Evan Doll, một người làm việc cho Apple trong giai đoạn này, mô tả: “Tôi nghe được những lời đồn đại về cái gì đó đang được xây dựng nhưng không rõ là sản phẩm gì. Rõ ràng, những kỹ sư giỏi nhất từ những đội tốt nhất đã bị lôi kéo vào đội ngũ bí ẩn này”.
Có một kịch bản giống nhau cho tất cả những kỹ sư giỏi biến mất bí ẩn. Đầu tiên, một vài quản lý xuất hiện không báo trước và yêu cầu họ vào căn phòng và đóng kín cửa. Hai gương mặt quen thuộc nhất là Henri Lamiraux, quản lý các kỹ sư phần mềm và Richard Williamson, quản lý lĩnh vực phần mềm.
Williamson nhớ lại lần tuyển dụng Andre Boule, một kỹ sư ngôi sao của Apple: “Henri và tôi bước vào văn phòng của Boule và nói ‘anh không biết chúng tôi nhưng chúng tôi đã nghe nhiều về anh và chúng tôi biết anh là một kỹ sư giỏi. Chúng tôi muốn anh làm việc cho chúng tôi trong một dự án mà chúng tôi không thể nói cho anh biết lúc này. Chúng tôi muốn anh chuyển việc ngay và chính xác là hôm nay’”.
Khi Boule bày tỏ mong muốn được suy nghĩ về lời đề nghị bất ngờ, câu trả lời mà các quản lý của Apple đưa ra là “không”. Họ không thể tiết lộ thêm bất cứ thông tin nào về dự án tuyệt mật. Tuy nhiên, tới cuối ngày, Boule đã chấp thuận lời đề nghị. Cách thức tuyển dụng tương tự cũng được áp dụng với các ngôi sao khác của Táo khuyết.
Tuy nhiên, chấp nhận lời đề nghị đồng nghĩa với cuộc sống cá nhân bị thay đổi mãi mãi, hoặc ít nhất là trong 2,5 năm sau đó. Không chỉ phải làm thêm giờ để củng cố những công nghệ đột phá mà cuộc sống của họ chỉ xoay quanh những gì họ đang miệt mài phát triển. Cuộc sống cá nhân của họ biến mất trong khi họ không được tiết lộ bất cứ điều gì về công việc đang làm.
Tony Fadell, một trong những chuyên gia hàng đầu của Apple – người đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra chiếc iPhone, nhớ lại: “Steve Jobs không muốn bất cứ ai để lộ thông tin nên không cho họ rời công ty. Ông không muốn bất cứ ai nói bất cứ điều gì. Ông chỉ đơn thuần không muốn như vậy và đó dường như là một sự hoang tưởng”.
Jobs nói với Scott Forstall, người sau này trở thành quản lý đơn vị phần mềm của iPhone rằng, ông không thể nói bất cứ điều gì về chiếc điện thoại với bất cứ ai, dù ở trong hay ngoài Apple nếu đó không phải người trong đội. Chính vì thế, các bộ phận không được thuê bất cứ ai ngoài Apple để tạo nên sản phẩm mới. Tuy nhiên, họ có quyền chọn bất cứ ai họ cho là phù hợp trong công ty này.
Chính vì thế, những nhà quản lý như Henri và Richard được giao nhiệm vụ tìm kiếm những ứng viên tốt nhất. Câu duy nhất mà họ tiết lộ với các ứng viên tiềm năng là “chúng tôi cần người cho một dự án mới”. Nó bí mật tới mức những người được chiêu mộ không biết mình làm gì, làm việc cho ai hay làm việc ở đâu. Thứ duy nhất họ được biết là áp lực “chưa từng và sẽ không bao giờ” có trong suốt sự nghiệp.
Đáng ngạc nhiên, cách thuyết phục khó tưởng tượng này lại nhận được sự gật đầu của hầu hết những nhân tài trong Apple. Chính những nhà thiết kế, lập trình và quản lý làm việc cho Steve Jobs trong nhiều năm nhưng chưa một lần đối diện con người này sẽ trở thành một trong những lực lượng sáng tạo tuyệt vời và dường như không thể bị giới hạn của thế kỷ 21.
Một trong những thế mạnh lớn nhất của Apple là biến công nghệ trở nên dễ sử dụng, ít nhất là trong cái nhìn và cảm giác của người dùng. Tuy nhiên, chẳng có gì là dễ dàng trong quá trình tạo ra một chiếc iPhone dù các nhà phát minh của nó mô tả quá trình này là tuyệt vời.
Andy Grignon, kỹ sư cấp cao về iPhone, chia sẻ: “iPhone là lý do khiến tôi ly hôn. Trong các cuộc phỏng vấn với các kiến trúc sư và kỹ sư chủ chốt của Apple, tôi hơn một lần nghe thấy họ đề cập tới tình cảm. Và iPhone cũng hủy hoại thêm nhiều cuộc hôn nhân khác”.
Grignon mô tả thời gian làm việc để tạo ra chiếc điện thoại mang tính cách mạng này là vô cùng căng thẳng. Thậm chí, đây còn bị Grignon coi là quãng thời gian tồi tệ nhất của cuộc đời. Những người giỏi nhất được giao cho một nhiệm vụ tưởng như bất khả thi trong một thời gian bất khả thi cùng với lời nhắn nhủ “tương lai công ty phụ thuộc vào sản phẩm này”. Áp lực khiến môi trường tồi tệ ngoài sức tưởng tượng.
Theo trí thức trẻ