Kiến thức Chiến lược Thị trường Bia Việt Nam: Mảnh đất màu mỡ hút doanh nghiệp...

Thị trường Bia Việt Nam: Mảnh đất màu mỡ hút doanh nghiệp ngoại

5
Thị trường bia Việt Nam đã tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây các doanh nghiệp (DN) nội địa lại thể hiện sức chiến đấu có phần “hụt hơi”, tạo điều kiện để DN ngoại thâm nhập thị trường dễ dàng hơn.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Cùng với chính sách thoái vốn nhà nước mạnh mẽ tại hai doanh nghiệp bia lớn là Habeco và Sabeco, tham vọng thống lĩnh thị trường bia Việt càng trở nên sáng sủa hơn bao giờ hết cho các doanh nghiệp ngoại.

Tham vọng lớn của đối tác ngoại

Trong khi Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (Sabeco) đang thúc đẩy mạnh công tác cổ phần hóa (CPH) thì các nhà đầu tư ngoại cũng háo hức không kém khi có cơ hội đầu tư hoặc tăng vốn sở hữu tại hai đơn vị này.

Với Habeco, trước khi tiến hành CPH IPO hồi năm 2008, đơn vị này đã ký kết đối tác chiến lược với Carlsberg. Do đó, khi tiến hành tiếp tục thoái vốn nhà nước lần này, đương nhiên đối tác chiến lược của họ được quyền ưu tiên mua cổ phần với một thỏa thuận có nhiều ưu đãi.

Sau 9 phiên đàm phán giữa Habeco và Carlsberg cho tới thời điểm này, hai bên vẫn chưa chốt được phương án cuối cùng bởi những vướng mắc về cơ chế khi Carlsberg muốn mua ít nhất 51% cổ phần. Nhưng quy định của nhà nước không cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua quá 49% cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện.

Trong khi đó các ngành nghề kinh doanh của Habeco lại bao gồm: Lương thực, bất động sản và rượu – bia – nước giải khát – là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều đó ngăn cản “tham vọng” chi phối Habeco – doanh nghiệp chiếm gần 19% thị phần bia của Việt Nam của đại gia nước ngoài Carlsberg.

Phó Tổng Giám đốc Habeco, ông Vương Toàn cho biết “sẽ có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề đàm phán với Carlsberg trước ngày 15.11.2017”.

Nếu không giải tỏa được vướng mắc này, mục đích chi phối không đạt được, rất có khả năng Carlsberg sẽ bớt mặn mà với việc mua lại cổ phần tại Habeco. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới quá trình thoái vốn nhà nước tại Habeco mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới Sabeco, bởi dù phương án thoái vốn nhà nước tại Sabeco không vướng ràng buộc với đối tác chiến lược nhưng sự vướng mắc về cơ chế chung sẽ không tạo nên sức hút đặc biệt với nhà đầu tư lớn.

Trong khi đó, tỷ lệ vốn hóa của cả Habeco và Sabeco lên tới gần 19 nghìn tỷ đồng và hơn 150 nghìn tỷ đồng, do vậy nhà đầu tư nào muốn sở hữu lượng lớn cổ phần tại hai đơn vị này, thậm chí với tham vọng nắm giữ được lượng cổ phần chi phối thì cũng cần tới khoảng 10 nghìn tỷ đồng với Habeco và hơn 75 nghìn tỷ đồng đối với Sabeco.

Cần những chính sách cởi mở hơn

Theo số liệu mới công bố của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), hiện cả nước có 117 cơ sở sản xuất bia tại 44/63 tỉnh thành phố trên cả nước. Sản lượng sản xuất tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. 6 tháng đầu năm 2017, ước cả ngành sản xuất được 1,4 tỷ lít, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong bối cảnh đó, Nhà máy bia Heniken Việt Nam đã lên kế hoạch tăng công suất sản xuất tại Việt Nam đến năm 2025. Cùng với Heniken, các hãng khác như Tiger cũng muốn tăng nguồn cung cho thị trường lên cả chục lần so mức độ hiện tại.

Hiện thị trường bia Việt Nam đã dần được an bài một cách tương đối ổn định với Habeco (18,9% thị phần), Heniken (31,7%), Sabeco (43,3%), thống lĩnh tới hơn 93,9% thị trường. Tuy vậy, việc tập đoàn bia lớn nhất thế giới AB-InBev thâm nhập thị trường gần đây đối với Sapporo hay việc sáp nhập SabMiller vào AB-InBev hay chủ trương thoái vốn Habeco, Sabeco cho thấy một tương lai sôi động với tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong thời gian tới.

Sự quyến rũ của thị trường giàu tiềm năng như Việt Nam đã thu hút các thương hiệu bia nước ngoài ồ ạt đổ bộ. Nhưng sức chiến đấu của các doanh nghiệp nội lại yếu ớt trên tất cả các khâu dẫn tới mất dần ưu thế sân nhà.

Ông Nguyễn Hữu Lộc – Giám đốc Cty CP Bia Sài Gòn – Hà Nội phân tích: “Cần phải kết nối lại nhà sản xuất và nhà phân phối, bởi đây kênh kết nối quan trọng nhất trong hệ thống để đưa sản phẩm ra thị trường. Hiện chúng ta đang thua hàng của các hãng nước ngoài. Tại sao thua? Cái này dựa vào nhà cung ứng.

Trong 5 năm vừa rồi, mức độ cạnh tranh ngành bia nói riêng chưa bao giờ lại khốc liệt như vậy. Sự cạnh tranh đến mức thôn tính, sáp nhập nhiều doanh nghiệp”.

Khó khăn càng chồng chất khi “chính sách của các bộ ngành mang tính chất chủ quan cục bộ, ảnh hưởng đến cung cầu của doanh nghiệp. Ví dụ như chính sách của ngành y tế về an toàn thực phẩm, chính sách Bộ Công Thương về việc dán tem… đã gây cho doanh nghiệp nhiều khó khăn.

Thậm chí, một số ngành không quản lý được thì ra chính sách cấm, hạn chế, gây khó cho các nhà sản xuất nghiêm túc. Những chính sách ấy kìm hãm các nhà sản xuất nghiêm túc, thành ra tạo điều kiện nâng đỡ các nhà sản xuất kém hơn” – ông Lộc nhận định.

Mặc dù vậy, ông Lộc cũng thừa nhận để cạnh tranh được trên thị trường thì “thách thức lớn nhất vẫn là cạnh tranh về uy tín. Đồng thời ở lĩnh vực phân phối, thị trường bán lẻ cạnh tranh rất khốc liệt do chính sách của các hãng bia ngoại muốn thôn tính thị trường Việt Nam rất linh hoạt mà doanh nghiệp nội không thể chạy đua. Quan trọng nhất uy tín thương hiệu của chúng ta thua kém với uy tín thương hiệu của các hãng nước ngoài. Ví dụ Heniken có uy tín toàn cầu, trong khi Sabeco chỉ đứng thứ 20…”.

Chủ tịch VBA, PGS-TS. Nguyễn Văn Việt cho rằng: “Nhà sản xuất gặp sự cạnh tranh đa chiều, thị trường có nhiều sản phẩm chất lượng kém của các hãng khác nhau nên uy tín của những người làm chân chính cũng bị ảnh hưởng. Vì thế, việc nhận diện và giới thiệu chất lượng của từng sản phẩm một là một việc cần làm để khách hàng tin tưởng ủng hộ.

Sự cạnh tranh đã khắc nghiệt là vậy nhưng chính sách mỗi ngày một nhiều, tác động tới sản xuất kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp. Có những chính sách ra tháng 12 năm trước thì yêu cầu tháng 1 năm sau phải thực hiện ngay. Ví dụ chính sách luật thuế tiêu thụ đặc biệt của năm 2014, rồi những chính sách ra năm 2016, 2017, sắp tới là 2018… mỗi một năm chúng ta tăng 5% thuế, doanh nghiệp không có sự chuẩn bị trong xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch phát triển thị trường… nên không kịp trở tay”.

Muốn doanh nghiệp bia nội có thể cạnh tranh sòng phẳng với sự đổ bộ của doanh nghiệp bia ngoại, rõ ràng chúng ta cần phải xây dựng những cơ chế chính sách mới cởi mở hơn rất nhiều để không chỉ thu hút nhà đầu tư ngoại mà còn hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh.

Theo DDDT

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không