Kiến thức Chiến lược Kế sách: Nước đục dễ bắt cá

Kế sách: Nước đục dễ bắt cá

24

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamTrong kinh doanh, lúc thị trường có biến động là lúc xuất hiện nhiều cơ hội làm ăn đặc biệt nhất. Khi đó, các đối thủ cạnh tranh chững lại chờ thời, nhiều nhu cầu mới nảy sinh, nhiều khoảng trống thị trường xuất hiện,…mà nếu người làm ăn biết nhanh nhạy nhìn ra cơ hội đó và chớp lấy thì sẽ thu lợi lớn.

1. Câu chuyện xuất xứ 
Ngày xưa, vì cò có bộ cánh lúc nào cũng trắng muốt nên tỏ vẻ đài các không chịu lội xuống mặt nước lúc kiếm ăn. Nó thường chỉ đậu trên các ngọn tre hoặc bay lượn ở trên cao để quan sát mặt nước ao hồ hay ruộng nước để tìm con mồi. Cũng vì thế mà cò rất khó bắt được mồi, một phần vì mặt nước trong vắt in bóng trời mây trên dưới lẫn lộn, phần khác vì con tôm cái tép khôn ngoan thường lẩn dưới đáy nước hay nép mình bất động trong các gốc cây cỏ. Vì thế mà cò ta luôn đói rạc.
Cho đến một hôm, cò đang từ trên cao quan sát cả nửa ngày mà chưa thấy tăm tích một con mồi nào thì bất ngờ có một con quạ từ trên cao xả mình xuống mặt nước để tắm. Nước bắn lên tung tóe, bùn đất từ dưới đáy cuộn lên đục ngầu. Lũ tôm tép hoảng loạn chạy nhảy lung tung và chính vì thế trên nền nước đục bùn đất chúng hiển hiện rõ mồn một. Thế là cò ta vội lao xuống đớp mổ lia lịa, được một bữa no nê căng mề,…
Kể từ đó, cò hiểu ra rằng muốn bắt được mồi thì phải làm sao cho lũ mồi hoảng loạn buộc chúng phải cử động hoặc ra khỏi chỗ trú ngụ để dễ bề phát hiện. Và cũng kể từ đó, cò ta bắt đầu chịu khó lội bộ trên những mặt nước, lấy chân khuấy đục bùn đất dưới đáy nước và lùa đám tôm tép ra khỏi nơi ẩn nấp để rồi dùng những cú mổ điêu luyện khiến những con mồi khó bề thoát thân.
Đó cũng là một kế sách kinh doanh của người đời biết khai thác những cơ hội thị trường có nhiều biến động, chớp thời cơ để giành được mối lợi. Nói cách khác, chính vào những khi thị trường đang có biến động là lúc xuất hiện nhiều cơ hội hơn cả.
2. Cốt lõi kế sách
Trong thực tế cuộc sống, khi xã hội biến động luôn này sinh các yếu tố khác thường. Người nào biết bình tĩnh phân tích tình hình sẽ phát hiện ra các cơ hội mà trong những hoàn cảnh bình thường không thể thấy được. 
3. Ý nghĩa vận dụng trong kinh doanh
Trong kinh doanh, lúc thị trường có biến động là lúc xuất hiện nhiều cơ hội làm ăn đặc biệt nhất. Khi đó, các đối thủ cạnh tranh chững lại chờ thời, nhiều nhu cầu mới nảy sinh, nhiều khoảng trống thị trường xuất hiện,…mà nếu người làm ăn biết nhanh nhạy nhìn ra cơ hội đó và chớp lấy thì sẽ thu lợi lớn.
MỘT SỐ MINH HỌA VIỆC ÁP DỤNG THÀNH CÔNG KẾ SÁCH
1.Nắm bắt cơ hội làm giàu ngay trong lúc thị trường biến động
Thời kỳ bị Nhật chiếm đóng, thị trường Hồng Kông vô cùng rối loạn. Trong khi rất nhiều người kinh doanh bị phá sản thì doanh nhân Vương Khoan Thành lại làm ăn hết sức phát đạt, ông đã trở thành một đại gia nhờ biết tận dụng tình thế của nền kinh tế nước mình.
Thời kỳ này, phía Nhật đã ép Hồng Kông phải phát hành đồng tiền mới nhằm vơ vét của cải vật chất của nước này. Giá trị của đồng tiền mới lên xuống thất thường theo sự thành bại của quân Nhật nên các ngân hàng cũng như những người làm ăn buôn bán đều không muốn tích trữ nó vì lo sợ tiền mới sẽ trở thành giấy lộn bất cứ lúc nào. 
Tuy nhiên, ông Thành lại lặng lẽ quan sát, phân tích và đưa ra phán đoán rằng khi thị trường Hồng Kông định hình thì nhất định đồng tiền mới này sẽ lên giá. Do đó, khi thấy mọi người bán tống bán tháo đồng tiền này, ông Vương Khoan Thành tập trung toàn bộ tài sản mua lại tiền mới để tích trữ, chờ đợi thời cơ. Quả nhiên không lâu sau, pháp luật Hồng Kông đã chấp nhận đồng tiền mới và đưa ra những biện pháp bảo vệ đồng tiền này, cân đối giá trị của nó so với đồng tiền cũ. Lúc này ông Thành mới đem nó ra trao đổi ngoài thị trường và thu được lãi lớn, từ đó mà gây dựng nên cơ nghiệp.
*Cách thức áp dụng kế sách:
Trong lúc thị trường rối loạn, mọi người hoang mang không tin tưởng vào giá trị của đồng tiền mới thì ông Thành với sự quan sát và phán đoán tinh tế đã nhận ra xu hướng định hình của đồng tiền mới này. Ông đã tranh thủ được thời cơ mọi người ồ ạt bán rẻ nó mà mua vào tích trữ rồi sau đó bán ra với giá cao và thu được lợi nhuận lớn.
Khi thấy tình thế khó khăn không nên lo sợ bỏ sang nơi khác kiếm ăn mà phải tinh tế tìm ra đâu là cá lớn để bắt lại, như thế mới là người kinh doanh có tầm nhìn xa trông rộng.
2. Chuyện thực hư trên thị trường cổ phiếu
Năm 1815, Napoleon Bonnapart – hoàng đế Pháp tham gia cuộc chiến với khối liên minh một số nước Châu Âu. Sau khi chiến thắng vẻ vang nước Bỉ, Napoleon tiếp tục tấn công nước Anh. Đó là trậnWaterloo nổi tiếng lịch sử. Tình thế cuộc chiến cho thấy lợi thế nghiêng hoàn toàn về phía nước Pháp với tài cầm quân nổi tiếng của Napoleon Bonnapart. Ai cũng cho rằng nước Pháp nhất định sẽ là nước chiến thắng. Tâm lý đó được biểu hiện rất rõ trên thị trường cổ phiếu. Giá cổ phiếu tại London sụt giảm rõ rệt.
Lúc bấy giờ, ngân hàng Locheed tại nước Anh nhờ tình báo đã biết trước được rằng hoàng đế Napoleon Bonnapart đã thất trận tại Waterloo. Thông tin đó cho thấy một xu thế rõ ràng giá cổ phiếu tại London sẽ tăng vọt. Nhân cơ hội mọi người còn chưa biết tin này, ngân hàng Locheed đã mưu trí tung tiền ra mua vào một số lượng lớn cổ phiếu Anh với giá cực rẻ. Đúng như dự đoán, khi tin chiến thắng chính thức được công bố, thị trường cổ phiếu lên cơn sốt, ngân hàng này bán ra và kiếm được siêu lợi nhuận.
*Cách thức áp dụng kế sách:
– Tình thế ở đây là tâm lý hoang mang của người dân Anh trước diễn biến của cuộc chiến tranh giữa hai nước Anh – Pháp với suy nghĩ rằng nước Anh nhất định thua trận.
– Ngân hàng Locheed nhờ lợi thế biết trước kết quả cuộc chiến đã biết chắc về xu hướng bùng phát của cổ phiếu nước Anh nên đã nhân cơ hội đó mua cổ phiếu Anh với giá rẻ không ngờ. Họ đợi tin thắng trận bung ra rồi lại bán chính cổ phiếu ấy với giá cao, thu được lợi nhuận khổng lồ.
Như vậy, người làm ăn nếu nhanh nhạy nắm rõ tin tức thị tường sẽ luôn luôn cầm chắc chiến thắng.
3. Trở thành tỉ phú nhờ các công ty phá sản 
Giới ngân hàng, đầu tư và kinh doanh trên thế giới không ai không biết đến nhà tỷ phú người Mỹ Wilbur Ross, bởi ông được mệnh danh là “ông vua của các phi vụ phá sản”. Wilbur thành công là do ông luôn có một tầm nhìn xa, có thể nhận ra được những xu hướng và cơ hội lớn trong tình thế hỗn loạn.
Phi vụ điển hình nhất và cũng thành công nhất là việc Wilbur Ross tạo dựng được một tập đoàn thép lớn từ ba tập đoàn thép đã phá sản. Vào thời điểm những năm 1967 – 1971 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, ngành công nghệp Mỹ tại Rust Belt – vùng Đông Bắc Mỹ lụi bại, các doanh nghiệp bị phá sản hàng loạt, trong đó thua lỗ và đóng cửa nhiều nhất là các công ty thép. Trước tình hình biến động như vậy, Wilbur Ross đã tỉnh táo nhận ra rằng, công nghiệp nặng nói chung và công nghiệp luyện thép nói riêng luôn là một trong những ngành trọng điểm không thể thiếu được trong một nền kinh tế. Chính vì vậy, tương lai, sau khi trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế, nền công nghiệp thép chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ trở lại. Từ những nhận thức đó, Wilbur Ross đã quyết định mua cùng một lúc ba tập đoàn sản xuất thép đã đóng cửa là Bethlehem Steel, von LTV và Acme Steel. Trên cơ sở của cấu trúc 3 tập đoàn đang có, Wilbur Ross dựng lại thành tập đoàn thép mới với tên là International Steel Group Inc (ISG). 
Quả nhiên, sau khi thời kỳ suy thoái qua đi, nền công nghiệp thép phục hồi và tăng trưởng một cách vượt bậc. ISG đã nhanh chóng phát triển và trở thành tập đoàn sản xuất thép thứ hai của Mỹ với sản lượng 18 triệu tấn mỗi năm, chỉ sau Tập đoàn US Steel. Doanh số của ISG năm 2003 là 3,9 tỉ USD và lợi nhuận đạt gần 100 triệu USD. 
*Cách thức áp dụng kế sách:
– Biểu hiện của tình thế là ngành công nghiệp Mỹ rơi vào khủng hoảng, nhiều công ty bị phá sản hoàng loạt.
– Wilbur Ross đã nhìn ra được sự phục hồi và phát triển tất yếu của nền công nghiệp thép sau suy thoái kinh tế nên đã chớp lấy cơ hội trong tình thế tưởng chừng khó khăn này là có thể nhờ đó mà mua lại được các công ty thép với giá rẻ mà lại không phải chịu các nghĩa vụ tài chính của 3 tập đoàn đã phá sản này. 
– Thời cơ thật quan trọng, nhưng yếu tố quyết định thành công còn ở chỗ Wilbur Ross đã tìm hiểu cặn kẽ tình hình biến động của thương trường và tiên đoán được sự phát triển trở lại của ngành thép cũng như nhu cầu tiêu thụ thép khổng lồ tại châu Á trong tương lai. Chính nhờ chớp thời cơ khó khăn của thị trường và dựa trên những phán đoán ưu việt hơn người mà Wilbur Ross đã thu được thành công lớn.
Như vậy, khi thị trường biến động là lúc thời cơ làm ăn xuất hiện nhiều, cần phải nắm chắc được thông tin và nhanh nhạy quyết đoán chớp thời cơ ấy giành món lợi về cho mình.
4. Chiếm lĩnh thị trường thế giới nhờ khủng hoảng kinh tế 
Năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính khu vực châu Á đã khiến cho nhiều doanh nhân trắng tay, nhiều tập đoàn kinh tế lớn chao đảo. Tâm điểm và chịu ảnh hưởng lớn nhất của cơn bão này là hai nước Hàn Quốc và Thái Lan. Lúc bấy giờ, LG ( lúc đó là Goldstar ) – hãng sản xuất lớn của Hàn Quốc cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của đợt khủng hoảng đó. Trước tình hình như vậy, ban lãnh đạo của hãng đã tỉnh táo nhận ra được một vấn đề. Đó là nhu cầu thị trường luôn luôn tồn tại. Cuộc khủng hoảng tài chính đã làm nảy sinh ra một vấn đề về nhu cầu đối với hàng điện tử giá rẻ. Chính trong thời điểm này, Goldstar đã đổi tên thành tập đoàn LG với logo là một khuôn mặt cười. Hãng LG ngay lập tức tập trung vào sản xuất các mặt hàng điện tử gia dụng như: điều hoà không khí, tivi, máy giặt, tủ lạnh…. với chất lượng hợp lý và giá cả vừa phải. Tại Việt Nam Năm 1998, LGVina ra đời. Trong khi kinh tế trong khu vực đang chững lại thì ở Việt Nam lại được mùa. Ngay lập tức LGVina đã tung ra chương trình khuyến mại “Được mùa lại trúng thưởng ngay” dành cho bà con nông dân khi mua sản phẩm điện tử giá cả phù hợp với giá trị khuyến mại lên đến 20 triệu đồng. Những chiến lược kịp thời đó đã giúp cho LG mở rộng được thị trường. gặt hái được rất nhiều thành công.
Song song với việc tìm ra và chiếm lĩnh thị trường hàng điện tử giá cả hợp lý , trong tình thế khủng hoảng đó, LG còn tìm ra một con đường khác để phát triển. Đó là tập trung vào sản xuất hàng xuất khẩu. Bắt nguồn từ việc đồng Won bị mất giá, tập đoàn LG đã nhận thấy cơ hội màu mỡ của thị trường xuất khẩu. Lợi nhuận thu được từ việc xuất khẩu các mặt hàng kể trên tại thời điểm xảy ra khủng hoảng đã đóng góp tới 70% tổng doanh thu của tập đoàn này, trong khi vào trước thời điểm khủng hoảng chúng chỉ góp được 30% vào tổng doanh thu của hãng.
*Cách thức áp dụng kế sách:
– Tình huống mà hãng LG đã tận dụng được đó là cuộc khủng hoảng tài chính của khu vực châu Á, Hàn Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều công ty làm ăn thua lỗ và không tìm được lối thoát làm ăn.
– Hãng LG đã nhanh nhạy nhận ra rằng nhu cầu thị trường lúc nào cũng tồn tại. Sự khủng hoảng kinh tế sẽ tạo ra một nhu cấu lớn về hàng điện tử gia dụng giá cả phải chăng và chất lượng vừa phải. Đó chính là thị tường tiềm năng trong tương lai mà LG có thể tận dụng trong tình thế đó.
– Hãng LG cũng nhận ra rằng cuộc khủng hoảng khiến đồng Won của Hàn Quốc bị sụt giảm mất 1/3 giá trị lại là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. Bởi lẽ khi đó các nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ mua được hàng hóa Hàn Quốc với giá rẻ hơn bằng đồng tiền của nước mình. Do đó, LG đã tăng tốc sản xuất một số mặt hàng được ưa chuộng để tập trung xuất khẩu và thu được lợi nhuận khổng lồ.
5. Đồ gỗ Việt Nam tranh thủ thời cơ xâm nhập thị trường Mỹ
Đầu năm 2004, thị trường gỗ thế giới có sự biến động lớn. Đồ gỗ xuất khẩu của Canada và Trung Quốc vào thị trường Mỹ bị buộc tội bán phá giá. Nhu cầu về sản phẩm này trở nên khan hiếm trên thị trường Mỹ. Trong khi đó, đồ gỗ Việt Nam lúc này đã bắt đầu tạo dựng được thương hiệu đối với người tiêu dùng tại đây.
Chớp thời cơ này, các doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam đã tăng tốc độ sản xuất để kịp thời đáp ứng cho việc xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp còn chủ động tìm mối nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Châu Phi, Australia, Uruguay,…nhằm đáp ứng các đơn đặt hàng đến từ Mỹ và Trung Quốc. 
Nhờ thế, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2004, kim ngạch xuất khẩu của riêng sản phẩm gỗ chế biến đã đạt 561 triệu đô la, tương đương với mức kim ngạch của cả năm 2003 mà ngành này đã thực hiện. Mục tiêu của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam đặt ra là xuất khẩu 1 tỷ đô la vào năm 2010 đã đạt được ngay trong năm 2004!
*Cách thức áp dụng kế sách:
– Yếu tố biến động ở đây là việc đồ gỗ xuất khẩu của Canada và Trung Quốc vào Mỹ bị buộc tội bán phá giá khiến cho thị trường Mỹ bị khan hiếm mặt hàng này.
– Đồ gỗ Việt Nam lập tức thế chỗ, tận dụng lợi thế chất lượng tốt rồi đẩy nhanh tốc độ sản xuất mặt hàng này để xuất khẩu kịp thời, bổ sung sự thiếu hụt mặt hàng này tại thị trường Mỹ. Nhờ thế mà ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam đã mở rộng được cánh cửa vào thị trường khó tính này.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không