Trong quá trình tìm kiếm việc làm, kế toán sẽ thực hiện một số các cuộc phỏng vấn. Để các cuộc phỏng vấn trở nên suôn sẻ kế toán cần tránh những sai sót trong quá trình phỏng vấn. Dưới đây là một số kinh nghiệm phỏng vấn dành cho anh chị kế toán đúc rút từ kinh nghiệm của một số anh chị đã phỏng vấn kế toán trước đó. Dưới đây MISA đã tổng hợp chi tiết thành bài viết chia sẻ kinh nghiệm.
Trong thời gian qua, mình được anh em, bạn bè nhờ phỏng vấn tuyển dụng kế toán cũng tương đối nhiều, đối tượng PV cũng đa dạng, đa dạng từ tuổi đời, từ kinh nghiệm đến học vấn, bằng cấp … nhưng chủ yếu thấy các bạn mắc tương đối nhiều lỗi, để tránh mắc phải những lỗi sơ đẳng, các bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
1. Tác phong, thời gian
– Đầu tiên bạn luôn luôn không được đến trễ thời gian đã được hẹn để PV, trong trường hợp bất khả kháng thì phải gọi điện lại thông báo cho bên tuyển dụng và xin lỗi, nêu lý do khi bạn bắt đầu được PV.
Nhiều bạn cho rằng hẹn rồi nhưng không đến được thì thôi, làm như vậy sẽ tạo cho các bạn một thói quen xấu hoặc sẽ bị điểm trừ trong trường hợp các bạn ứng tuyển trên các trang web chuyên về tuyển dụng.
– Ăn mặc gọn gàng, lịch sự, tác phong nhanh nhẹn, nói năng từ tốn, đủ nghe, tập trung lắng nghe và trả lời đúng trọng tâm, khi nghe ko rõ bạn hoàn toàn có thể hỏi lại người PV để tránh trả lời sai câu hỏi hay là ấp úng, à ờ …
– Chuẩn bị sẵn để trả lời câu hỏi:
Câu hỏi thứ 1: Lý do em nghỉ việc tại các đơn vị cũ là gì? Điều này là rất rất quan trọng, vì nhiều bạn rất hồn nhiên nói xấu công ty cũ mà đâu biết rằng công ty bạn đang PV cũng có thể có 1 trong những điểm bạn đang nói.
Câu hỏi thứ 2: Nếu trúng tuyển thì em có thể bắt đầu đi làm từ thời gian nào? Câu này cũng tương đối quan trọng, nhiều bạn ghi rõ đang làm việc tại công ty ABC nhưng lại trả lời em có thể đi làm bất cứ lúc nào, hay sau 1-5 ngày … như vậy thể hiện là bạn có thể đi làm ngay lập tức: vậy 1 là bạn là người hoàn toàn không hề quan trọng trong bộ máy công ty bạn, 2 là bạn không có trách nhiệm đối với công việc được giao, không ý thức được tầm quan trọng của công việc kế toán, 3 là CV của bạn chỉ là ghi để cho đẹp thôi.
Các bạn nên nhớ rằng: làm gì, làm ở đâu cũng cần có cái Tâm, cần tinh thần trách nhiệm đối với công việc, đối với nghề của mình và rằng Trái đất tròn lắm, những vấn đề không hay của bạn hoàn toàn có thể làm ảnh hưởng đến bạn chỉ bởi một sự rất chi là tình cờ!
– Khi kết thúc buổi PV, bạn có thể đặt câu hỏi cho người PV về quy chế hoạt động của công ty, thời gian làm việc, chế độ lương, thưởng … và nên nói lời Cảm ơn trước khi ra về.
2. Chuẩn bị hồ sơ cẩn thận
– Hồ sơ xin việc là ấn tượng đầu tiên của người PV, nó phần nào thể hiện tính cách của bạn, nhiều hồ sơ ghi rõ ràng là phẩm chất Cẩn thận nhưng trong CV xin việc thì lỗi chính tả sai tùm lum, văn phong lủng củng, không biết trình bày văn bản, không căn chỉnh văn bản…
Trong CV thì một nguyên tắc cơ bản là Ghi quá trình làm việc theo trình tự Công việc hiện tại đang làm viết trước và lùi dần về quá khứ, để cụ thể các bạn nên ghi thêm các thông tin về Công ty đã làm như: Lĩnh vực hoạt động, quy mô doanh thu, số lượng nhân viên …
– Trong thời đại công nghệ mạng thì các bạn thường nộp hồ sơ qua mạng nên nhiều bạn khi đi PV thì đi tay không, đó là 1 ấn tượng không tốt cho người PV, bạn nên chuẩn bị 1 bộ hồ sơ bao gồm: CV, SYLL, bằng cấp liên quan … chỉ cần là hồ sơ photo, khi trúng tuyển đi làm các bạn sẽ bổ sung bộ hồ sơ theo quy định.
– CV hãy ghi trung thực và hợp lý: Nhiều bạn tuổi thì cao, CV ghi là nhiều kinh nghiệm mà lại ứng tuyển vào vị trí kế toán viên với mức lương của kế toán mới ra trường, bản thân mình khi tiếp nhận hồ sơ như vậy đã ko có thiện cảm; nhiều bạn ghi có kinh nghiệm làm BCTC nhưng khi hỏi Thông tư hướng dẫn luật thuế TNDN thì nói em không biết.
3. Xác định rõ mục tiêu
– Đầu tiên bạn phải xác định rõ vị trí tuyển dụng mà bạn đang ứng tuyển, rất nhiều bạn đi PV vị trí Kế toán tổng hợp mà Hồ sơ, năng lực và kinh nghiệm mới chỉ làm Kế toán kho, kế toán thu chi hay một vị trí Kế toán viên khác.
Các bạn phải hiểu rõ như thế nào là Kế toán tổng hợp, nó không phải đơn thuần là làm tổng hợp các công việc kế toán, hay như tại nhiều công ty thì KTTH là làm kế toán, kiêm nhân viên kinh doanh, kiêm văn thư, hành chính, bảo hiểm …
Nhiều bạn với tư tưởng là cứ đi thử xem sao nhưng quả thật khi bạn ứng tuyển vào vị trí quá cao so với thực lực của bạn thì sẽ dễ làm cho bạn nản lòng hơn là việc rút ra được bài học kinh nghiệm!
– Tìm hiều về Công ty mà bạn sẽ phỏng vấn, bao gồm: lĩnh vực hoạt động, quy mô về vốn, doanh thu, số lượng nhân viên, uy tín trên thị trường … từ đó trả lời cho câu hỏi: Tại sao bạn nghĩ bạn thích hợp với vị trí tuyển dụng tại công ty chúng tôi? Hoặc Lý do gì để Công ty chúng tôi nhận bạn vào làm việc?
4. Chuẩn bị kiến thức chuyên môn
– Tập trung ôn lại và tìm hiểu các kiến thức liên quan đến vị trí mà mình ứng tuyển: Các bạn phải tìm hiểu theo quy chuẩn chứ không phải chỉ theo những gì bạn đã làm và đã hiểu, nhiều bạn khi được đưa ra tình huống thì ngớ người ra: Ơ, công ty em không bao giờ làm cái này! Ơ tại sao lại để xuất kho âm số lượng vậy anh, em không bao giờ làm như thế (Yêu cầu của người PV là lọc các vật tư xuất âm kho!) hay em tưởng thế này, em tưởng thế kia !!!
Một khi bạn không nhớ rõ hoặc không biết thì nên trả lời thẳng thắn là vấn đề này em chưa gặp phải nên em chưa tìm hiểu kỹ, nếu trong quá trình làm việc em tự tin sẽ tìm hiểu thêm và làm được!
Nhiều bạn rất tự tin và hồn nhiên đối chất với người PV nhưng khi người PV đưa ra luận cứ Pháp luật về vấn đề đó thì lại: À ra thế! Ơ thế ạ, em cứ tưởng! Ừ nhỉ! Khi đó bạn đã rất mất điểm với nhà tuyển dụng, tranh luận là tốt và được khuyến khích nhưng đừng vội tỏ ra là mình đúng, người PV sai khi bạn chưa thật sự chắc chắn về vấn đề đó.
– Tìm hiểu kỹ về lĩnh vực hoạt động và quy mô của công ty bạn tuyển dụng: điều này thực sự là cần thiết và quan trọng, nó sẽ ảnh hưởng nhiều đến bài Test và các câu hỏi khi PV, một công ty chuyên về Sản xuất sẽ hỏi nhiều về kho, tính giá thành, định mức vật tư, định mức hao hụt …; một công ty về XNK sẽ hỏi nhiều về nguyên tắc ghi nhận tỷ giá nhập, xuất, nguyên tắc đánh giá chênh lệch tỷ giá; một công ty về xây dựng sẽ hỏi nhiều về thời điểm ghi nhận doanh thu, chi phí, các mức lương, phụ cấp liên quan đến luật thuế TNCN, luật BHXH …
– Nếu PV bài Test trên giấy hoặc máy tính thì bài thi sẽ thiên về kiến thức tổng hợp và lý thuyết, nếu là PV trực tiếp thì thiên về tình huống thực tế. Một điều nữa các bạn cũng nên để ý đến người PV trực tiếp mình: nếu là Giám đốc thì thường chỉ hỏi về các vấn đề cơ bản, nếu là Kế toán trưởng thì sẽ hỏi nhiều về chuyên môn, nếu là nhân sự thì chỉ hỏi về các vấn đề hồ sơ, thời gian làm việc … Khi làm bài Test trên giấy thì hãy đọc kỹ đề, xác định rõ yêu cầu và mục đích của yêu cầu, cố gắng làm tất cả những phần nào mà bạn có thể làm được, ko nên sa đà vào các phần khó để mất điểm ở các phần dễ.
>> Xem thêm: Tải miễn phí: Trọn bộ file excel theo vị trí công việc kế toán
5. Kỹ năng mềm
– Trước hết các bạn phải có thái độ nghiêm túc trước, trong và sau khi PV; tôn trọng đơn vị mà mình ứng tuyển hồ sơ, tôn trọng hình thức PV của họ và tôn trọng người PV.
Nhiều bạn tỏ thái độ hoặc nói luôn là bây giờ em làm theo thực tế chứ làm bài Test PV như thế này em thấy không hiệu quả! Thử hỏi xem khi chưa biết gì về bạn, bạn lấy gì để chứng minh năng lực của mình cho nhà tuyển dụng trong khi kiến thức bạn không có hoặc không chắc chắn, làm bài Test thì sai bét tè lè nhè, cho bạn thời gian ư?
Như vậy vừa lãng phí thời gian của công ty, lãng phí tiền bạc và quan trọng là lãng phí cơ hội cho các ứng viên khác tiềm năng hơn bạn! Nhiều bạn khi nộp bài Test thì nhìn như tờ giấy nháp, khi bạn muốn nháp thì hãy xin thêm giấy và nháp riêng ra, quả thật bạn có làm tốt đi chăng nữa cũng đã bị mất điểm, bạn sẽ bị loại đầu tiên khi so sánh với các bài Test có kết quả tương đương.
– Bạn hãy trang bị thêm cho mình các kiến thức khác ngoài kiến thức chuyên môn như: tin học văn phòng, phần mềm kế toán, Luật lao động, luật BHXH, luật cụ thể liên quan đến lĩnh vực hoạt động của đơn vị PV.
Khi bạn PV ở vị trí Kế toán tổng hợp, phó phòng kế toán, phụ trách kế toán hay kế toán trưởng thì kiến thức bạn cần là kiến thức tổng hợp chứ không đơn giản chỉ là kiến thức chuyên môn.
– Kỹ năng xử lý tình huống: Không ai là giỏi tất cả, không ai là biết hết mọi thứ, quan trọng nhất là biết cách xử lý tình huống. Khi bạn không biết 1 vấn đề nhưng cách trả lời và câu trả lời của bạn cũng sẽ ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Người trúng tuyển không phải là người giỏi nhất mà là người PHÙ HỢP nhất! Đừng tỏ ra khôn vặt, khôn lỏi, cách hành xử kiểu ma cô, giang hồ hay các kiểu chơi bẩn, chơi xấu … điều đó chỉ càng làm cho bạn thêm mất điểm trong mắt người PV.
– Nghiêm túc rút kinh nghiệm và nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của mình sau mỗi lần PV, người biết mình Sai mới có thể Thành công, người biết mình Ngu mới là người Thông minh; bạn có thể là người thua cuộc nhưng đừng bao giờ bỏ cuộc, bạn không trúng tuyển không có nghĩa là bạn yếu kém, không có khả năng mà đơn giản là bạn chưa phù hợp.
Hãy tự tin vào bản thân mình bởi vì nếu chính bản thân bạn còn không tin vào bạn thì không nhà tuyển dụng nào có thể đặt niềm tin vào nơi bạn. Không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân, luôn nỗ lực phấn đấu, tự lập cho mình mục tiêu Nghề nghiệp, sẵn sàng chấp nhận thử thách với công việc mới, vị trí mới, luôn có thái độ Cầu thị và Cầu tiến.
Sưu tầm
Kết:
Phần mềm kế toán MISA hiện là phần mềm kế toán được nhiều doanh nghiệp tin dùng với nhiều đáp ứng đầy đủ nhu cầu quản lý tài chính của doanh nghiệp. Phần mềm đã hỗ trợ giải quyết hầu hết các khó khăn của công việc mà kế toán thủ công không đáp ứng được. Các báo cáo của kế toán viên kịp thời và chính xác hơn, việc quản lý kho cũng phân tách rõ ràng, công nợ được phân chia theo thời hạn nợ rất cụ thể …Công cụ kế toán này đã giúp kế toán trưởng rất nhiều trong việc quản trị tài chính một cách rõ ràng và chính xác nhất.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng yêu cầu kế toán phải có kinh nghiệm trong việc sử dụng các công cụ để quản lý tài chính. Anh chị có thể đăng ký dùng thử và trải nghiệm phần mềm dưới đây!