Trung Quốc: Khủng hoảng tiền mặt mới chỉ bắt đầu

44
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamKhan hiếm tiền ở ngân hàng Trung Quốc những tuần gần đây chỉ là bắt đầu nếu lãnh đạo Trung Quốc đẩy mạnh thả nổi lãi suất, nới lỏng kiểm soát vốn.
Giới phân tích cho rằng, việc nới lỏng hơn nữa kiểm soát lãi suất và tỷ giá hối đoái sẽ làm tăng thách thức đối với các ngân hàng Trung Quốc trong việc quản lý rủi ro. “Bất ổn gần đây đã lộ ra những rủi ro do thả nổi lãi suất quá nhanh hoặc phụ thuộc quá nhiều vào lãi suất để đạt mục tiêu”, Yukon Huang, cựu giám đốc World Bank phụ trách Trung Quốc nhận định.
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết muốn đẩy nhanh thả nổi lãi suất và ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) năm ngoái cho phép ngân hàng thương mại linh hoạt hơn trong việc thay đổi lãi suất tiền gửi.
Một lý do khiến thả nổi lãi suất có thể dẫn đến bất ổn là động thái này có thể tạo ra cạnh tranh mạnh giữa các ngân hàng để thu hút tiền gửi. Markus Rodlauer, phó giám đốc bộ phận châu Á – Thái Bình Dương tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết: “Trung Quốc phải suy nghĩ thật kỹ về khả năng các ngân hàng phải cạnh tranh quá gay gắt và tự kéo nhau vào thua lỗ?'”
“Thả nổi lãi suất hiện nay sẽ khó tránh khỏi khiến lãi suất tiền gửi tăng mạnh. Các ngân hàng có thể chịu rủi ro do áp lực giảm chênh lệch lãi suất. Điều này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính”, Huang Jinlao, phó chủ tịch ngân hàng Hua Xi, một ngân hàng tầm trung ở Trung Quốc nhận định hồi tháng 4.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quan sát thị trường khác lại có quan điểm lạc quan hơn. Jimmy Leung, chuyên gia về thị trường vốn và ngân hàng tại PwC cho rằng, ngân hàng không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn cạnh tranh với các định chế cho vay không chính thống. “Nếu thả nổi lãi suất mạnh hơn, lĩnh vực ngân hàng sẽ thu hút nhiều tiền hơn từ hệ thống cho vay ngầm hay từ các khách hàng cá nhân vào hệ thống ngân hàng chính thống bởi lãi suất tăng sẽ thu hút nhiều tiền gửi hơn”, ông nói.
Về vấn đề bốc hơi nguồn vốn, giới chuyên gia cho rằng, thả nổi lãi suất có thể đe dọa các ngân hàng tư nhân Trung Quốc nhưng khi Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt dòng vốn thì dòng tiền sẽ không rời khỏi Trung Quốc, do đó nguy cơ khủng hoảng toàn hệ thống khó xảy ra. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc đẩy mạnh mục tiêu hoán đổi toàn diện nhân dân tệ, nguy cơ bất ổn có thể sẽ tăng.
“Trong dài hạn, Trung Quốc chủ yếu đối mặt với sức ép dòng vốn chảy vào mà không phải dòng vốn chảy ra”, Sheng Songcheng, người đứng đầu bộ phận thống kê và nghiên của PBOC nhận định.

Theo Reuters/Dân Việt

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không