Kiến thức Tài chính kế toán Các phương pháp hạch toán kế toán hàng hóa bán buôn qua...

Các phương pháp hạch toán kế toán hàng hóa bán buôn qua kho

4447
Việc doanh nghiệp lựa chọn phương thức nào để tiêu thụ hàng hóa sẽ quyết định rất lớn đến lợi ích của doanh nghiệp đó. Trong đó, hình thức bán buôn hàng hóa qua kho đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn và áp dụng hiện nay. Vậy kế toán tại các doanh nghiệp sẽ thực hiện hạch toán kế toán hàng hóa bán buôn qua kho như thế nào là hợp lí? Dưới đây là một số hướng dẫn cơ bản giúp kế toán thực hiện đúng để tránh các sai sót xảy ra.

1. Bán buôn hàng hóa qua kho

Bán buôn hàng là hình thức tiêu thụ hàng hóa hầu hết của mọi doanh nghiệp, không bán với số lượng nhỏ lẻ mà bán theo lô, số lượng lớn. Vì vậy, người mua hàng không phải là người tiêu dùng thông thường mà là các tổng đại lý, cửa hàng phân phối lớn. Sau đó, hàng hóa mới đến được tay người tiêu dùng.
Bán buôn hàng hóa có hai cách: bán buôn hàng hóa qua kho, bán buôn hàng hóa chuyển thẳng không qua kho.

2. Cách hạch toán kế toán bán buôn hàng hóa qua kho

Với hình thức bán buôn hàng hóa qua kho cũng có 2 hình thức: giao hàng trực tiếp tại kho hoặc giao hàng bằng cách chuyển hàng.

2.1. Bán buôn hàng hóa qua kho bằng hình thức trực tiếp

Với hình thức này, bên mua hàng sẽ cử người đại diện đến kho doanh nghiệp nhận hàng trực tiếp, phía doanh nghiệp cho xuất hàng tại kho. Sau đó hai bên chính thức ký kết hợp đồng, bên mua hàng thanh toán tiền trực tiếp hoặc nợ theo thỏa thuận của đôi bên. Hàng hóa được ghi nhận đã tiêu thụ.

Mặt có lợi của hình thức bán hàng này là người mua hàng có kiểm soát chất lượng hàng trực tiếp, kỹ lưỡng, người bán hàng cũng tạo được niềm tin và uy tín với bên mua.

Sau khi hàng hóa được giao, kế toán cần ghi những bút toán sau:

Ghi nhận doanh thu bán hàng:

Nợ TK 111, 112, 131…: Tổng giá thanh toán của hàng bán

Có TK 511:  Doanh thu bán hàng theo giá bán chưa có thuế GTGT

Có TK  3331: Thuế GTGT phải nộp (33311).

Phản ánh trị giá thực tế của hàng xuất bán:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 156 – Trị giá thực tế của hàng xuất kho bán.

Lưu ý: Nếu xuất kho bao bì bán kèm theo hàng hoá tính giá riêng, kế toán ghi:

Nợ TK 138 (1388): Trị giá bao bì tính riêng

Có TK 153: Trị giá bao bì theo giá xuất kho.

Ví dụ: Ngày 5-8, doanh nghiệp X xuất trực tiếp tại kho một lô hàng có giá trị 500 triệu đồng, bao bì đi kèm tính giá riêng là 3 triệu đồng (không bán bao bì). Giá bán hàng hoá chưa thuế GTGT được công ty A chấp nhận là 600 triệu đồng (thuế GTGT 10%). Công ty A chưa thanh toán tiền.

Với nghiệp vụ trên kế toán tại đơn vị bán hàng hạch toán như sau:

  • Phản ánh doanh thu hàng bán, ghi:
Nợ TK 131 – Phải thu khách hàng (chi tiết công ty A): 660 triệu đồng
Có TK 5111 – Doanh thu bán hàng hóa: 600 triệu đồng
Có TK 33311 – Thuế GTGT đầu ra: 60 triệu đồng
  • Phản ánh trị giá bao bì tính giá riêng, ghi:
Nợ TK 1388 – Phải thu khác (chi tiết công ty A): 3 triệu đồng
Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ: 3 triệu đồng
  • Phản ánh giá vốn hàng bán, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán: 500 triệu đồng
Có TK 156 – Hàng hóa: 500 triệu đồng
bán buôn hàng hóa qua kho

2.2. Bán buôn hàng hóa qua kho theo hình thức chuyển hàng

Với hình thức này, căn cứ theo hợp đồng kinh doanh, bên doanh nghiệp xuất hàng sẽ sử dụng phương tiện vận chuyển của mình hoặc thuê ngoài, đến kho lấy hàng và vận chuyển đến địa điểm mà bên mua yêu cầu. Hàng hóa trên xe vận chuyển vẫn thuộc quyền sở hữu của bên bán hàng.

Sau khi bên mua kiểm và nhận hàng, thanh toán tiền hoặc ghi nhận nợ thì hàng hóa mới được tính là đã tiêu thụ.

Cách hạch toán kế toán như sau:

Khi xuất kho hàng hóa chuyển đến cho bên mua

Căn cứ vào Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, kế toán phản ánh trị giá hàng hóa xuất kho chuyển đi bán như sau:

  • Nợ TK 157 – Hàng gửi bán: Trị giá thực tế của hàng chuyển đi bán
  • Có TK 156 – Hàng hóa: Trị giá thực tế của hàng xuất kho.
Trường hợp hàng bán có bao bì đi kèm, tính giá riêng, khi xuất kho bao bì chuyển đến cho bên mua
 
  • Nợ TK 138 – Phải thu khác (1388): Trị giá bao bì đi kèm phải thu
  • Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ: Trị giá bao bì đã xuất kho.
Khi hàng hoá được xác định là tiêu thụ (bên mua đã nhận hàng, đã chấp nhận thanh toán hoặc đã thanh toán)

Căn cứ vào hoá đơn GTGT hay hoá đơn bán hàng và các chứng từ liên quan. Kế toán tiến hành phản ánh các bút toán sau:

  • Phản ánh doanh thu bán hàng:
Nợ TK 111, 112, 131…: Tổng giá thanh toán của hàng bán

Có TK 5111 – Doanh thu bán hàng hóa

Có TK 33311 – Thuế GTGT đầu ra.

  • Phản ánh trị giá vốn thực tế của hàng chuyển đi bán đã được khách hàng chấp nhận:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán: Trị giá vốn của hàng đã tiêu thụ

Có TK 157 – Hàng gửi bán: Trị giá hàng chuyển đi đã được chấp nhận.

Khi người mua thanh toán tiền hàng

Nợ TK 111, 112,…: Tổng số tiền hàng đã thu

Có TK 131: Số tiền hàng người mua đã thanh toán.

Đối với giá trị bao bì kèm theo hàng hoá, nếu người mua đã thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán

Nợ TK 111, 112, 131…: Số tiền bao bì đi kèm người mua đã thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán

Có TK 138 (1388): Trị giá bao bì đi kèm đã được chấp nhận thanh toán.

Trên đây là 2 phương pháp hạch toán kế toán bán buôn hàng hóa qua kho phổ biến của doanh nghiệp. Kế toán cần xác định đúng trường hợp, đối tượng để hạch toán đúng cách, tránh gây nhầm lẫn, ảnh hưởng lợi ích của doanh nghiệp.

form-news
Phần mềm kế toán MISA SME.NET là phần mềm đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nhà quản trị và kế toán. Phần mềm kế toán MISA SME.NET bao gồm 16 phân hệ phù hợp đáp ứng đầy đủ nghiệp vụ tài chính kế toán theo đúng Thông tư 133/2016/TT-BTC và Thông tư 200/2014/TT-BTC. Đăng ký dùng thử phần mềm tại đây:
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không