó, các nhà máy cần đánh giá kỹ lưỡng thiệt hại trước khi hoạt động trở lại.

Bất ngờ trở lại

Theo Ahmed, các công ty không thể biết chắc chắn mức độ thiệt hại của nhà máy khi chưa hoạt động trở lại. Và có thể, khi hoạt động trở lại, các nhà máy mới phát hiện rằng một số thiết bị quan trọng đã bị hỏng hóc vì nước lũ. Ahmed cho biết: “Hiện nay không ai có thể xử lý tốt toàn bộ thiệt hại.”

Ngay cả nếu phần lớn ngành hoá chất có thể phục hồi trong một vài tuần tới, các thách thức về phương diện hậu cần vẫn có thể cản trở việc cung cấp hàng hoá tới người tiêu dùng và gây ra tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Việc vận chuyển bằng đường sắt bị hạn chế do đường ray vẫn còn đang ngập trong nước lũ.

Theo IHS, để có thể vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt, các nhà sản xuất polypropylen có thể sẽ phải chờ đợi thêm trung bình hai tuần. Một số người mua nhựa hiện đang tìm kiếm nguồn cung bên ngoài nước Mỹ, phòng trường hợp tình trạng đình trệ tiếp tục kéo dài.

Với dự đoán sụt giảm sản lượng xuất khẩu từ Mỹ, giá polyethylen trên thế giới hiện đang trên đà tăng.

Theo trí thức trẻ

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không