Trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu, các nước thường có xu hướng gia tăng sử dụng công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) như một rào cản hữu hiệu nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Thực tế trên đòi hỏi doanh nghiệp (DN) trong nước cần chuẩn bị sẵn sàng, chủ động ứng phó.
Tại hội thảo “Kinh nghiệm xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Australia” mới đây, ông Nguyễn Phương Nam – Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) – cho biết: Đến nay, có hơn 120 vụ kiện PVTM liên quan tới hàng xuất khẩu của Việt Nam do nước ngoài khởi xướng điều tra ở nhiều thị trường như EU, Hoa Kỳ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia….
Giai đoạn 2016 – 2017, có 23 vụ kiện PVTM. Trong đó, nổi bật là Australia với 6 vụ liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp với nhôm ép và thép mạ kẽm, thép dây cuộn và tháp gió. “Đây là giai đoạn “bùng nổ” của các vụ kiện từ phía Australia đối các DN Việt. Australia cũng là một trong những nước tích cực sử dụng công cụ PVTM trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đã xử lý tốt hai vụ kiện đối với mặt hàng nhôm ép và thép mạ” – ông Nguyễn Phương Nam chia sẻ.
Hiện nay, nhiều quốc gia đang đẩy mạnh biện pháp PVTM để bảo vệ nền sản xuất trong nước Hiện nay, nguồn nhân lực có kinh nghiệm về PVTM tại DN trong nước còn khan hiếm. Ông Nguyễn Trần Đại – Giám đốc Văn phòng đại diện miền Bắc, Tập đoàn Hoa Sen – chia sẻ, có ít văn phòng luật sư trong nước có kinh nghiệm ứng phó với các vấn đề PVTM, nhất là các vụ việc xảy ra ở nước ngoài. Thêm nữa, trong vấn đề hợp tác với cơ quan điều tra và tuân thủ các quy định liên quan, DN thường e ngại và không cung cấp một số thông tin nhạy cảm có thể ảnh hưởng đến kinh doanh, dẫn đến bị kết luận không hợp tác và nhận biên phá giá cao nhất.
Theo baocongthuong