Kiến thức Chiến lược Vì sao không nên nghĩ tới chuyện cạnh tranh công bằng?

Vì sao không nên nghĩ tới chuyện cạnh tranh công bằng?

1
Cuộc đời vốn khốc liệt thế. Trường thi là chiến trường. Không chỉ thí sinh thi mà cả gia đình cùng thi, rất khó để có thể cạnh tranh công bằng.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của anh Vũ Minh Tường, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Lãnh đạo Chiến Lược ĐH James Madison. Bài viết là mẩu chuyện vui, “mượn” các nhân vật trong truyện cổ tích Tấm Cám để nói về chuyện cạnh tranh trên trường thi đại học, cũng như trên thương trường. Mời độc giả đón đọc.

“HU HU HU!!!”

Tiếng khóc nức nở giữa trưa làm Bụt đang thiu thiu ngủ giật mình. Như một thói quen, Bụt mắt nhắm mắt mở, miệng ngáp dài một cái rồi hỏi câu hỏi đã thành thương hiệu: “Vì sao con khóc?”.

Tấm nước mắt lã chã: “Bụt ơi, con trượt đại học rồi”.

Bụt ngạc nhiên: “Trượt là trượt thế nào? Lần trước con khoe ta, 3 môn con đạt 30 điểm. Điểm tuyệt đối sao mà trượt được.”

Tấm tức tưởi: “Bụt là người trời không hiểu được đâu. Năm nay điểm sàn là 30,25 cơ. Tức là ngoài điểm tuyệt đối, phải là con em đồng bào miền núi, người dân tộc, gia đình thương binh liệt sỹ… được cộng điểm thì mới vào nổi.”

Bụt: “Có lý nào lại thế. Luật trời khuyến khích cạnh tranh công bằng, không kể xuất thân mà”.

Tấm: “Bụt ơi, ở đời làm gì có cạnh tranh công bằng. Mạnh được, yếu thua.”

Bụt: “Ta hiểu rồi. Cuộc đời vốn khốc liệt thế. Trường thi là chiến trường. Không chỉ thí sinh thi mà cả gia đình cùng thi, rất khó để có thể cạnh tranh công bằng.”

Tấm: “Con biết thế nhưng không cam lòng Bụt ơi.”

Bụt: “Tấm, con muốn sau này trở thành một doanh nhân thành công đúng không? Con nên hiểu rằng, hồi đi học con chỉ cạnh tranh với bạn cùng trang lứa. Bước vào đời, con sẽ phải cạnh tranh với cả già trẻ, lớn bé, trong nước, ngoài nước. Mỗi người đều có thế mạnh và nguồn lực riêng. Họ sẽ dùng tất cả sức lực để sống, để chiến đấu. Thương trường sẽ không phải sàn thi đấu thể thao để mọi người đều đồng hạng cân và trang bị như nhau. Con chỉ có dao, có kiếm nhưng họ sẽ dùng súng, thậm chí đại bác để đánh con. Lúc đó, con không thể ngồi đó mà mắng chửi họ chơi không công bằng được. Chúng ta chơi sòng phẳng, không chơi xấu nhưng không thể bắt họ cất súng ở nhà mà đánh tay bo công bằng với ta được.”

Tấm: “Có phải vì thế mà Bụt tặng con bí kíp quản lý rủi ro, thần công xử lý khủng hoảng?”

Bụt: “Đúng vậy! Vì nguồn lực biến đổi, môi trường cũng thay đổi. Mỗi quyết định đều có rủi ro nên ta cần quản lý nó. Không ai là không ngã, nên phải biết cách ngã mà đỡ đau. Còn xử lý khủng hoảng là cách xử lý vấn đề khi bị tai nạn bất ngờ hoặc bị chơi xấu. Tâm hại người thì không nên có nhưng tâm phòng người nhất thiết phải cần.

Thôi đừng khóc nữa. Con về nhà nuôi Bống. Rảnh thì bện chổi đót, chạy xe ôm… cố gắng thì sau này chắc chắn sẽ có nhà lầu xe hơi. Khi nào khởi nghiệp thì nhớ dùng hết các nguồn lực để làm. Mỗi kế hoạch, mỗi dự án đều phải toàn tâm toàn ý. Đừng hi vọng đối thủ sẽ cạnh tranh công bằng. Không thì lúc thất bại, khóc to gấp mười ta cũng không giúp được đâu. Thôi, ta đi đây!”

Bụt biến mất, đến và đi như một cơn gió.

Theo Nhịp sống kinh tế

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không