Kiến thức Đãi ngộ Lá thư của một nhân viên thế hệ Y gửi sếp: Chúng...

Lá thư của một nhân viên thế hệ Y gửi sếp: Chúng tôi cần điều lớn lao thực sự chứ không chỉ là tiền!

18
Thế hệ Y, họ là những người sẵn sàng làm hết mình, cống hiến hết sức nhưng cũng chấp nhận buông bỏ. Để giữ một nhân viên Millenial giỏi, các công ty cần thực sự lắng nghe xem họ muốn điều gì.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Thu hút và giữ được những nhân tài thế hệ Millennials, hay còn gọi là thế hệ Y ( những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) là một vấn đề khiến nhiều nhà quản lý đau đầu. Millennials chiếm 35% lực lượng lao động. Theo tính toán, đến năm 2020, họ sẽ chiếm khoảng 46% lực lượng lao động. Và thử tưởng tượng xem, những người sinh năm 1999 sắp vào đại học, nghĩa là chỉ còn khoảng 4-5 năm nữa thôi, tất cả thế hệ Y đã tham gia lực lượng lao động.

Nhiều công ty lớn trên toàn thế giới như G Adventures – công ty du lịch mạo hiểm lớn nhất thế giới hay ông lớn công nghệ Google đều sở hữu một dàn nhân viên đông đảo thuộc thế hệ Y. Tuy vậy, số công ty này chưa nhiều khi phần lớn các doanh nghiệp vẫn loay hoay trong việc thu hút, giữ nguồn nhân lực thế hệ Y chất lượng cao.

Vậy thế hệ Y, họ đang trăn trở điều gì và mong muốn ra sao với công việc?

Hãy bắt đầu câu chuyện với Elizabeth McLeod, một cô gái thuộc thế hệ Y, tốt nghiệp đại học Boston danh tiếng tại Mỹ. Là một người trẻ sinh ra trong khoảng đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000, Elizabeth hiểu rõ những vấn đề mà thế hệ cô gặp phải trong môi trường công việc. Chính vì vậy, cô đã có một lá thư gửi đến quản lý của mình với mong muốn chia sẻ những điều mà thế hệ cô mong muốn và những lãnh đạo công ty cần làm gì để thổi bùng lên năng lượng của những người trẻ nhiệt huyết.

“Những nhà tuyển dụng nghĩ rằng chúng tôi khác biệt nên họ luôn săn đón chúng tôi, đi kèm với suy nghĩ rằng chúng tôi sẽ theo công ty lâu dài. 6 tháng với công ty, chúng tôi cống hiến tất cả những gì mình có, rồi đến một ngày, một lá thư đến bất thình lình đặt trên bàn sếp: Chúng tôi nghỉ việc.

Tôi biết rõ những định kiến về chúng tôi: thế hệ Y không bao giờ chịu ổn định một chỗ, chúng tôi ngập trong nợ nần vì những tấm bằng vô dụng, không bao giờ chịu bỏ điện thoại xuống. Chúng tôi nghiện thứ đồ uống latte đắt tiền mà có giá bằng cả hóa đơn tiền nước. Đúng, họ không sai về những điều đó. Nhưng rõ ràng, việc chỉ ra thói tiêu xài đôi khi hoang phí và nỗi sợ hãi phải bó buộc lâu ở một chỗ của chúng tôi không phải cách để giải quyết mọi việc.

Bạn vẫn cần chúng tôi. Các công ty hàng đầu vẫn cần lực lượng trẻ tinh nhuệ. Thế hệ Y có thể sử dụng thành thạo mạng xã hội với nguồn năng lượng dồi dào mà thế hệ Z chưa có hay những người sinh trước năm 80 thì đã quá lớn tuổi.

Tôi đã làm việc tại một công ty Mỹ, các văn phòng hành chính, công ty quảng cáo và cả các nhà hàng. Sếp của tôi dao động từ 24 đến 64 tuổi. Có những người tôi yêu quý và ngược lại. Tôi đã nhìn thấy bạn bè mình nghỉ việc, và tôi cũng đã nghỉ việc vài lần. Và bạn có muốn biết lý do đằng sau lá đơn xin việc của một nhân viên thuộc thế hệ Y không?

1. Sự dung túng những nhân viên làm việc kém

Phải làm việc với những người kém là một điều không mấy dễ chịu, nhất là khi họ không có ý thức làm việc. Tôi phải làm việc vô cùng vất vả và mỗi lần ngước nhìn lên, tôi lại thấy những “Quý cô/quý anh không-làm-gì-cả” đang ngồi nghĩ xem còn bao lâu nữa mới tới giờ ăn trưa hay trưa nay ăn gì. Nó giống như một tiết học trung học mà nhiều học sinh bàn cuối gõ đều theo nhịp đồng hồ tích tắc để chờ đến lúc chuông reo. Tôi tự hỏi tại sao các sếp lại chịu đựng những thứ như vậy.

Đây có phải là tiêu chuẩn làm việc ở đây không? Nếu vậy thì không, xin cảm ơn. Làm việc với những con người trì trệ khiến chúng tôi thụt lùi trong công việc của bản thân.

2. ROI là không đủ cho chúng tôi

Tôi mất cả ngày Chủ nhật để nghĩ về việc làm sao để tạo nên sự khác biệt cho khách hàng. Đến sáng thứ hai, những gì tôi phải nghe thấy là gì? Giá cổ phiếu, hóa đơn, lợi nhuận thu được trên chi phí (ROI). Đột nhiên, tôi cảm thấy list nhạc ngày thứ hai của mình trở nên vô dụng. Tôi phải ngồi trong một phòng họp và nghe mọi người say sưa nói về dòng tiền, lợi nhuận hay những thứ sinh lời khác.

Hồi làm công việc của một barternder thời còn là sinh viên, tôi kiếm được tiền còn nhiều hơn bây giờ. Bạn nói rằng tôi sẽ được lên lương, lên chức nếu công ty đạt đủ doanh thu? Vậy thì sao? Cái tôi cần là thực tại cơ. Hãy cho chúng tôi biết chúng tôi có thể tạo nên điều khác biệt như thế nào, chứ không chỉ quanh quẩn với tiền.

3. Văn hóa công ty quan trọng hơn vài chiếc bánh panera miễn phí

Đừng nhầm lẫn giữa văn hóa công ty và những lợi ích thêm vào. Chính xác, tôi là một cô gái thế hệ Y cần tiền và những bữa trưa miễn phí thì chúng tôi không bao giờ từ chối. Tuy nhiên, tôi không dậy vào mỗi 6h sáng mỗi ngày tới công ty để chơi trò bóng gì gì đó trong phòng nghỉ. Tôi không trở nên sáng tạo hơn chỉ vì một chiếc bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ thịt xông khói.

Tôi cần những đồng nghiệp thực sự “máu lửa”, thực sự có nhiệt huyết và sẵn sàng lao vào mọi thứ để làm việc. Tôi cần một quản lý có thể giúp chúng tôi bước ra khỏi ranh giới và nghĩ khác. Làm việc trong một văn phòng đẹp, nhiều thứ giải trí quả thật rất mời gọi, bữa ăn trưa miễn phí cũng vậy. Nhưng một công ty với văn hóa rõ ràng, có tính động lực với nhân viên mới là điều tối quan trọng.

4. Chúng tôi là con người, chứ không phải con số

Đối xử với chúng tôi như những con số? Chúng tôi sẽ trả lại y nguyên vậy. Công việc rồi sẽ chẳng có gì khác ngoài mục đích kiếm tiền trả tiền thuê nhà. Tôi sẽ luôn trông chờ mòn mỏi tới thứ 6 và đếm ngược từng phút đến 5 giờ để về nhà.

Rồi tôi sẽ chứng tỏ cho họ thấy những giả định của họ là đúng. 8 tháng sau đó, tôi sẽ nghỉ việc và rời đi. Hoặc tệ hơn, tôi sẽ không làm việc mà vẫn ở lại công ty, như những “Quý cô/quý anh không-làm-gì-cả”.

Chắc chắn, cả 2 cách này đều không có gì tốt đẹp cả. Thế hệ Y chúng tôi được sinh ra với niềm tin rằng chúng tôi có thể thay đổi thế giới. Tôi mong mỏi các giám đốc hãy cho tôi thấy những công việc thực sự quan trọng với chúng tôi, dù chỉ một chút. Tôi sẽ photo tài liệu, pha cà phê, làm các công việc tẻ nhạt. Nhưng tôi sẽ không làm những điều đó để giúp sếp kiếm một chiếc Mercedes!

Tôi sẽ cho họ tất cả những gì tôi có, nhưng tôi cần phải biết rằng, nó sẽ tạo nên điều gì khác biệt, một điều lớn lao thực sự chứ không chỉ đồng tiền.

Ký tên,

Một Millenial”.

THeo VnEconomy

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không