Khi mức độ chịu rủi ro của nhà đầu tư ngày càng tăng, thị trường càng nguy hiểm.
“Đi trên dây” là một thuật ngữ hàm ý mức độ chịu rủi ro cao của một số nhà đầu tư và xu hướng này đang tăng dần trong giai đoạn này khi hầu hết các bluechips đã tăng mạnh trong thời gian trước. Dòng tiền đầu cơ tìm kiếm các cổ phiếu nhỏ, chưa có lịch sử tăng giá trong 6 tháng qua. Các câu chuyện, các tin đồn được tung lên các diễn đàn nhằm chiêu dụ “gà”, dòng tiền đổ dồn vào “đánh” trong 3,4 phiên rồi đột ngột rút.
Như câu chuyện của cổ phiếu HNM của CTCP Sữa Hà Nội, không hiểu từ đâu tin đồn về việc Hanoimilk bị một doanh nghiệp lớn cùng ngành lên kế hoạch thâu tóm khiến cổ phiếu này tăng 8 phiên trong đó có 7 phiên tăng trần, mức tăng trong vòng 2 tuần là 100%, từ mức 4.000 đồng/cp lên cao nhất 8.000 đồng/cp.
Tuy nhiên ngay sau khi Chủ tịch HĐQT của Hanoimilk là ông Hà Quang Tuấn lên tiếng phủ nhận tin đồn này thì cổ phiếu HNM giảm sàn 3 phiên liên tiếp. Tất nhiên, những ai mua ở vùng đỉnh 8.000 đồng/cp đã lỗ 27,5% chỉ trong 3 phiên. Điều đáng chú ý là thanh khoản của HNM trước khi có “sóng” chỉ ở mức vài nghìn đến 11.000 cổ phiếu/phiên, tuy nhiên khối lượng giao dịch của HNM đạt đỉnh gần 700.000 cổ phiếu/phiên trong ngày “cá mập”“xả hàng”.
Điều này tương tự như trường hợp của các cổ phiếu Sông Đà trong 2 phiên trước đây, mã SDD của CTCP Đầu tư và xây lắp Sông Đà có mức giá chỉ 3.400 đồng/cp, trong 2 phiên ngày 14/6 và 17/6 tăng trần mạnh mẽ, khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị/phiên, gấp 10 khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên trước đó, hay như cổ phiếu S96 đang nằm trong diện bị kiểm soát cũng tăng trần một cách “bất thường” trong hai phiên. Tất nhiên dòng tiền vào các cổ phiếu này chủ yếu là dòng tiền nóng nên đà tăng điểm của các cổ phiếu này không bền vững.
Một trường hợp “cá biệt” của thị trường cho thấy mức độ chịu rủi ro cao không chỉ của nhà đầu tư trong nước mà còn cả nhà đầu tư nước ngoài là cổ phiếu THV của CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam.
THV nằm trong diện kiểm soát đặc biệt và đã chính thức có quyết định bị hủy niêm yết kể từ ngày 4/7/2013 do âm vốn chủ sở hữu 45 tỷ đồng (lỗ lũy kế 622 tỷ đồng). Từ nay đến lúc hủy niêm yết chỉ còn 2 tuần và giá cổ phiếu THV đã rơi về mức 500 đồng/cp. Tuy nhiên KLGD khớp lệnh của THV trung bình 10 phiên trở lại đây lên tới 560.800 cổ phiếu, có phiên ngày 12/6 khi THV xuống 400 đồng/cp, mã này khớp lệnh tới 2,4 triệu đơn vị.
Nhà đầu tư nước ngoài thỉnh thoảng mua vào cổ phiếu THV, khối lượng mỗi lần mua từ 10-20 nghìn cổ phiếu, tuy nhiên trong 3 phiên cuối tuần qua nhà đầu tư đã bán ra hơn 100 nghìn cổ phiếu này.
Nếu tính về giá trị thì dòng tiền vào THV không lớn, khoảng 280 triệu đồng/phiên, tuy nhiên với trường hợp của THV chuẩn bị hủy niêm yết thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể mất trắng khoản đầu tư này, bởi THV đã âm vốn chủ sở hữu do đó nhà đầu tư không thể trông mong được gì từ các khoản “chia chác” nếu THV bị hủy niêm yết.
Ngoài ra, một số nhà đầu tư mạo hiểm còn thích đầu tư vào các cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch với kỳ vọng sau khi công ty đó giải trình cổ phiếu sẽ tăng trở lại. Như trường hợp của cổ phiếu NTB bị tạm ngưng giao dịch từ 7/5/2013 do lỗ 2 năm liên tiếp, giá cổ phiếu NTB chỉ còn 2.500 đồng/cp và mã này đã tăng trần 3 phiên liên tiếp trước khi tạm ngừng giao dịch, với KLGD mỗi phiên lên tới hơn 240.000 đơn vị. Với những nhà đầu tư mua trần trong các phiên này, cổ phiếu đã phải “nằm im” trong hơn 1 tháng qua và cho đến tận giờ này, NTB vẫn chưa có giải trình cũng như biện pháp khắc phục để có thể được giao dịch trở lại. Và đó là cái giá mà những nhà đầu tư “thích đi trên dây” phải trả khi đầu tư vào các cổ phiếu mạo hiểm như vậy.
Trên sàn HoSE hiện có 10 cổ phiếu thuộc diện bị kiểm soát và 45 cổ phiếu thuộc diện cảnh bảo do thua lỗ, trong khi đó trên sàn Hà Nội từ đầu năm đến nay HNX đưa 39 cổ phiếu vào diện bị kiểm soát và hiện có hơn 100 mã bị cảnh báo.
Theo Trí Thức Trẻ
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông