Kiến thức Báo chí viết về chúng tôi MISA sẵn sàng cung cấp dịch vụ CNTT

MISA sẵn sàng cung cấp dịch vụ CNTT

215
ICTnews – Hàng loạt doanh nghiệp CNTT như Viettel, VNPT, FPT, Hanel, MISA… đều đã sẵn sàng cung ứng đa dạng dịch vụ CNTT cho các doanh nghiệp Nhà nước.

Trao đổi với ICTnews, ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) cho biết, tại Việt Nam đang có 3 loại hình dịch vụ CNTT thường hay được các cơ quan Nhà nước thuê của doanh nghiệp. Một là, dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng hệ thống CNTT, quản trị mạng, có quy mô thị trường khoảng 4.000 – 5.000 tỷ đồng/năm (chủ yếu là bảo trì, bảo dưỡng hệ thống ATM, POS, hệ thống máy chủ lớn, hệ thống lưu trữ, hệ thống mạng và bảo mật). Hai là, dịch vụ quản trị, vận hành hệ thống ứng dụng CNTT lớn như ngân hàng lõi, thuế thu nhập cá nhân, cấp phát ngân sách – kho bạc quốc gia… Ba là, dịch vụ cho thuê phần mềm trên nền tảng điện toán đám mây với rất nhiều loại phần mềm khác nhau như kế toán, ERP, quản lý bán hàng, quản lý khách sạn, phòng khám… Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã sẵn sàng tham gia lĩnh vực cho thuê dịch vụ CNTT, điển hình như FPT, Viettel, VNPT…

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Tổng Giám đốc MISA khẳng định: “Doanh nghiệp CNTT Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng cung cấp hầu hết các dịch vụ CNTT, từ phần cứng và thiết bị, đến các phần mềm ứng dụng. Phương thức cung cấp có thể theo cả hai cách: cho thuê thiết bị mang đến tận nơi khách hàng sử dụng; hoặc cung cấp trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây. Với nền tảng điện toán đám mây, các doanh nghiệp có thể cung cấp 3 loại dịch vụ: cho thuê hạ tầng (như máy chủ và trang thiết bị), cho thuê nền tảng (gồm hạ tầng, máy chủ đã có sẵn các phần mềm hệ thống) và cho thuê phần mềm”.

Hiện tại, MISA đã có nhiều phần mềm quản lý được cung cấp cho các cơ quan Nhà nước dưới dạng dịch vụ như Quản lý tài sản, Quản lý Hộ tịch, Quản lý Trường học và sắp tới là Phần mềm kế toán hành chính sự nghiệp. Các phần mềm này được cung cấp dưới dạng thuê bao hàng năm. Dự kiến, MISA sẽ triển khai phương thức cho thuê dịch vụ cho tất cả các dòng sản phẩm của mình.

Đại diện của Công ty TNHH MTV Hanel cũng cho biết đã sẵn sàng cung cấp tổng thể các dịch vụ CNTT cho cơ quan Nhà nước bao gồm dịch vụ hạ tầng CNTT, dịch vụ bảo mật CNTT, dịch vụ dữ liệu (cả tích hợp, lưu trữ và phân tích), cung cấp ứng dụng CNTT trong Chính phủ dưới dạng dịch vụ, dịch vụ về nâng cao năng lực quản trị CNTT thông qua hoạt động tư vấn, đào tạo. MTV Hanel đang là một trong số không nhiều doanh nghiệp CNTT ở Việt Nam có được hệ sinh thái hội tụ cả hai nhóm nhà cung cấp dịch vụ CNTT bao gồm các nhà cung cấp hạ tầng và nhà cung cấp ứng dụng, nội dung cho các cơ quan Nhà nước.
thuê dịch vụ CNTT

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Bảo trì, bảo dưỡng hệ thống CNTT là một trong những loại hình dịch vụ CNTT thường được cơ quan Nhà nước thuê của doanh nghiệp. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Các doanh nghiệp CNTT đều đánh giá việc cho phép các cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ CNTT của doanh nghiệp là chủ trương đúng đắn của Chính phủ.

“Tính khả thi của việc thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước là rất cao vì thực tế các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đều sẵn sàng và nhiều doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ cho một số cơ quan Nhà nước. Tất cả chỉ còn chờ hướng dẫn thực hiện một cách chính thức từ Chính phủ. Rất mong Chính phủ sớm ban hành quy định hướng dẫn việc thực hiện thuê ngoài dịch vụ CNTT để các cơ quan Nhà nước cũng như doanh nghiệp CNTT có căn cứ thực hiện”, ông Nguyễn Xuân Hoàng đề xuất.

Đại diện MTV Hanel chia sẻ mong muốn Chính phủ sớm chọn các chủ đầu tư và nhà cung cấp phù hợp để triển khai thí điểm, sau đó nhân rộng mô hình thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước. Hanel sẵn sàng tham dự việc thí điểm cung cấp dịch vụ CNTT cho các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là trong những lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, dịch vụ công tại chính quyền Trung ương và địa phương.

Còn theo ông Đỗ Cao Bảo, cơ sở pháp lý đang là vấn đề cần ưu tiên giải quyết nhanh chóng để có thể đưa chủ trương triển khai dịch vụ thuê ngoài CNTT vào thực tiễn. Không chỉ Bộ TT&TT mà một số Bộ ngành khác cũng cần vào cuộc như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – Đầu tư. Chí ít các Bộ liên quan cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cho các cơ quan Nhà nước biết có thể lấy tiền từ nguồn nào dùng cho việc thuê ngoài dịch vụ CNTT và quy trình thực hiện ra sao?

Theo ICTnews

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không