Kiến thức Con người Chủ nghĩa Mininalism: Phép trừ dành cho những người biết sống

Chủ nghĩa Mininalism: Phép trừ dành cho những người biết sống

14
Sống tối giản không có nghĩa là phải sống kham khổ, xa lánh người đời mà là chọn cho mình những gì tinh hoa hoa nhất, cần thiết nhất để tận hưởng niềm hạnh phúc đúng nghĩa.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Chủ nghĩa Mininalism – Sống tối giản

Trong vài năm trở lại đây, “Less is more” hay còn được hiểu nôm na là “ít hơn tức là nhiều hơn” đang dần trở thành những khẩu hiệu chung được gắn liền với chủ nghĩa sống tối giản của Nhật Bản.

Với mong muốn cuộc sống bớt đi những phiền hà, tiết kiệm thời gian cho những việc không thật sự cần thiết, lối sống tối giản này càng được ưa chuộng. Ý nghĩa ban đầu của lối sống này đơn giản chỉ là loại bỏ đi những thứ không cần thiết hoặc không dùng đến, tạo một không gian sống gọn gàng, từ đó cuộc sống cũng trở nên đơn giản hơn.

Theo tiếng Nhật, lối sống tối giản được gọi là “danshari” – giải phóng bản thân khỏi sự lệ thuộc vào đồ vật.

– “Dan” – Từ chối đem về nhà những vật dụng không cần thiết

– “Sha” – Vứt bỏ những thứ lỉnh kỉnh vướng víu trong nhà

– “Ri”- Tránh xa cám dỗ mua sắm vật chất

Nhiều người cho rằng, một cuộc sống hạnh phúc phải là được sống đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần. Thế nhưng với chủ nghĩa sống tối giản, việc sở hữu càng nhiều thứ được cho rằng sẽ khiến cuộc sống trở nên ngột ngạt, bị ràng buộc bởi việc phải ra quyết định, lựa chọn cho những điều không cần thiết.

Chủ nghĩa sống của những người nổi tiếng và thành công

Danh họa Leonardo Da Vinci từng có câu nói nổi tiếng: “Simplicity is the ultimate sophistication” (tạm dịch: đơn giản chính là đỉnh cảo của sự tinh tế).

Thực tế đã chứng minh những người càng thành công sẽ càng theo đuổi một cuộc sống đơn giản, hơn nữa càng không để những ham muốn vật chất và lợi ích khống chế bản thân. Trong khi chúng ta đang ra sức làm phép cộng, thì những người biết sống, như họ, cả đời đều đang làm phép trừ.

Steven Jobs – nhà sáng lập Apple cả một đời luôn tin rằng “ít tức là nhiều”, khi ở vào tuổi đã gần 30 mà cuộc sống gia đình và mọi thứ trong gia đình ông đơn sơ tới mức đáng ngạc nhiên. Một bức hình của Einstein, một chiếc đèn bàn Tiffanny, một cái ghế và một cái giường. Ông rất thận trọng trong việc lựa chọn từng vật dụng nhỏ cho tổ ấm của mình.

Còn Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, được hỏi tại sao trong tủ quần anh có khoảng 20 cái áo thun xám y hệt nhau, anh tự hào chia sẻ: “Tôi muốn loại bỏ nhiều điều trong cuộc sống cá nhân để tập trung cho công việc, tôi cũng cố gắng đưa ra càng ít quyết định càng tốt…

Khi thức dậy mỗi ngày, tôi biết mình đang phục vụ hơn một tỷ người. Và tôi cảm thấy tôi sẽ không làm tốt công việc của mình nếu tôi chi tiêu năng lượng cho những điều ngớ ngẩn hoặc phù phiếm trong cuộc sống của tôi”. Zuckerberg luôn mặc áo phông màu xám và quần bò đi làm đến nỗi nhân viên đều nghĩ rằng hằng ngày anh không thay quần áo.

Sống theo lối Mininalism là khi muốn nhìn cuộc sống một cách chân thật nhất

Leo Babauta – người sáng lập Zen Habits và Mnmist.com cho rằng con người sống trong xã hội hiện đại ngày nay càng cần đến lối sống này, kể cả là ở một đất nước vốn năng động, ai cũng cần có nhà ở và xe hơi như Mỹ hay là ở một đất nước tưởng như trầm lặng, yên bình nhưng lại thường xuyên xảy ra sóng thần, động đất như Nhật Bản.

Bộ đôi tác giả Joshua Fields Millburn & Ryan Nicodemus là những người người đã thổi bùng trào lưu Minimalism – Sống tối giản vào những thập niên 2010, đồng thời là tác giả của những cuốn sách truyền cảm hứng nổi tiếng như “Minimalism: Live a Meaninful Life” (Chủ nghĩa Tối giản: Sống một Cuộc đời Ý nghĩa) và “Everything That Remains” (Mọi thứ Vẫn Còn lại).

Khi họ khoảng 30 tuổi, họ có mọi thứ là những thứ đáng lẽ phải làm họ hạnh phúc: công việc với mức lương 6 con số, xế hộp cao cấp, nhà siêu to, và tất cả những thứ lộn xộn trong cái cuộc sống bị chủ nghĩa tiêu dùng chi phối.

Tuy nhiên, Joshua Fields Millburn & Ryan Nicodemus vẫn không hạnh phúc. Có những khi họ dành 70 – 80 giờ làm việc một tuần để mua lại những thiếu hụt, trống rỗng trong tâm hồn. Nhưng những gì họ nhận được lại là những phiếu nợ ngày càng nhiều hơn trong ngân hàng, cả những căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, tội lỗi, nhu nhược và áp lực.

Tồi tệ nhất là Joshua Fields Millburn & Ryan Nicodemus không thể kiểm soát thời gian của bản thân, từ đó họ đánh mất kiểm soát cuộc sống của chính mình. Ryan từng làm giám đốc điều hành và bị sa thải. Sau khi bị thất thế anh trở nên vô cùng buồn rầu chán nản, cuối cùng anh quyết định sống một cuộc sống tối giản trong 21 ngày.

Ngay ngày hôm sau, Ryan quyết định dọn dẹp căn nhà của mình và đóng tất cả đồ đạc vào thùng, sau đó mỗi ngày khi cần đến vật dụng nào anh sẽ lấy vật dụng ấy từ trong hộp ra. Ngày đầu tiên, anh cần đến một vài đồ sinh hoạt cá nhân và ga trải giường, những ngày tiếp sau đó, bản thân anh cũng chỉ cần đến mấy bộ quần áo.

Sau một tuần anh phát hiện hầu như đồ đạc vẫn còn nguyên trong thùng không động đến. Và bắt đầu từ ngày thứ 11 anh không còn cần bất cứ thứ gì trong thùng nữa.

Ba tuần sau đó, 80% đồ dùng không cần thiết của Ryan được thanh lý. Cái thì anh mang đi bán, đi quyên góp và vứt vào thùng rác. Ryan chuyển nhà và mang theo 20% đồ dùng cần thiết của mình, bắt đầu một cuộc sống mới. Anh chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên anh thực sự cảm thấy mình giàu có.

“Những đồ dư thừa rất có thể sẽ lấy đi tính mạng của bạn”

Năm 1845, học giả người Mỹ Thoreau đã đi đến bờ hồ Walden, xây dựng một ngôi nhà bằng gỗ nhỏ và sống một mình trong 2 năm 2 tháng ở đó. Trong tác phẩm nổi tiếng của mình “Walden – Một mình sống trong rừng”, ông viết: “Tôi muốn chầm chậm tiến sâu và hút hết từng vị ngọt tới tận xương tủy của cuộc sống.

Tôi sẽ sống một cách chậm rãi, đơn giản, loại bỏ tất cả những điều không thuộc về cuộc sống một cách sạch sẽ gọn gàng. Dùng hình thức cơ bản đơn giản, đơn giản nhất để đoạn tuyệt hết những thứ không liên quan”.

Tất cả mọi người, ai cũng hy vọng được sống trong một căn nhà rộng rãi, thoải mái, nhưng lại không ngừng đi mua thêm và tích trữ khiến những thứ dư thừa ngày càng nhiều và dồn ép không gian sống của chính mình. Tức là ai cũng đều đang cố gắng làm phép cộng, nhưng để có được hạnh phúc thật sự, xin hãy cố gắng học phép trừ.

Trong bộ phim truyền hình Nhật “Nhà tôi trống rỗng không một vật gì”, nữ nhân vật chính là Satō Mai sống trong một ngôi nhà lộn xộn tới mức cặp sách cũng không thể tìm được, khách đến nhà cũng không biết ngồi ở đâu. Tới một ngày bị thất tình, khi nhìn thấy bất cứ thứ gì của người bạn trai cũ cô đều cảm thấy bực bội và ném ngay xuống sàn.

Sau khi trải qua một trận động đất, vì nằm lẫn trong đống đồ lộn xộn nên đến cả cứu hộ cũng không tìm thấy cô. Và một câu nói của Satō Mai đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem: “Những thứ đồ dư thừa rất có thể sẽ lấy đi tính mạng của bạn”.

Tuy chỉ là một phép ẩn dụ nhưng bạn có thể ngầm ý hiểu rằng những thứ dư thừa trong cuộc sống sẽ làm lãng phí rất nhiều thời gian, tinh thần và thể lực của chúng ta. Hạnh phúc không phải là vẻ hào nhoáng ở bên ngoài mà nằm trong tâm hồn mỗi người. Chỉ cần biết buông bỏ những ham muốn, dục vọng bên ngoài, bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc thực sự mình đã tìm kiếm bấy lâu.

Theo Trí Thức Trẻ

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không