Kiến thức Tài chính kế toán Tổng hợp các phương pháp xác định giá xuất kho mới nhất...

Tổng hợp các phương pháp xác định giá xuất kho mới nhất theo thông tư 200

5707
Theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp, thay thế cho Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC và Thông tư số 244/2009/TT-BTC, có sự thay đổi lớn về Nguyên tắc kế toán hàng tồn kho, trong đó, phương pháp xác định giá xuất kho cùng thay đổi. Vậy các phương pháp xác định giá xuất kho mới theo thông tư 200 là thế nào?

1. Khái quát chung

Việc lựa chọn phương pháp tính giá xuất kho phải căn cứ vào đặc điểm của từng doanh nghiệp về số lượng hàng hóa, số lượng danh điểm, số lần xuất hàng tồn kho, trình độ của nhân viên kế toán, thủ kho, điều kiện kho hàng của doanh nghiệp.

Theo Điều 13 chuẩn mực kế toán số 02 kế toán có thể áp dụng một trong các phương pháp sau:

  • Theo giá bình quân gia quyền sau mỗi lần nhập
  • Theo giá bình quân gia quyền cuối kỳ
  • Phương pháp nhập trước – xuất trước
  • Phương pháp nhập sau – xuất trước
  • Phương pháp giá bán lẻ (phương pháp mới được bổ sung)
Cụ thể nội dung chi tiết của các phương pháp sẽ được trình bày tại phần 2 sau đây!
 
phuong-phap-tinh-gia-xuat-kho-theo-TT200

2. Các phương pháp xác định giá xuất kho theo TT200

 

2.1 Theo giá bình quân gia quyền cuối kỳ (tháng)

Đối với phương pháp này, đến cuối kỳ mới tính giá vốn của hàng hóa xuất kho trong kỳ. Tùy theo lượng dự trữ của Doanh nghiệp mà kế toán hàng tồn kho căn cứ vào giá nhập, lượng bán tồn kho đầu kỳ và nhập trong kỳ để tính đơn vị bình quân.

Đơn giá xuất kho bình quân trong kỳ của một loại sản phẩm = (Giá trị hàng tồn đầu kỳ + Giá trị hàng nhập trong kỳ) / (Số lượng hàng tồn đầu kỳ + Số lượng hàng nhập trong kỳ)

Phương pháp này có các ưu điểm và nhược điểm sau đây:

  • Ưu điểm: Đơn giản, dễ thực hiện và chỉ cần làm vào cuối kỳ
  • Nhược điểm: Độ chính xác không cao, kế toán dễ bị động vì công việc tính toán dồn vào cuối tháng gây ảnh hưởng đến tiến độ của các phần hạch toán khác. Ngoài ra, phương pháp này chưa đáp ứng được kịp thời của thông tin kế toán ngay tại thời điểm phát sinh dịch vụ. 
Đối với các doanh nghiệp nhỏ, lượng sản phẩm trong kho chưa lớn có thể cân nhắc sử dụng phương pháp này.

2.2 Theo giá bình quân gia quyền sau mỗi lần nhập (bình quân thời điểm)

Sau mỗi lần nhập sản phẩm, vật tư, hàng hoá, kế toán phải xác định lại giá trị thực của hàng tồn kho và giá đơn vị bình quân. Giá đơn vị bình quân được tính theo công thức sau:

Đơn giá xuất kho lần thứ i = (Trị giá vật tư hàng hóa tồn đầu kỳ + Trị giá vật tư hàng hóa nhập trước lần xuất thứ i)/(Số lượng vật tư hàng hóa tồn đầu kỳ + Số lượng vật tư hàng hóa nhập trước lần xuất thứ i)

Phương pháp này có ưu điểm là khắc phục được những hạn chế của phương pháp trên nhưng việc tính toán phức tạp, nhiều lần, tốn nhiều công sức. Do đặc điểm trên mà phương pháp này được áp dụng ở các doanh nghiệp có ít chủng loại hàng tồn kho, có lưu lượng nhập xuất ít.

2.3. Phương pháp nhập trước – xuất trước

Phương pháp nhập trước – xuất trước áp dụng dựa trên giả định là giá trị hàng tồn kho được mua hoặc được sản xuất trước thì được xuất trước, và giá trị hàng tồn kho còn lại cuối kỳ là giá trị hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất gần thời điểm cuối kỳ.

Theo phương pháp này thì giá trị hàng xuất kho được tính theo giá của lô hàng nhập kho ở thời điểm đầu kỳ hoặc gần đầu kỳ, giá trị của hàng tồn kho cuối kỳ được tính theo giá của hàng nhập kho ở thời điểm cuối kỳ hoặc gần cuối kỳ còn tồn kho.

Ưu điểm: 

Phương pháp này giúp kế toán có thể tính được ngay trị giá vốn hàng xuất kho từng lần xuất hàng, do vậy đảm bảo cung cấp số liệu kịp thời cho kế toán ghi chép các khâu tiếp theo cũng như cho quản lý. Trị giá vốn của hàng tồn kho sẽ tương đối sát với giá thị trường của mặt hàng đó. Vì vậy chỉ tiêu hàng tồn kho trên báo cáo kế toán có ý nghĩa thực tế hơn.

Nhược điểm: 

  • Doanh thu hiện tại không phù hợp với những khoản chi phí hiện tại.
  • Theo phương pháp này, doanh thu hiện tại được tạo ra bởi giá trị sản phẩm, vật tư, hàng hoá đã có được từ cách đó rất lâu. Đồng thời nếu số lượng chủng loại mặt hàng nhiều, phát sinh nhập xuất liên tục dẫn đến những chi phí cho việc hạch toán cũng như khối lượng công việc sẽ tăng lên rất nhiều.
 
cac-phuong-phap-tinh-gia-xuat-kho-theo-TT200
 

2.4 Phương pháp nhập sau – xuất trước

 

Theo TT200 thì phương pháp nhập sau – xuất trước không còn được áp dụng phương pháp này.
“Đặc điểm vật chất bình thường của hàng tồn kho là có thời hạn sử dụng, nên trong thực tế, các loại sản phẩm nào sản xuất trước thì sẽ phải tiêu thụ trước và vì vậy phương pháp Nhập sau – Xuất trước không phản ánh đúng giá trị hàng tồn kho. Hơn nữa, theo kinh nghiệm thế giới, phương pháp Nhập sau – Xuất trước chỉ có thể áp dụng khi nền kinh tế rơi vào tình trạng siêu lạm phát và không phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam.”

2.5 Phương pháp giá bán lẻ

 

Đây là phương pháp được thêm mới thêm vào Thông tư 200, phương pháp này được sử dụng cho các doanh nghiệp bán lẻ nhằm tính giá trị của hàng tồn kho với số lượng lớn các mặt hàng thay đổi nhanh chóng và có lợi nhuận biên tương tự mà không thể sử dụng các phương pháp tính giá gốc khác.

Giá gốc hàng tồn kho = Giá bán hàng tồn kho – Tỷ lệ lợi nhuận biên theo % hợp lý

Trong đó tỷ lệ được sử dụng có tính đến các mặt hàng đó bị hạ xuống thấp hơn giá bán ban đầu của nó. Thông thường mỗi bộ phận bán lẻ sẽ sử dụng một tỷ lệ phần trăm bình quân riêng.

Chi phí mua hàng trong kỳ được tính cho hàng tiêu thụ trong kỳ và hàng tồn kho cuối kỳ. Việc lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí mua hàng tùy thuộc tình hình cụ thể của từng doanh nghiệp nhưng phải thực hiện theo nguyên tắc nhất quán.

Phương pháp giá bán lẻ được áp dụng cho một số đơn vị đặc thù (ví dụ như các đơn vị kinh doanh siêu thị hoặc tương tự). Đặc điểm của loại hình kinh doanh siêu thị là chủng loại mặt hàng rất lớn, mỗi mặt hàng lại có số lượng lớn. Khi bán hàng, các siêu thị không thể tính ngay giá vốn của hàng bán vì chủng loại và số lượng các mặt hàng bán ra hàng ngày rất nhiều, lượng khách hàng đông. Vì vậy, các siêu thị thường xây dựng một tỷ lệ lợi nhuận biên trên giá vốn hàng mua vào để xác định ra giá bán hàng hóa (tức là doanh thu). Sau đó, căn cứ doanh số bán ra và tỷ lệ lợi nhuận biên, siêu thị sẽ xác định giá vốn hàng đã bán và giá trị hàng còn tồn kho.

Hiện nay, ngành kinh doanh bán lẻ như các hệ thống, siêu thị đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Mặc dù các siêu thị, hệ thống bán lẻ vẫn áp dụng những phương pháp tính giá xuất kho khác như trong quy định, tuy nhiên không phù hợp để tính giá tồn kho và giá vốn hàng bán của siêu thị. Việc bổ sung quy định này là phù hợp với thực tiễn của thị trường Việt Nam hiện nay.

>> Kế toán chi phí sản xuất và cách tính giá thành sản phẩm

>> 7 bước cơ bản trong quy trình tính giá thành sản phẩm

Trên đây là những phương pháp xác định giá xuất kho theo thông tư 200 mới nhất hiện nay. Hy vọng rằng bài viết sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong việc xác định giá xuất kho đúng theo quy định hiện hành.

 
Với phần mềm kế toán MISA SME.NET, các nghiệp vụ quản lý, hạch toán kho,… sẽ diễn ra chính xác, đơn giản và dễ dàng hơn nhờ: thiết kế nghiệp vụ đầy đủ, tính năng tự động cho phép kiểm tra đối chiếu phát hiện nhanh chóng sai sót,.. Đặc biệt, phần mềm còn liên kết với phần mềm hóa đơn điện tử, ngân hàng điện tử và kết nối trực tiếp với Tổng cục thuế giúp cho mọi hoạt động kế toán diễn ra nhanh chóng, gọn nhẹ hơn.
dung-thu-phan-mem-ke-toan-MISA-SME,NET
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không