Hàng loạt đầu tư lớn của các hãng công nghệ nổi tiếng đem lại hy vọng Việt Nam sẽ trở thành “công xưởng sản xuất điện tử” của thế giới.
Nhà máy Sam Sung
Nối tiếp “hiệu ứng Intel”
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Samsung sẽ tiếp tục đầu tư 1 tỷ USD vào SHTP để sản xuất màn hình LCD và các bộ phận liên quan. Sau khi đầu tư hai nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, công bố đầu tư mới của Samsung được nhìn nhận như một quyết tâm của tập đoàn này trong cam kết đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của Hãng tại châu Á. Ngoài ra, quyết tâm này của Samsung cũng giúp Việt Nam tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư khác.
Liệu Việt Nam có đang là điểm đến của hiện tượng “tái di dời sản xuất” và tiềm năng trở thành công xưởng sản xuất điện tử? Có thể thấy, Intel đã mở đầu “làn sóng thứ hai” đầu tư nước ngoài ở Việt Nam vào năm 2010 khi xây dựng tại TP.HCM nhà máy trị giá 1 tỷ USD sản xuất chip điện tử lớn nhất của Hãng, ngoài Trung Quốc.
Thời điểm đó, tân Tổng giám đốc của Intel Paul Otellini cho rằng “giá trị của nhà máy Intel không phải là 1 tỷ USD mà là sự thu hút các nhà đầu tư công nghệ khác”. Và ông cũng cho rằng, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam muốn phát triển phải xây dựng được ngành công nghiệp phụ trợ cho các công ty lớn như Intel.
Thực tế, sau 4 năm, Khu Công nghệ cao TP.HCM thu hút gần 30 dự án công nghệ cao, trong đó có Intel, Jabil, Nidec, Datalogic… Từ đầu năm đến nay, Khu Công nghệ cao TP.HCM đã có 60 giấy phép đầu tư với tổng vốn 2,3 tỷ USD, trong đó có 29 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 1,7 tỷ USD. Hiện, khu công nghệ này đang thực hiện dự án mở rộng 70ha nhằm tạo môi trường tốt để thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.
Năm 2013, xuất khẩu các mặt hàng điện tử và linh kiện điện tử của Việt Nam tăng 35% so với năm 2012. Con số này cho thấy quy mô sản xuất của ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đang tăng dần. Sau khi nhà máy ở Thái Nguyên của Samsung đi vào hoạt động, các nhà đầu tư vệ tinh cũng đã tìm đến tỉnh này.
Hàng trăm triệu USD đã được các nhà sản xuất linh kiện điện tử đầu tư ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, biến khu vực này dần trở thành “trung tâm mới” của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam. Chẳng hạn, Công ty Công nghệ Laird (Anh) vừa khai trương nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Bắc Ninh trên diện tích hơn 10.000m2 với vốn đầu tư 4,7 triệu USD.
Nhà máy này sẽ sản xuất linh kiện điện tử cho điện thoại thông minh và thiết bị y tế như tấm chắn chống nhiễm điện từ, thiết bị tín hiệu đồng bộ, ăng-ten thông minh, hệ thống điều khiển không dây tích hợp tự động…
Ông David Lookwood, Tổng giám đốc Laird cho biết, nhà máy ở Bắc Ninh của Laird chính là sự bổ sung cho trung tâm thiết kế mới của Laird và Công ty Chế tạo khuôn mẫu Model Solution mà Laird mới mua tại Seoul (Hàn Quốc), cũng như các nhà máy khác tại Trung Quốc, Malaysia.
Hiện tại, Laird có 14 nhà máy ở châu Á, chuyên nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế và chế tạo sản phẩm. Đại diện của Laird không giấu giếm mục tiêu tăng cường sự hiện diện toàn cầu và mở rộng tiếp cận tới các thị trường chủ chốt trong khu vực châu Á.
Trong khi đó, theo Samsung Electronics Việt Nam (SEV), trong số 60 nhà cung ứng linh kiện hiện tại cho SEV, có 45 nhà cung cấp của Hàn Quốc, 5 của Việt Nam và 10 là từ các quốc gia khác.
Không chỉ tập trung ở Bắc Ninh (28 nhà cung cấp), các nhà đầu tư còn tìm đến Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nội… để xây dựng nhà máy. Trong đó, Hải Phòng cũng đang nổi lên trở thành điểm đến của các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử.
Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam, Samsung đầu tư quy mô lớn vào Việt Nam trước tiên bởi sự ổn định và nhất quán về chính trị của Việt Nam. Nguồn lao động dồi dào và đầy tiềm năng của Việt Nam cũng là nhân tố rất quan trọng để Samsung lựa chọn Việt Nam là điểm đến.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam có 10 mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị từ 1 tỷ USD trở lên trong 5 tháng đầu năm 2014. Trong đó, mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với 9,98 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Hiện nay, có khoảng 54.000 lao động làm việc tại 2 nhà máy của Samsung tại Việt Nam.
Thực tế, Việt Nam có tỷ suất tốt về giá cả nhân công. Một lý do khác nữa là Chính phủ Việt Nam và các tỉnh đều cho các tập đoàn đầu tư ưu đãi về thuế.
Chẳng hạn để thuyết phục Samsung đầu tư xây dụng nhà máy mới trên địa bàn, tỉnh Thái Nguyên đã cho Samsung những khoản lợi rất quan trọng về thuế trong 16 năm.
Tuy nhiên, ông Trần Quang Hùng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, cho biết, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay không có nhiều sự đóng góp của doanh nghiệp nội địa.
Tổng doanh số xuất khẩu phần cứng – điện tử năm qua đạt hơn 30 tỷ USD, nhưng trong đó hơn 20 tỷ USD thu được từ xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện điện thoại của Samsung cùng một số doanh nghiệp nước ngoài khác, còn lại hơn 10 tỷ USD thu được từ xuất khẩu các linh kiện điện tử khác và máy tính (cũng chủ yếu từ các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài).
Vì thế, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở công đoạn đơn giản nhất là lắp ráp. Ngoài nỗ lực tự thân của Việt Nam, tương lai của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam phụ thuộc nhiều vào chiến lược của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong việc tăng tỷ lệ R&D.
Thông tin ban đầu cho thấy, Samsung đã cam kết sẽ đầu tư nhà máy sản xuất màn hình LCD tại TP.HCM theo đúng tiêu chuẩn để được hưởng ưu đãi theo Luật Công nghệ cao của Việt Nam. Theo đó, Samsung không chỉ đầu tư nhà máy mà còn lập trung tâm nghiên cứu và phát triển để nghiên cứu, thiết kế sản phẩm tại TP.HCM.
Ngoài ra, Samsung sẽ đáp ứng các điều kiện như: tổng chi bình quân của doanh nghiệp trong ba năm liền cho R&D (được thực hiện tại Việt Nam) đạt ít nhất 1% tổng doanh thu hằng năm, từ năm thứ tư trở đi phải đạt trên 1% tổng doanh thu.
Đặc biệt, điều kiện Việt Nam đưa ra là doanh thu bình quân của doanh nghiệp trong ba năm liền từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 60% trong tổng doanh thu hằng năm… dự kiến cũng sẽ được Samsung đáp ứng.
Theo DNSG
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông