vào công nghệ, thay vào đó là ngoại ngữ, kỹ năng mềm. Tại sao?
Lạc hậu công nghệ trong giáo trình: chuyện xưa
Những năm trước đây, cử nhân CNTT khi được tiếp nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp thường bị đánh giá là lạc hậu về trình độ công nghệ. Nguyên nhân được lý giải do giáo trình trong nhà trường thường chậm thay đổi; quy trình cập nhật bổ sung nội dung giáo trình rắc rối. Thông thường, công nghệ mới sau 2 năm đã trở nên lạc hậu. Vì vậy, ngay cả khi có thay đổi giáo trình thì khi sinh viên học xong, ra trường cũng không áp dụng được vì công nghệ được học đã lỗi thời.
Để khắc phục điểm yếu này, hầu hết các công ty CNTT đều đào tạo lại các cử nhân sau khi tuyển dụng. Thông thường, thời gian đào tạo lại từ 1- 3 tháng để giúp nhân viên cập nhật công nghệ mà công ty đang áp dụng cũng như làm quen với quy trình doanh nghiệp.
Thế nhưng, sau một quá trình đào tạo lại, doanh nghiệp lại nhận ra điểm yếu của nguồn nhân lực CNTT không ở công nghệ mà ở khả năng ngoại ngữ và kỹ năng mềm.
Chuyện nay: Tiếng Anh, kỹ năng mềm và khả năng tự học
Ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Aprotrain Aptech chia sẻ, ngày nay, các hãng công nghệ lớn như Microsoft, Google… luôn chủ động đưa ra các nền tảng công nghệ (platform) nên người lập trình không mất thời gian học hỏi nhiều. Việc này tương tự như đưa ra các khung có sẵn cho ngôi nhà. Nếu có vấn đề khó, bản thân các hãng sẽ có chuyên gia công nghệ để chủ động giải quyết.
Đặc điểm doanh nghiệp lưu tâm hiện nay là trong hệ thống công việc nhiều người tham gia, làm thế nào để nhân viên làm việc được với nhau. Chính là những kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng làm việc độc lập, bản đồ tư duy, kỹ năng quản lý dự án, quản lý thời gian, kỹ năng lập kế hoạch… sẽ hỗ trợ điều này. Các kỹ năng mềm sẽ giúp người trình bày “mã hóa”, người tiếp nhận “giải mã” các thông điệp giao dịch trong công việc hàng ngày.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty MISA cũng thừa nhận khoảng cách về công nghệ của các sinh viên ngày nay không còn lớn như trước. Hầu hết các trường đại học đều có những buổi học chuyên đề cho các sinh viên năm cuối để cập nhật công nghệ. Nhưng họ lại yếu ngoại ngữ. Điều này làm sinh viên giảm khả năng tự học hỏi, tự nghiên cứu để có những bước tiến dài hơn trong sự nghiệp bởi phần lớn các tài liệu đều bằng tiếng Anh.
Nếu không tự khắc phục các điểm yếu này, các sinh viên đại học chính quy sẽ khó cạnh tranh được với nguồn nhân lực từ các cơ sở đào tạo phi chính quy như NIIT, Aptech… (chú trọng kỹ năng mềm cũng như khả năng đọc hiểu tài liệu kỹ thuật tiếng nước ngoài).
Đào tạo và thị trường lao động
Trước đây, các học viên thuộc các hệ thống đào tạo phi chính quy thường bị đánh giá là chỉ được đào tạo để làm việc ngay nhưng thiếu kiến thức khoa học cơ bản. Nhưng trên thực tế, nhiều trường đại học quốc tế như PTU (Đại học Công nghệ Punjab), Greenwich… đánh giá trình độ của học viên tốt nghiệp chương trình đào tạo của Aptech, NIIT tương đương với 2 kỳ học đầu trong chương trình cử nhân của họ với bằng cấp là HDSE (Higher Diploma in Software Engineering). Sau khi có bằng HDSE, học viên có thể học liên thông tiếp cử nhân (Bachelor of Science in Computing).
Có sự khác nhau trong hệ thống đào tạo giữa các trường đại học của Việt Nam và nước ngoài. Theo TS. Nguyễn Xuân Huy, Chủ tịch Hội đồng tư vấn giáo dục Microsoft, ở Việt Nam quan niệm học đại học, rồi thạc sĩ, tiến sĩ để làm các công việc về nghiên cứu nên người học cần các kiến thức khoa học cơ bản. Trong khi đó các chương trình đào tạo sau đại học của nước ngoài có sự phân hóa hoặc để phục vụ nghiên cứu hoặc để làm những công việc cao hơn trong ngành công nghiệp CNTT. Do vậy học viên của nhiều hệ thống đào tạo CNTT vẫn có thể chọn học tiếp Đại học liên thông và có cơ hội học sau Đại học tiếp đó.
Đã qua rồi thời các doanh nghiệp phải cân nhắc giữa nên tuyển sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy hay học viên của các hệ thống đào tạo CNTT khác. Chính thị trường lao động sẽ quyết định phương pháp đào tạo nào là phù hợp và quan trọng hơn cả, người học phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng đáp ứng nhu cầu thị trường và đi được “đường dài” trong nghề CNTT.
Theo pcworld.com.vn