Kiến thức Tài chính kế toán Nghiệp vụ kế toán mua bán hàng hóa trong doanh nghiệp

Nghiệp vụ kế toán mua bán hàng hóa trong doanh nghiệp

16912
Mua bán hàng hóa là hoạt động chủ yếu ở các đơn vị có chức năng lưu thông phân phối hay còn gọi là các đơn vị kinh doanh thương mại. Tuy nhiên vẫn nhiều kế toán gặp khó khăn khi xử lý các nghiệp vụ liên quan đến hoạt động này.
Để giúp các bạn kế toán nắm chắc hơn các nghiệp vụ kế toán bán hàng, bài viết dưới đây tổng hợp những nghiệp vụ kế toán liên quan đến bán hàng hoá.

I. Nhiệm vụ của kế toán mua bán hàng hóa

Công việc của kế toán mua bán hàng hóa trong doanh nghiệp bao gồm:
  • Phản ánh chính xác, đầy đủ, kịp thời các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong quá trình mua bán hàng hóa và tính giá vốn hàng mua, giá vốn hàng tồn kho, giá vốn hàng bán và doanh số bán ra một cách đúng đắn phục vụ cho việc chỉ đạo kinh doanh. Làm tốt công tác kiểm kê, bảo đảm an toàn hàng hóa trong kho.
  • Xác định chính xác, đày đủ, kịp thời các loại doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh của từng hoạt động và của toàn doanh nghiệp trong kỳ hạch toán.
  • Cung cấp thông tin và lập báo cáo theo yêu cầu quản lý.

II. Nghiệp vụ kế toán mua bán hàng hóa

1. Nghiệp vụ kế toán mua hàng

1.1. Mua hàng theo đơn mua hàng

Khi phát sinh nghiệp vụ mua hàng theo đơn, thông thường sẽ phát sinh các hoạt động sau:
  • Căn cứ vào đề nghị mua hàng đã được phê duyệt, nhân viên mua hàng yêu cầu các nhà cung cấp gửi báo giá.
  • Căn cứ vào các báo giá, nhân viên mua hàng chọn nhà cung cấp.
  • Kế toán thẩm định nhà cung cấp, sau đó trình Giám đốc phê duyệt.
  • Nhân viên mua hàng lập và gửi đơn mua hàng tới nhà cung cấp được lựa chọn.
  • Căn cứ vào đơn mua hàng, nhà cung cấp thực hiện giao hàng.
  • Nhân viên mua hàng nhận hàng, đồng thời yêu cầu kế toán làm thủ tục nhập kho hoặc đưa vào sử dụng ngay.
Định khoản:
a. Trường hợp mua nguyên vật liệu, hàng hóa về cho hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ
  • Nợ TK 152, 156, 611… Giá mua chưa có thuế GTGT.
  • Nợ TK 133 Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).
  • Có TK 111, 112, 331… Tổng giá thanh toán.
b. Trường hợp mua hàng về không nhập kho mà đưa vào sử dụng ngay
  • Nợ TK 621, 623, 641, 642… Giá mua chưa có thuế GTGT.
  • Nợ TK 133 Thuế GTGT được khấu trừ (1331).
  • Có TK 111, 112, 331… Tổng giá thanh toán.

1.2 Mua hàng theo lệnh sản xuất

Khi phát sinh nghiệp vụ mua hàng theo lệnh sản xuất, thông thường sẽ phát sinh các hoạt động sau:
  • Căn cứ vào lệnh sản xuất đã được phê duyệt, nhân viên mua hàng yêu cầu các nhà cung cấp gửi báo giá.
  • Căn cứ vào các báo giá, nhân viên mua hàng chọn nhà cung cấp.
  • Kế toán thẩm định nhà cung cấp, sau đó trình Giám đốc phê duyệt.
  • Nhân viên mua hàng lập và yêu cầu mua hàng tới nhà cung cấp được lựa chọn.
  • Căn cứ vào yêu cầu, nhà cung cấp thực hiện giao hàng.
  • Nhân viên mua hàng sau khi nhận hàng, sẽ chuyển thẳng tới các bộ phận sản xuất để phục vụ cho hoạt động sản xuất.
Định khoản trường hợp mua nguyên vật liệu về không qua nhập kho mà đưa vào phục vụ luôn cho hoạt động sản xuất
  • Nợ TK 621, 623, 6272… Giá mua chưa có thuế GTGT.
  • Nợ TK 133 Thuế GTGT được khấu trừ (1331).
  • Có TK 111, 112, 331… Tổng giá thanh toán.

1.3. Mua hàng trong nước về nhập kho

Khi phát sinh nghiệp vụ mua hàng về nhập kho, thông thường sẽ phát sinh các hoạt động sau:

  • Khi hàng về đến kho, nhân viên mua hàng giao cho kế toán hóa đơn chứng từ và đề nghị viết phiếu nhập kho.
  • Kế toán kho lập Phiếu nhập kho, sau đó chuyển kế toán trưởng ký duyệt.
  • Căn cứ vào phiếu nhập kho, thủ kho kiểm, nhận hàng và ký vào phiếu nhập kho.
  • Thủ kho ghi sổ kho, còn kế toán ghi sổ kế toán kho.
  • Kế toán mua hàng hạch toán thuế và kê khai hóa đơn đầu vào.
  • Trường hợp nhân viên mua hàng thanh toán ngay (bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản) cho nhà cung cấp sau khi nhận được hàng, khi về đến doanh nghiệp sẽ thực hiện các thủ tục để thanh toán với Kế toán.
  • Trường hợp còn nợ nhà cung cấp, sau khi nhận được chứng từ của nhân viên mua hàng, kế toán mua hàng hạch toán công nợ với nhà cung cấp.

Định khoản:

  • Nợ TK 152, 156, 611… Giá mua chưa có thuế GTGT.
  • Nợ TK 133 Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).
  • Có TK 111, 112, 331… Tổng giá thanh toán.

1.4. Mua hàng trong nước không qua kho

Khi phát sinh nghiệp vụ mua hàng về sử dụng ngay cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (không nhập kho), thông thường sẽ phát sinh các hoạt động sau:

  • Khi nguyên vật liệu về đến phân xưởng sản xuất hoặc công trường, quản đốc phân xưởng hoặc công trường nhận nguyên vật liệu để đưa vào sản xuất.
  • Nhân viên mua hàng giao cho kế toán mua hàng hóa đơn chứng từ của nhà cung cấp.
  • Kế toán mua hàng hạch toán chi phí và kê khai hóa đơn đầu vào.
  • Trường hợp nhân viên mua hàng thanh toán ngay (bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản) cho nhà cung cấp sau khi nhận được hàng, khi về đến doanh nghiệp sẽ thực hiện các thủ tục để thanh toán với Kế toán.
  • Trường hợp còn nợ nhà cung cấp, sau khi nhận được chứng từ của nhân viên mua hàng, kế toán mua hàng hạch toán công nợ với nhà cung cấp.

Định khoản:

  • Nợ TK 621, 623, 627, 641… Giá mua chưa có thuế GTGT.
  • Nợ TK 133 Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).
  • Có TK 111, 112, 331… Tổng giá thanh toán.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

1.5 Mua hàng nhập khẩu nhập kho

Khi phát sinh nghiệp vụ mua hàng nhập khẩu về nhập kho, thông thường sẽ phát sinh các hoạt động sau:

  • Khi hàng về đến cảng, nhân viên mua hàng sẽ lập tờ khai hải quan và xuất trình các giấy tờ liên quan (tờ khai, hợp đồng, vận đơn, hóa đơn vận chuyển…).
  • Hải quan kiểm hóa và xác định thuế phải nộp.
  • Nhân viên mua hàng nộp thuế nhập khẩu (trường hợp buộc phải nộp thuế ngay).
  • Hải quan cho thông quan hàng hóa, nhân viên mua hàng nhận hàng hóa tại cảng và cho vận chuyển hàng về kho của công ty (tự vận chuyển hoặc thuê ngoài).
  • Khi hàng hóa về đến kho của công ty, nhân viên mua hàng giao toàn bộ hóa đơn, chứng từ cho kế toán mua hàng, đồng thời đề nghị nhập kho hàng hàng hóa.
  • Kế toán kho lập phiếu nhập kho.
  • Căn cứ vào phiếu nhập kho, thủ kho kiểm, nhận hàng và ký vào phiếu nhập kho.
  • Thủ kho ghi sổ kho, còn kế toán ghi sổ kế toán kho.
  • Kế toán mua hàng hạch toán thuế và kê khai hóa đơn đầu vào.
  • Nếu sau khi nhận hàng phải thanh toán luôn tiền hàng, kế toán sẽ hoàn thành các thủ tục thanh toán cho nhà cung cấp.
Định khoản:
1. Trường hợp nguyên vật liệu, hàng hóa nhập khẩu về dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ:
  • Nợ TK 152, 156, 611… Nguyên vật liệu, hàng hóa (Giá có thuế nhập khẩu).
  • Có TK 111, 112, 331.
  • Có TK 3333 Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu).

Đồng thời phản ánh thuế GTGT hàng nhập khẩu phải nộp được khấu trừ:

  • Nợ TK 133 Thuế GTGT được khấu trừ.
  • Có TK 3331 Thuế GTGT phải nộp (33312 – Thuế GTGT hàng nhập khẩu).
2. Trường hợp nguyên vật liệu, hàng hóa nhập khẩu về dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp, hoặc dùng để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT:
  • Nợ TK 152, 156 Nguyên vật liệu, hàng hóa (Giá có thuế nhập khẩu và thuế GTGT hàng nhập khẩu).
  • Có TK 111, 112, 331.
  • Có TK 3333 Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu).
  • Có TK 3331 Thuế GTGT phải nộp (33312).
Nghiệp vụ kế toán mua hàng nhập khẩu kho
1.7. Mua hàng có phát sinh chi phí mua hàng
Khi mua hàng có phát sinh các chi phí liên quan trực tiếp đến quá trình thu mua hàng hóa như: bảo hiểm hàng hóa, tiền thuê kho, thuê bến bãi, chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản đưa hàng hóa từ nơi mua về đến kho doanh nghiệp, các khoản hao hụt tự nhiên trong định mức phát sinh trong quá trình thu mua hàng hóa… Căn cứ vào các hóa đơn chi phí mua hàng liên quan, kế toán mua hàng sẽ phân bổ chi phí thu mua vào các mặt hàng đã mua theo tiêu thức Số lượng hoặc Giá trị của hàng hóa.
Định khoản:
1. Mua vật tư, hàng hóa, dịch vụ
  • Nợ TK 152, 156, 641, 642…
  • Nợ TK 133 Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).
  • Có TK 111, 112, 331…

2. Khi phát sinh chi phí mua hàng

  • Nợ TK 152, 156, 641, 642… Chi phí m ua hàng.
  • Nợ TK 133 Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).
  • Có TK 111, 112, 331… Tổng giá thanh toán.

1.8 Mua hàng có chiết khấu thương mại

Trong thỏa thuận giữa công ty và nhà cung cấp, nếu mua hàng với số lượng nào đó công ty sẽ được hưởng chiết khấu thương mại theo tỷ lệ % hoặc số tiền chiết khấu khấu thương mại cụ thể. Khi đó, số tiền chiết khấu được giảm trừ trực tiếp vào giá trị nhập kho của hàng hóa và giảm trừ vào tổng giá trị thanh toán của hóa đơn

Định khoản:

1. Mua vật tư, hàng hóa, dịch vụ

  • Nợ TK 152, 156…
  • Nợ TK 133 Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).
  • Có TK 111, 112, 331…

2. Khi phát sinh chiết khấu thương mại

  • Nợ TK 111, 112, 331… Tổng giá trị chiết khấu.
  • Có TK 152, 156… Giá trị chiết khấu chưa có thuế.
  • Có TK 133 Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).

1.9 Hàng về trước hoá đơn về sau

Khi mua hàng về mà chưa nhận được hóa đơn GTGT của nhà cung cấp, kế toán vẫn làm thủ tục nhập kho bình thường nhưng không hạch toán và kê khai thuế GTGT đầu vào. Khi nào nhận được hóa đơn sẽ hạch toán bổ sung phần thuế GTGT của hóa đơn mua hàng.

Định khoản:

1. Khi hàng về mà chưa có hóa đơn GTGT

  • Nợ TK 152, 156… Tiền hàng chưa có thuế GTGT.
  • Có TK 111, 112, 331…

2. Sau khi nhận được hóa đơn GTGT

  • Nợ TK 133 Thuế GTGT được khấu trừ (Số tiền thuế GTGT).
  • Có TK 111, 112, 331…

1.10 Hoá đơn về trước hàng về sau

Trường hợp cuối kỳ kế toán, công ty đã nhận được hóa đơn của nhà cung cấp nhưng hàng chưa về nhập kho, khi đó căn cứ vào hóa chứng từ kế toán sẽ ghi nhận hàng mua đang đi đường. Sang tháng sau, khi hàng về nhập kho, kế toán làm thủ tục nhập kho và ghi sổ kế toán.

Định khoản:
1. Khi nhận được hóa đơn mà hàng chưa về
  • Nợ TK 151 Hàng mua đang đi đường.
  • Nợ TK 133 Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).
  • Có TK 111, 112, 331… Tổng giá thanh toán.

2. Sau khi hàng về

  • Nợ TK 152, 156…
  • Có TK 151 Hàng mua đang đi đường.

1.11 Mua dịch vụ

Khi phát sinh nhu cầu sử dụng một số dịch vụ như: điện, internet, vệ sinh, vận chuyển bốc xếp hàng hóa… thông thường sẽ phát sinh các hoạt động sau:

  •  Căn cứ vào thỏa thuận về việc cung cấp dịch vụ, nhà cung cấp xuất hóa đơn và yêu cầu công ty trả tiền dịch vụ.
  • Kế toán hoàn thành các thủ tục thanh toán cho nhà cung cấp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản, nếu chưa thanh toán ngay kế toán ghi nhận công nợ với nhà cung cấp.

Định khoản:

  • Nợ TK 152, 156, 641, 642… Giá mua chưa có thuế GTGT.
  • Nợ TK 133 Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).
  • Có TK 111, 112, 331… Tổng giá thanh toán.

1.12 Giảm giá hàng đã mua về nhập kho

Khi hàng mua về nhập kho, phát hiện không đúng quy cách, phẩm chất như đã thỏa thuận ban đầu, thông thường sẽ có các hoạt động sau:
  • Công ty và nhà cung cấp sẽ thỏa thuận với nhau và lập biên bản về việc giảm giá hàng mua.
  • Nhân viên mua hàng nhận lại hóa đơn giảm giá hàng mua từ nhà cung cấp và chuyển cho kế toán mua hàng.
  • Kế toán mua hàng hạch toán khoản giảm giá hàng mua và ghi sổ kế toán.

Định khoản:

  • Nợ TK 111, 112, 331… Số tiền giảm giá hàng mua.
  • Có TK 156.
  • Có TK 133 Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).

1.13 Giảm giá hàng mua không qua kho

Khi hàng mua về được đưa vào sản xuất hoặc sử dụng ngay, phát hiện không đúng quy cách, phẩm chất như đã thỏa thuận ban đầu, thông thường sẽ có các hoạt động sau:

  • Công ty và nhà cung cấp sẽ thỏa thuận với nhau và lập biên bản về việc giảm giá hàng mua.
  • Nhân viên mua hàng nhận lại hóa đơn giảm giá hàng mua từ nhà cung cấp và chuyển cho kế toán mua hàng.
  • Kế toán mua hàng hạch toán khoản giảm giá hàng mua và ghi sổ kế toán.

Định khoản:

  • Nợ TK 111, 112, 331… Số tiền giảm giá hàng mua.
  • Có TK 621, 623, 627, 641…
  • Có TK 133 Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).

1.14 Trả lại hàng đã mua về nhập kho

Khi hàng mua về nhập kho, phát hiện không đúng quy cách, phẩm chất như đã thỏa thuận ban đầu, thông thường sẽ có các hoạt động sau:

  • Công ty và nhà cung cấp sẽ thỏa thuận với nhau và lập biên bản về việc trả lại hàng.
  • Nhân viên mua hàng đề nghị xuất kho để trả lại hàng.
  • Kế toán kho lập Phiếu xuất kho, sau đó chuyển kế toán trưởng và giám đốc ký duyệt.
  • Kế toán bán hàng lập hoá đơn GTGT cho hàng mua bị trả lại.
  • Thủ kho xuất kho hàng hóa và ghi thẻ kho.
  • Nhân viên mua hàng yêu cầu kế toán bán hàng xuất hóa đơn cho số lượng hàng mua bị trả lại.
  • Nhân viên mua hàng giao lại hàng cùng hóa hàng trả lại cho nhà cung cấp.
  • Kế toán hạch toán ghi giảm công nợ và hàng tồn kho.

Định khoản:

  • Nợ TK 111, 112, 331… Số tiền hàng mua bị trả lại.
  • Có TK 156.
  • Có TK 133 Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).

1.15 Trả lại hàng đã mua không qua kho

Khi hàng mua về được đưa vào sản xuất hoặc sử dụng ngay, phát hiện không đúng quy cách, phẩm chất như đã thỏa thuận ban đầu, thông thường sẽ có các hoạt động sau:

  • Công ty và nhà cung cấp sẽ thỏa thuận với nhau và lập biên bản về việc trả lại hàng.
  • Nhân viên mua hàng làm thủ tục để xuất lại hàng bị trả.
  • Nhân viên mua hàng yêu cầu kế toán bán hàng xuất hóa đơn cho số lượng hàng mua bị trả lại.
  • Nhân viên mua hàng giao lại hàng cùng hóa đơn hàng trả lại cho nhà cung cấp.
  • Kế toán hạch toán ghi giảm công nợ và hàng tồn kho.

Định khoản:

  • Nợ TK 111, 112, 331… Số tiền hàng mua bị trả lại.
  • Có TK 621, 623, 627, 641…
  • Có TK 133 Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).
>> Phần mềm kế toán MISA SME.NET đáp ứng mọi nghiệp vụ kế toán mua hàng, để biết thêm chi tiết vui lòng truy cập TẠI ĐÂY.

2. Nghiệp vụ kế toán bán hàng

2.1 Bán hàng theo báo giá

Khi phát sinh nghiệp vụ bán hàng theo báo giá, thông thường sẽ phát sinh các hoạt động sau:
  • Nhân viên bán hàng gửi báo giá cho khách hàng.
  • Căn cứ vào thông tin báo giá, khách hàng đặt mua hàng.
  • Nhân viên bán hàng yêu cầu xuất hoá đơn và xuất kho hàng hoá được khách hàng đặt mua.
  • Kế toán kho lập Phiếu xuất kho, sau đó chuyển Kế toán trưởng và Giám đốc ký duyệt.
  • Căn cứ vào Phiếu xuất kho, Thủ kho xuất kho hàng hoá và ghi sổ kho.
  • Nhân viên bán hàng nhận hàng và giao cho khách hàng.
  • Kế toán bán hàng xuất hoá đơn, đồng thời ghi nhận doanh thu bán hàng.
Định khoản:
  • Nợ TK 111, 131… Tổng giá thanh toán.
  • Có TK 511 Doanh thu bán hàng.
  • Có TK 3331 Thuế GTGT phải nộp (nếu có).

Đồng thời phát sinh bút toán:

  • Nợ TK 632 Giá vốn hàng bán.
  • Có TK 155, 156…

Nghiệp vụ kế toán bán hàng

2.2 Bán hàng theo đơn đặt hàng

Khi phát sinh nghiệp vụ bán hàng theo đơn đặt hàng, thông thường sẽ phát sinh các hoạt động sau:
  • Nhân viên bán hàng nhận đơn đặt hàng của khách hàng.
  • Căn cứ vào đơn đặt hàng, nhân viên bán hàng yêu cầu xuất kho hàng hóa được đặt mua.
  • Kế toán kho lập Phiếu xuất kho, sau đó chuyển Kế toán trưởng và Giám đốc ký duyệt.
  • Căn cứ vào Phiếu xuất kho, Thủ kho xuất kho hàng hoá và ghi sổ kho.
  • Nhân viên bán hàng nhận hàng và giao cho khách hàng.
  • Kế toán bán hàng ghi nhận doanh số bán hàng.
  • Nhân viên bán hàng yêu cầu kế toán bán hàng xuất hoá đơn cho khách hàng.
  • Nhân viên bán hàng giao hóa đơn cho khách hàng và yêu cầu khách hàng thanh toán.

Định khoản:

  • Nợ TK 111, 131… Tổng giá thanh toán.
  • Có TK 511 Doanh thu bán hàng.
  • Có TK 3331 Thuế GTGT phải nộp (nếu có).

Đồng thời phát sinh bút toán:

  • Nợ TK 632 Giá vốn hàng bán.
  • Có TK 155, 156…

2.3 Bán hàng theo hợp đồng

Khi phát sinh nghiệp vụ bán hàng theo hợp đồng, thông thường sẽ phát sinh các hoạt động sau:
  • Nhân viên kinh doanh thực hiện ký kết hợp đồng bán hàng với khách hàng.
  • Đến ngày giao hàng theo hợp đồng, nhân viên kinh doanh yêu cầu xuất hàng cho khách hàng.
  • Kế toán kho lập phiếu xuất kho, sau đó chuyển kế toán trưởng và giám đốc ký duyệt
  • Căn cứ vào phiếu xuất kho, thủ kho xuất kho hàng hoá và ghi sổ kho.
  • Nhân viên kinh doanh nhận hàng và giao cho khách hàng.
  • Kế toán bán hàng ghi nhận doanh số bán hàng.
  • Nhân viên bán hàng yêu cầu kế toán bán hàng xuất hoá đơn cho khách hàng.
  • Nhân viên bán hàng giao hóa đơn cho khách hàng và yêu cầu khách hàng thanh toán.
Định khoản:
  • Nợ TK 111, 131… Tổng giá thanh toán.
  • Có TK 511 Doanh thu bán hàng.
  • Có TK 3331 Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
Đồng thời phát sinh bút toán:
  • Nợ TK 632 Giá vốn hàng bán.
  • Có TK 155, 156…

2.4 Bán hàng hoá, dịch vụ trong nước

Khi phát sinh nghiệp vụ bán hàng hóa, dịch vụ, thông thường sẽ phát sinh các hoạt động sau:
  •  Khách hàng đến mua hàng, nhân viên bán hàng căn cứ vào yêu cầu khách hàng đề nghị xuất kho.
  • Kế toán kho lập phiếu xuất kho, sau đó chuyển Kế toán trưởng và giám đốc ký duyệt.
  • Căn cứ vào phiếu xuất kho, thủ kho xuất kho hàng hoá và ghi sổ kho.
  • Nhân viên kinh doanh nhận hàng và giao cho khách hàng.
  • Kế toán bán hàng ghi nhận doanh số bán hàng.
  • Nhân viên bán hàng yêu cầu kế toán bán hàng xuất hoá đơn cho khách hàng.
  • Nếu khách hàng thanh toán bằng tiền mặt cho nhân viên bán hàng thì nhân viên bán hàng sẽ nhận tiền và mang về nhập quỹ, nếu thanh toán bằng tiền gửi thì khách hàng sẽ chuyển khoản vào tài khoản của công ty.
Định khoản:
1. Ghi nhận doanh thu bán hàng
  • Nợ TK 111, 131 Tổng giá thanh toán.
  • Có TK 511 Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
  • Có TK 3331 Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
2. Ghi nhận giá vốn hàng bán
  • Nợ TK 632 Giá vốn hàng bán.
  • Có TK 152, 155, 156…

2.5 Bán hàng có chiết khấu thương mại

Khi ký hợp đồng hoặc đơn đặt hàng giữa đơn vị và khách hàng thỏa thuận nếu khách hàng mua hàng với số lượng lớn sẽ được hưởng chiết khấu thương mại theo tỷ lệ % hoặc số tiền. Khi đó, quy trình bán hàng hực hiện như sau:
  • Khách hàng gọi điện hoặc gửi email có nhu cầu mua hàng đến công ty và đề nghị công ty báo giá hàng. Nhân viên bán hàng căn cứ vào yêu cầu khách hàng gửi báo giá cho khách hàng.
  • Sau khi khách hàng gọi điện hoặc gửi mail yêu cầu giao hàng cho khách hàng thì nhân viên bán hàng làm đề nghị xuất kho.
  • Kế toán kho lập phiếu xuất kho, sau đó chuyển kế toán trưởng và giám đốc ký duyệt.
  • Căn cứ vào phiếu xuất kho, thủ kho xuất kho hàng hoá và ghi sổ kho.
  • Nhân viên bán hàng nhận hàng và giao cho khách hàng. Nếu số lượng hàng mua của khách hàng thỏa mãn điều kiện được hưởng chiết khấu thương mại thì nhân viên bán hàng đề nghị kế toán bán hàng cho khách hàng hưởng chiết khấu thương mại.
  • Kế toán bán hàng ghi nhận doanh số bán hàng, công nợ và ghi nhận chiết khấu thương mại cho khách hàng hưởng.
  • Nhân viên bán hàng yêu cầu kế toán bán hàng xuất hoá đơn cho khách hàng.
  • Sau khi khách hàng đã nhận hóa đơn từ nhân viên bán hàng thì yêu cầu khách hàng ký nhận vào vị trí người mua hàng trên hóa đơn và ký vào biên bản xác nhận đã nhận hóa đơn gốc.
Định khoản:
1. Ghi nhận doanh thu
  • Nợ TK 111, 112, 131 Tổng giá thanh toán theo hóa đơn.
  • Có TK 511 Doanh thu bán hàng.
  • Có TK 33311 Thuế GTGT phải nộp.
2. Ghi nhận khoản chiết khấu thương mại cho khách hàng
  • Nợ TK 5211 Chiết khấu thương mại (TT 200).
  • Nợ TK 511 Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (TT 133).
  • Nợ TK 33311 Thuế GTGT đầu ra được giảm.
  • Có TK 111, 112, 131.
3. Ghi nhận giá vốn hàng bán
  • Nợ TK 632 Giá vốn hàng bán.
  • Có TK 154, 155, 156, 157…

2.6 Bán hàng xuất khẩu

Khi phát sinh nghiệp vụ bán hàng xuất khẩu, thông thường sẽ phát sinh các hoạt động sau:
  •  Nhân viên kinh doanh ký kết hợp đồng bán hàng xuất khẩu với khách hàng.
  • Đặt chỗ trên tàu để xếp và chuyển hàng.
  • Phát hành chứng từ xuất khẩu: Hợp đồng, Hóa đơn, Tờ khai, Vận đơn, Chứng nhận xuất xứ.
  • Khi hàng ra đến cảng, sẽ được làm thủ tục để thông quan.
  • Khi hàng bắt đầu rời cản, bộ chứng từ cũng sẽ được gửi tới cho khách hàng.
  • Nhân viên kinh doanh thông báo cho khách hàng để theo dõi và nhận hàng.
  • Yêu cầu khách hàng thanh toán sau khi đã nhận hàng.
Định khoản:
1. Ghi nhận doanh thu bán hàng, thuế xuất khẩu
– Trường hợp 1: Trường hợp tách ngay được thuế xuất khẩu phải nộp tại thời điểm giao dịch phát sinh:
  • Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán).
  • Có TK 511 Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
  • Có TK 3333 Thuế xuất nhập khẩu (chi tiết thuế XK).
– Trường hợp 2: Trường hợp không tách ngay được thuế xuất khẩu phải nộp tại thời điểm giao dịch phát sinh
hạch toán doanh thu
  • Nợ TK 111, 112 131… Tổng giá thanh toán.
  • Có TK 511 Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Xác định số thuế xuất khẩu phải nộp:
  • Nợ TK 511 Doanh thu bán hàng.
  • Có TK 3333 Thuế xuất, nhập khẩu.
2. Ghi nhận giá vốn
  • Nợ TK 632 Giá vốn hàng bán.
  • Có TK 155, 156…
3. Khi nộp thuế xuất khẩu vào ngân sách nhà nước
  • Nợ TK 3333 Thuế xuất, nhập khẩu.
  • Có TK 111, 112…

2.7 Bán hàng thông qua các đại lý

Khi phát sinh nghiệp vụ bán hàng qua đại lý, thông thường sẽ phát sinh các hoạt động sau:
  •  Doanh nghiệp lập Phiếu xuất kho hàng gửi đại lý hoặc (Hóa đơn GTGT) kèm với hàng hóa xuất kho gửi bán đại lý.
  • Sau khi đại lý gửi bảng kê hàng hóa đã bán được thì kế toán thực hiện lập hóa đơn (nếu chưa xuất hoá đơn GTGT) để ghi nhận doanh thu, phản ánh số thuế GTGT phải nộp. Đồng thời lập phiếu xuất kho từ kho gửi bán để hạch toán giá vốn.
  • Căn cứ vào hóa đơn hoa đồng đại lý do bên nhận đại lý gửi về kế toán bán hàng sẽ hạch toán khoản chi phí hoa hồng gửi bán đại lý.
Định khoản:
1. Xuất kho gửi hàng hóa cho đại lý
  • Nợ TK 157 Hàng gửi bán.
  • Có TK 155, 156.
2. Ghi nhận doanh thu khi hàng gửi đại lý được bán
  • Nợ TK 111, 131… Tổng giá thanh toán.
  • Có TK 511.
  • Có TK 3331 Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
3. Ghi nhận giá vốn hàng bán
  • Nợ TK 632 Giá vốn hàng bán.
  • Có TK 157 Hàng gửi bán.
4. Ghi nhận số tiền hoa hồng trả cho đại lý
  • Nợ TK 641 Chi phí bán hàng (hoa hồng đại lý) (TT200).
  • Nợ TK 6421 Chi phí bán hàng (hoa hồng đại lý) (TT133).
  • Nợ TK 133 Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).
  • Có TK 111, 112, 131…

2.8 Bán hàng tại đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng

Khi phát sinh nghiệp vụ bán hàng tại đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng, thông thường sẽ phát sinh các hoạt động sau:
  • Bên giao đại lý làm thủ tục xuất hàng, đồng thời lập phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý hoặc xuất hóa đơn GTGT cho bên nhận đại lý.
  • Bên nhận đại lý làm thủ tục nhận hàng.
  • Khi hàng được bán:
+ Bên nhận đại lý xuất hàng và hóa đơn cho người mua, đồng thời ghi nhận công nợ phải trả bên giao đại lý.
+ Bên nhận đại lý lập Bảng kê hàng hóa bán ra để gửi cho bên giao đại lý.
+ Nếu khi xuất hàng cho bên nhận đại lý, bên giao đại lý lập phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý thì bên giao đại lý sẽ lập hóa đơn GTGT, kê khai thuế cho số hàng thực tế tiêu thụ. Còn nếu xuất hóa đơn GTGT thì bên nhận đại lý căn cứ vào số hàng bán còn tồn, để lập hóa đơn trả lại hàng cho bên giao đại lý để bên giao đại lý có cơ sở khai thuế.
+ Bên nhận đại lý xuất hóa đơn hoa hồng đại lý, đồng thời ghi nhận hoa hồng được hưởng.
Định khoản:

1. Khi nhận hàng đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng, doanh nghiệp chủ động theo dõi và ghi chép thông tin về toàn bộ giá trị hàng hóa nhận bán đại lý.

2. Khi bán các hàng hoá nhận làm đại lý

  • Nợ TK 111, 131, 1331… Tổng giá thanh toán của khách hàng.
  • Có TK 331 Đối tượng là bên giao đại lý.
3. Sau khi bán được hàng ghi nhận hoa hồng được hưởng từ hàng bán đại lý
  • Nợ TK 331 Phải trả người bán.
  • Có TK 511 Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
  • Có TK 3331 Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
Bán hàng tại đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng

2.9 Bán hàng tại đơn vị giao uỷ thác xuất khẩu

Khi phát sinh nghiệp vụ bán hàng qua các đơn vị nhận ủy thác xuất khẩu, thông thường sẽ phát sinh các hoạt động sau:
  •  Bên giao ủy thác xuất khẩu sau khi lựa chọn được đơn vị nhận ủy thác xuất khẩu sẽ ký hợp đồng giao nhận xuất khẩu ủy thác.
  • Sau khi ký hợp đồng thì bên ủy thác sẽ lập phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo lệnh điều động nội bộ để chuyển hàng cho bên nhận ủy thác xuất khẩu.
  • Căn cứ vào phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ thì Thủ kho xuất hàng và ghi sổ kho.
  •  Khi nhận được thông báo hàng xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan, được tính là hàng xuất khẩu thì kế toán lập hóa đơn GTGT với thuế suất thuế GTGT 0% và giao cho bên nhận ủy thác xuất khẩu. Đồng thời kế toán bán hàng sẽ ghi nhận doanh thu hàng xuất khẩu.
  • Các khoản thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu sẽ do bên nhận ủy thác xuất khẩu nộp hộ và bên giao ủy thác sẽ thanh toán lại cho bên nhận ủy thác.
  • Khi thực hiện xong dịch vụ xuất khẩu thì bên nhận ủy thác sẽ phải chuyển lại toàn bộ chứng từ xuất khẩu cho bên ủy thác xuất khẩu kèm theo hóa đơn GTGT phản ánh hoa hồng ủy thác xuất khẩu.
  • Sau khi nhận đủ chứng từ của bên nhận ủy thác xuất khẩu giao bên ủy thác xuất khẩu sẽ tiến hành bù trừ các khoản phải thu và phải trả của hai bên.
Định khoản:
1. Khi xuất kho hàng hóa gửi đi nhờ xuất khẩu hộ
  • Nợ TK 157 Hàng gửi đi bán.
  • Có TK 155, 156.
2. Khi bên nhận uỷ thác xuất khẩu thông báo hàng xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan
Ghi nhận doanh thu:
  • Nợ TK 131 Chi tiết từng đơn vị nhận ủy thác.
  • Có TK 511.
  • Có TK 333 Thuế và các khoản phải nộp NSNN ( 3332, 3333).
Ghi nhận giá vốn
  • Nợ TK 632 Giá vốn hàng bán.
  • Có TK 157 Hàng gửi đi bán.
3. Khi nhận được thông báo về số thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt bên nhận ủy thác đã nộp hộ
  • Nợ TK 333 Thuế và các khoản phải nộp NSNN (3332, 3333).
  • Có TK 111, 112 Trả tiền ngay cho đơn vị nhận ủy thác XK.
  • Có TK 338 (3388) Nếu chưa trả tiền ngay cho đơn vị nhận ủy thác XK.
  • Có TK 138 Ghi giảm số tiền đã ứng cho bên nhận ủy thác để nộp thuế.
4. Ghi nhận phí uỷ thác xuất khẩu trả cho bên nhận ủy thác
  • Nợ TK 641 Phí ủy thác xuất khẩu.
  • Nợ TK 1331 Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.
  • Có TK 338(3388) Chi tiết đơn vị nhận ủy thác.

2.10 Bán hàng tại đơn vị nhận uỷ thác xuất khẩu

Khi phát sinh nghiệp vụ bán hàng ủy thác tại các đơn vị nhận ủy thác xuất khẩu, thông thường sẽ phát sinh các hoạt động sau:
  • Sau khi hợp đồng giao nhận xuất khẩu ủy thác được ký, bên ủy thác xuất khẩu sẽ chuyển hàng cùng với phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ và lệnh điều động nội bộ cho bên nhận ủy thác.
  • Sau khi hàng hóa đã xuất khẩu thì bên nhận ủy thác yêu cầu bên ủy thác xuất hóa đơn GTGT, căn cứ vào chứng từ đối chiếu xác nhận về số lượng, giá trị hàng hóa thực tế xuất khẩu của đơn vị ủy thác xuất khẩu.
  • Bên nhận ủy thác xuất hàng và xuất hóa đơn cho người mua hàng, đồng thời ghi nhận công nợ với bên ủy thác xuất khẩu.
  • Bên nhận ủy thác xuất hóa đơn hoa hồng ủy thác cho bên ủy thác xuất khẩu, đồng thời ghi nhận doanh thu dịch vụ xuất khẩu ủy thác.
  • Sau khi chuyển đầy đủ chứng từ sang cho bên ủy thác xuất khẩu thì hai bên sẽ tiến hành bù trừ các khoản phải thu và phải trả.
Định khoản:
1. Khi nhận hàng của đơn vị uỷ thác xuất khẩu
Kế toán theo dõi số lượng, chủng loại, quy cách, phẩm chất của hàng nhận xuất khẩu ủy thác, thời gian xuất khẩu, đối tượng thanh toán.
2. Khi bán các hàng hoá nhận uỷ thác xuất khẩu
  • Nợ TK 138(1388) Tổng số phải thu của khách hàng (chi tiết đơn vị nhập khẩu).
  • Có TK 338(3388) Chi tiết đơn vị ủy thác xuất khẩu.
3. Nộp hộ thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt cho bên giao ủy thác xuất khẩu
  • Nợ TK 338 (3388) Bên ủy thác xk đã tạm ứng trước tiền nộp thuế (chi tiết đơn vị ủy thác xuất khẩu).
  • Nợ TK 138 (1388) Bên ủy thác xk chưa tạm ứng trước tiền nộp thuế (chi tiết đơn vị ủy thác xuất khẩu).
  • Có TK 111, 112.
4. Ghi nhận phí ủy thác xuất khẩu được nhận
  • Nợ TK 111, 112, 131 Tổng giá thanh toán.
  • Có TK 511 Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113).
  • Có TK 3331 Thuế GTGT phải nộp.

2.11 Bán hàng khuyến mại (không kèm điều kiện)

Doanh nghiệp có phát sinh chương trình khuyến mại cho khách hàng thông thường sẽ phát sinh các hoạt động sau:
1. Trước khi tiến hành thực hiện chương trình sẽ có 2 trường hợp:
  • Doanh nghiệp tiến hành đăng ký nội dung chương trình khuyến mại với Sở Công thương chậm nhất là 7 ngày làm việc trước khi thực hiện chương trình khuyến mại. Sau khi đăng ký với Sở Công thương và được duyệt thì bộ phận thực hiện chương trình khuyến mại sẽ lập đề nghị xuất kho hàng hóa.
  • Doanh nghiệp không đăng ký với sở Công thương, căn cứ vào Kế hoạch chương trình khuyến mại đã được duyệt, bộ phận thực hiện chương trình khuyến mại sẽ lập đề nghị xuất kho hàng hóa.
2. Kế toán lập Phiếu xuất kho, sau đó chuyển cho Kế toán trưởng và Giám đốc ký duyệt.
3. Căn cứ vào Phiếu xuất kho, Thủ kho xuất kho hàng hóa.
4. Thủ kho ghi sổ kho, Kế toán ghi sổ Kế toán kho.
5. Bộ phận thực hiện chương trình khuyến mãi sau đó đem hàng đi thực hiện chương trình.
6. Kế toán tiến hành xuất hóa đơn cho hàng khuyến mại và tiến hành ghi nhận vào chi phí của bộ phận thực hiện chương trình.
Định khoản:
1. Trường hợp xuất sản phẩm, hàng hóa để khuyến mại, quảng cáo không thu tiền, có đăng ký chương trình khuyến mại với Sở Công thương thì đơn vị xuất hóa đơn với giá tính thuế bằng 0:
  • Nợ TK 641 Chi phí SX sản phẩm, giá vốn hàng hoá (TT 200).
  • Nợ TK 6421 Chi phí SX sản phẩm, giá vốn hàng hoá (TT 133).
  • Có các TK 155, 156…
2. Trường hợp xuất sản phẩm, hàng hóa để khuyến mại, quảng cáo không thu tiền, nhưng không đăng ký chương trình khuyến mại với Sở Công thương thì phải kê khai, tính nộp thuế như hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho. Tức là giá tính thuế GTGT của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ (theo Khoản 5 Điều 7 chương II Thông tư 219/2013/TT- BTC):
– Trường hợp sản phẩm, hàng hóa mua về nhập kho sau đó xuất khuyến mại:
Khi xuất cho biếu tặng:
  • Nợ TK 641 Chi phí SX sản phẩm, giá vốn hàng hoá (TT 200).
  • Nợ TK 6421 Chi phí SX sản phẩm, giá vốn hàng hoá (TT 133).
  • Có TK 152, 153, 155, 156.
=> Nếu phải kê khai thuế GTGT đầu ra, ghi:
  • Nợ TK 133 (TT200).
  • Nợ TK 6421 (TT133).
  • Có TK 3331 Thuế GTGT phải nộp.
– Trường hợp sản phẩm, hàng hóa mua về tặng ngay:
  • Nợ TK 641 Chi phí SX sản phẩm, giá vốn hàng hoá (TT 200).
  • Nợ TK 6421 Chi phí SX sản phẩm, giá vốn hàng hoá (TT 133).
  • Nợ TK 133 Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).
  • Có TK 111, 112, 331.
  • Có TK 3331 Thuế GTGT phải nộp.

2.12. Bán hàng khuyến mại (có kèm điều kiện)

Doanh nghiệp có phát sinh chương trình khuyến mại cho khách hàng thông thường sẽ phát sinh các hoạt động sau:
1.Trước khi tiến hành thực hiện chương trình sẽ có 2 trường hợp:
  • Doanh nghiệp tiến hành đăng ký nội dung chương trình khuyến mại với Sở Công thương chậm nhất là 7 ngày làm việc trước khi thực hiện chương trình khuyến mại. Sau khi đăng ký với Sở Công thương và được duyệt thì bộ phận thực hiện chương trình khuyến mại sẽ lập đề nghị xuất kho hàng hóa.
  • Doanh nghiệp không đăng ký với sở Công thương, căn cứ vào Kế hoạch chương trình khuyến mại đã được duyệt, bộ phận thực hiện chương trình khuyến mại sẽ lập đề nghị xuất kho hàng hóa.
2. Kế toán kho lập Phiếu xuất kho, sau đó chuyển Kế toán trưởng và Giám đốc ký duyệt.
3. Căn cứ vào Phiếu xuất kho, Thủ kho xuất kho hàng hóa và ghi Sổ Kho.
4. Nhân viên kinh doanh bán hàng nhận hàng và giao cho khách hàng. Nhân viên bán hàng tiến hành theo dõi doanh số mua của khách hàng hoặc phát hàng khuyến mãi cho khách hàng được hưởng theo chương trình đã đăng ký.
5. Kế toán ghi nhận doanh số bán hàng, và doanh số hàng khuyến mãi.
6. Nhân viên bán hàng yêu cầu kế toán bán hàng xuất hóa đơn cho khách hàng.
7. Khi kết thúc chương trình khuyến mãi (đối với khách hàng truyền thống) kế toán bán hàng và nhân viên bán hàng tiến hành đối chiếu xác định khách hàng thỏa mãn điều kiện được hưởng chương trình khuyến mãi. Sau đó tiến hành trả hàng khuyến mãi cho khách hàng.
8. Kết thúc chương trình khuyến mãi doanh nghiệp lập báo cáo kết quả chương trình khuyến mãi gửi cho Sở Công thương.
Định khoản:
1. Trường hợp khuyến mại kèm theo các điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa (ví dụ như mua 2 sản phẩm được tặng 1 sản phẩm…) và có đăng ký chương trình khuyến mại với Sở công thương thì phải phân bổ số tiền thu được để tính doanh thu cho cả hàng khuyến mại, giá trị hàng khuyến mại được tính vào giá vốn (trường hợp này bản chất giao dịch là giảm giá hàng bán). Đồng thời hoá đơn xuất ra, đối với hàng khuyến mại sẽ có giá tính thuế = 0:
– Ghi nhận doanh thu:
  • Nợ TK 111, 112, 131 Tổng số tiền thanh toán (cho cả 2 mặt hàng).
  • Có TK 511 Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (phân bổ cho cả hàng khuyến mại).
  • Có TK 3331 Thuế GTGT phải nộp
– Ghi nhận giá vốn:
  • Nợ TK 632 Giá vốn hàng bán trong kỳ (của cả hàng khuyến mại).
  • Có TK 155, 156.
2. Trường hợp khuyến mại kèm theo các điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa (ví dụ như mua 2 sản phẩm được tặng 1 sản phẩm…) nhưng không đăng ký chương trình khuyến mại với Sở công thương thì phải phân bổ số tiền thu được để tính doanh thu cho cả hàng khuyến mại, giá trị hàng khuyến mại được tính vào chi phí. Đồng thời hoá đơn xuất ra, đối với hàng khuyến mại vẫn hiển thị đơn giá, thành tiền:
– Ghi nhận doanh thu:
  • Nợ TK 111, 112, 131 Tổng thanh toán cho cả hai mặt hàng (chưa có thuế).
  • Nợ TK 641(TT200), 6421(TT133) Giá trị thuế GTGT đầu ra của hàng khuyến mại.
  • Có TK 511 Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (phân bổ cho cả hàng khuyến mại).
  • Có TK 3331 Thuế GTGT phải nộp.

– Ghi nhận giá vốn:

  • Nợ TK 632 Giá vốn hàng bán trong kỳ.
  • Nợ TK 641(TT200) 6421(TT133) Giá vốn hàng khuyến mại.
  • Có TK 155, 156.
13. Giảm giá hàng bán
Khi phát sinh nghiệp vụ giảm giá hàng bán, thông thường sẽ có các hoạt động sau:
  • Nếu phát hiện hàng mua về không đúng quy cách, phẩm chất theo hợp đồng đã ký, khách hàng thoản thuận với doanh nghiệp, đồng thời lập biên bản về việc giảm giá hàng bán. (Trường hợp khuyến mại kèm theo điều kiện phải mua sản phẩm (ví dụ mua 2 tặng 1) cũng được coi như là mua hàng giảm giá hàng bán).
  • Kế toán bán hàng lập hóa đơn giảm giá hàng bán để giao cho khách hàng.
  • Kế toán bán hàng hạch toán khoản giảm giá hàng bán và ghi sổ kế toán.
Định khoản:
  • Nợ TK 5213 Giảm giá hàng bán (TT 200).
  • Nợ TK 511 Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (TT 133).
  • Nợ TK 3331 Số thuế GTGT đầu ra được giảm.
  • Có TK 111, 112, 131… Tổng số tiền giảm giá.

2.14 Trả lại hàng bán

Khi phát sinh nghiệp vụ khách hàng trả lại hàng đã bán, thông thường sẽ có các hoạt động sau:
  • Nếu phát hiện hàng mua về không đúng quy cách, phẩm chất theo hợp đồng đã ký, khách hàng thoả thuận với doanh nghiệp trả lại hàng đã mua.
  • Với Khách hàng là doanh nghiệp tổ chức có khả năng xuất hoá đơn thì KH tiến hành xuất hàng và hóa đơn trả lại hàng, nếu khách hàng là đối tượng không có hóa đơn, khi trả lại hàng hóa, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hóa, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hóa đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn), lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập.
  • Nhân viên kinh doanh nhận hóa đơn (hoặc biên bản thu hồi hoá đơn và hoá đơn đã xuất cho KH nếu KH là đối tượng không có hóa đơn) và hàng hóa.
  • Nhân viên kinh doanh đề nghị nhập kho hàng bị trả lại.
  •  Kế toán kho lập Phiếu nhập kho, sau đó chuyển Kế toán trưởng và giám đốc ký duyệt.
  • Căn cứ vào Phiếu nhập kho, Thủ kho nhập kho hàng bị trả lại và ghi sổ kho.
  • Kế toán bán hàng căn cứ vào hóa đơn bán hàng do khách hàng trả lại, thực hiện hạch toán và ghi sổ kế toán.
Định khoản:
1. Nhận lại hàng bị trả lại
  • Nợ TK 155, 156…
  • Có TK 632 Giá vốn hàng bán.
2. Thanh toán với người mua số tiền hàng bị trả lại
  • Nợ TK 5212 Hàng bán bị trả lại (TT200).
  • Nợ TK 511 Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (TT133).
  • Nợ TK 3331 Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
  • Có TK 111, 112, 131…
>> Phần mềm kế toán MISA SME.NET đáp ứng mọi nghiệp vụ kế toán bán hàng, tham khảo TẠI ĐÂY.
Không chỉ đáp ứng nghiệp vụ kế toán mua hàng và bán hàng, MISA SME.NET còn giúp kế toán tổng hợp báo cáo mua bán hàng hóa nhanh chóng, chính xác.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không